Ngày 5-6, tại Đối thoại Shangri-la, Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, tiếp tục biện bạch vô lý chủ quyền của nước này đối với Biển Đông. Điều này một lần nữa khiến các cử tọa thất vọng vì không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của họ.
Lại bao biện về tranh chấp
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đô đốc Tôn cho rằng từ nhiều năm qua với sự nỗ lực của các bên, tình hình Biển Đông vẫn tương đối ổn định và an ninh hàng hải không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp giữa các bên và Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn và “sự khác biệt phải được kiểm soát thông qua các cơ chế và luật pháp”.
“Chúng tôi cho rằng lợi ích chung chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác. Chúng tôi sẽ hoàn toàn bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không và hòa bình ở Biển Đông. Chúng tôi đã được đồng thuận thông qua đối thoại song phương và thương thuyết với ASEAN. Trung Quốc và ASEAN có khả năng đảm bảo hòa bình và ổn định thông qua hợp tác ở Biển Đông,” ông Tôn nói.
Đô đốc Tôn mạnh miệng cảnh báo các quốc gia bên ngoài phải đóng vai trò xây dựng đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và vu cáo rằng “vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng bởi các hành động khiêu khích của các quốc gia bên ngoài vì quyền lợi hẹp hòi của họ”.
Liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa thường trực trọng tài La Haye (PCA), Đô đốc Tôn cho rằng việc này Philippines đưa ra dưới chiêu bài luật pháp quốc tế nhằm “từ chối quyền, chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông”.
“Tòa trọng tài không giải quyết được vì hai bên đã ký thỏa thuận song phương. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC). Vấn đề chủ quyền lãnh thổ nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS). Các tranh chấp mà Philippines đưa ra nằm ngoài tuyên bố của chính phủ Trung Quốc”, Đô đốc Trung Quốc nói và trơ tráo bảo: “Bằng cách đơn phương khởi kiện, Philippines đã vi phạm thỏa thuận song phương với Trung Quốc, vi phạm UNCLOS”.
Đô đốc Tôn ngang nhiên khẳng định chính phủ Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia phiên tòa này và sẽ không tôn trọng phán quyết. Ông Tôn còn trơ tráo cho rằng việc không công nhận phán quyết của tòa án mới chính là tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước. Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi. Trung Quốc đủ khôn ngoan và bình tĩnh để giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình. Người dân Trung Quốc tin vào sự thật chứ không phải những lời bịa đặt,” Đô đốc họ Tôn lớn tiếng tại Đối thoại Shangri-La.
Đô đốc họ Tôn còn khuyên các nước khác, ám chỉ Mỹ, rằng: “Mong các quốc gia khác có sự thông minh và kiên nhẫn như vậy để cùng hòa bình. Bất kỳ quốc gia nào không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đừng nên can thiệp để dành những lấy những lợi ích vị kỷ”.
Tiếp tục né tránh câu hỏi
Trong phần trả lời câu hỏi, như thường lệ đại diện Trung Quốc nhận được rất nhiều câu hỏi từ cử tọa, và hầu hết liên quan đến vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như về trách nhiệm của Trung Quốc trong UNCLOS, tự do hàng hải, thúc đẩy COC, đặc biệt là phán quyết sắp tới của PCA.
Tuy nhiên, một lần nữa Đô đốc Tôn lại tránh né trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, thay vào đó tận dụng điều này để trình bày những luận điệu dối trá xuyên tạc với Biển Đông.
Đô đốc Tôn cho rằng về tranh chấp ở Biển Đông, các bên nên tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và toàn thể. Ông Tôn trơ tráo nói Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là của Trung Quốc.
“Những gì xảy ra ở Nam Hải đang gây lo ngại cho Trung Quốc. Khi chúng ta nói về Nam Hải cần nhìn vào bằng chứng lịch sử. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các vùng biển đảo ở Nam Hải cho nên chúng tôi có quyền từ rất lâu rồi. Trung Quốc đã tuyên bố đường chín đoạn. Đây là một tuyên bố mang tính chất trang trọng, có hiệu lực quốc tế,” Đô đốc Tôn trơ tráo nói.
Ông Tôn cho rằng trong những năm qua, một số nước nhỏ than phiền bị áp bức bởi các nước lớn nhưng Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào mà chỉ có nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc.
Đô đốc Trung Quốc cũng bao biện rằng các hoạt động xây dựng của nước này ở 7 thực thể tại Biển Đông là việc cần thiết và không làm thay đổi hiện trạng vì hoạt động xây dựng này nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.
Đại diện Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông không bao giờ ảnh hưởng đến tự do hàng hải.
Quỳnh Trung
Theo Tuổi Trẻ