Trong thông điệp gửi tới các bộ trưởng chính phủ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow nên cân nhắc hạn chế xuất khẩu uranium, niken và titan để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Siết xuất khẩu kim loại quan trọng
Tại cuộc họp chính phủ ngày 11/9, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết bất chấp những hạn chế của phương Tây, Nga vẫn tiếp tục cung cấp một số loại hàng hóa ra thị trường thế giới “với số lượng lớn” và trong một số trường hợp, người mua đang “vui vẻ” tích trữ các sản phẩm của Nga.
“Nga là nước dẫn đầu về trữ lượng một số loại nguyên liệu thô chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta bị hạn chế về nguồn cung một số loại hàng hóa, có lẽ chúng ta cũng nên cân nhắc một số hạn chế nhất định”, tổng thống Nga cho biết. Ông gợi ý rằng các hạn chế được đề xuất có thể bao gồm xuất khẩu uranium, titan và niken của nước này, cũng như “một số hàng hóa khác”.
“Tôi không nói rằng chúng ta cần phải làm điều này vào ngày mai. Nhưng nói chung, nếu điều này không gây hại cho chúng ta, chúng ta có thể nghĩ đến một số hạn chế nhất định đối với nguồn cung cấp cho thị trường nước ngoài”, ông Putin gợi ý, lưu ý rằng tầm quan trọng của động thái tiềm năng này sẽ khó có thể đánh giá thấp do “tầm quan trọng của nguyên liệu thô của Nga”.
Tổng thống Nga cho hay động thái này sẽ là phản ứng trước những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận một số hàng hóa do nước ngoài sản xuất.
Trong khi các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của Nga và khả năng thanh toán cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài, thì những cảnh báo của phương Tây về các lệnh trừng phạt thứ cấp tiếp theo cho thấy khả năng tiếp cận hàng hóa sử dụng kép của Nga, có cả ứng dụng dân sự và quân sự, cũng có thể bị chặn.
Thị phần uranium làm giàu của Nga ước tính vào khoảng 40%. Nhiên liệu này rất quan trọng đối với cả sản xuất điện hạt nhân dân sự và vũ khí hạt nhân quân sự.
Nước này cũng là nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới, một mặt hàng quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ. Theo cổng thông tin Công nghệ khai thác có trụ sở tại Anh, Nga là một trong mười nhà sản xuất niken lớn nhất, một thành phần quan trọng trong sản xuất năng lượng sạch.
Đe doạ ngành công nghiệp hạt nhân của phương Tây
Uranium, một nguyên tố kim loại có trong tự nhiên, được chiết xuất từ quặng và được sử dụng để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân.
Phát biểu của ông Putin đã thúc đẩy cổ phiếu của các công ty khai thác uranium tăng lên do kỳ vọng giá mặt hàng này sẽ tăng cao.
Năm 2023, Mỹ và Trung Quốc đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu uranium của Nga, tiếp theo là Hàn Quốc, Pháp, Kazakhstan và Đức.
Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân lớn nhất thế giới. Kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, các chính phủ phương Tây đã cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga.
Cho đến nay, cả Mỹ và EU đều chưa trừng phạt titan của Nga. Theo một báo cáo trước đó của tờ Washington Post, cả các công ty Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Nga.
Mỹ đã hạn chế các biện pháp nhắm vào kim loại này hoặc áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nhà sản xuất titan lớn của Nga VSMPO-Avisma. Các hạn chế hiện tại cấm xuất khẩu của Mỹ sang công ty Nga nhưng cho phép titan của công ty này vào Mỹ.
Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga, tức ngăn các giao dịch trị giá khoảng 1 tỷ USD hàng năm. Tuy nhiên, luật này có các miễn trừ trong trường hợp lo ngại về nguồn cung, cho phép Bộ Năng lượng Mỹ duy trì mức nhập khẩu uranium bình thường của Nga cho đến năm 2027.
Năm ngoái, Nga chiếm 27% lượng uranium làm giàu cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Mỹ.
Nhà phân tích Arkady Gevorkyan của Citi cho biết: “Sẽ rất khó để thay thế uranium của Nga, đặc biệt là trong ngắn hạn, 2-3 năm tới”.
“Các nhà làm giàu uranium phương Tây chỉ lập kế hoạch xây dựng thêm năng lực làm giàu, việc này sẽ mất ít nhất 3 năm để hoàn thành. Chúng tôi dự đoán rằng các công ty tiện ích ở Mỹ có thể thay thế một phần bằng cách nhập khẩu uranium làm giàu thấp từ Trung Quốc”, ông Arkady cho hay.
Vào tháng 1 năm ngoái, chính phủ Anh đã khởi động Quỹ nhiên liệu hạt nhân để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh cho biết Nga sở hữu khoảng 20% công suất chuyển đổi uranium toàn cầu và 40% công suất làm giàu.
Bất kỳ giới hạn nào của Nga đều có thể mang lại lợi nhuận cho các quỹ đầu cơ, những quỹ này đã tích trữ nhiều thùng uranium thô và sẽ được hưởng lợi khi giá toàn cầu tăng cao.
Theo RT, Telegraph
Thanh Tú / Vietnamfinance