Tổng thống Obama đã bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày – một điều khá hiếm với một tổng thống Mỹ, rất ít khi thăm một quốc gia nào đó trong thời gian dài như vậy. Hôm qua 23/5, tờ Đa chiều có bài phân tích tại sao Mỹ lại coi trọng phát triển mối quan hệ với Việt Nam hơn các quốc gia khác.
Ngày 22/5, tổng thống Mỹ Obama có mặt tại Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm ba ngày tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên ông Obama sang thăm Việt Nam trên cương vị tổng thống. Điểm nổi bật nhất trong chuyến đi này của ông Obama là tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã áp dụng hơn 30 năm đối với Việt Nam.
Đối với lệnh cấm vận vũ khí mà Việt Nam quan tâm, trước khi ông Obama sang thăm Việt Nam, phó trợ lý các vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, ông Ben Rhodes cho biết: “Chuyến thăm Việt Nam lần này của tổng thống Obama có một ý nghĩa đặc biệt, nó cho thấy độ rộng trong sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam”. Nguồn tin cho biết, tổng thống Mỹ rất ít khi thăm một quốc gia nào đó trong vòng 3 ngày, chuyến thăm này của ông Obama chứng minh phía Mỹ đặc biệt coi trọng phát triển mối quan hệ đối với Việt Nam.
Tờ Đa chiều của Mỹ cho rằng, do sách lược của Mỹ tại biển Đông là không ngừng thách thức Trung Quốc, trong vấn đề biển Đông, có 4 quốc gia tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Vậy tại sao Mỹ lại coi trọng Việt Nam như vậy? Tại sao trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Obama lại có chuyến thăm Việt Nam với nghi thức cao nhất như vậy?
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có quyết tâm lớn nhất trong việc duy trì hiện trạng Biển Đông, Mỹ coi đây là điểm tiếp cận lý tưởng nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia kiểm soát nhiều đảo nhất với 29 đảo; Philippines kiểm soát 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Malaysia kiểm soát 4 đảo, Brunei chỉ kiểm soát 1 đảo.
Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia giành được lợi ích lớn nhất từ nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khoanh vùng ở 185 khu vực, và Trung Quốc thì khẳng định rằng một phần lớn trong số khu vực mà Việt Nam khoanh vùng nằm trong cái gọi là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “của Trung Quốc”. Nhờ vào các hoạt động mời thầu mà Việt Nam đã ký kết các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với hơn 50 công ty nước ngoài. Do đó, Việt Nam, trở thành quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông. Dầu mỏ đã trở thành một trong những sản phẩm đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Việt Nam, tỉ trọng của dầu mỏ trong GDP cả nước lên tới trên 30%.
Chính vì lẽ đó, Việt Nam là quốc gia không muốn phá vỡ hiện trạng Biển Đông nhất. Và đứng trước ý đồ bành trướng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, quyết tâm này của Việt Nam ngày càng rõ rệt hơn, và quốc gia này càng cảm nhận được sức ép từ phía nước láng giềng và cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc lấp biển xây đảo phi pháp, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí lực lượng quân sự chính là phá vỡ hiện trạng mà Việt Nam với vai trò quốc gia có quyết tâm lớn nhất trong việc duy trì hiện trạng Biển Đông. Do đó, Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam chống lại mưu đồ của Trung Quốc là lẽ đương nhiên.
Thứ hai, sức mạnh quân sự của Việt Nam mạnh nhất và có ưu thế địa chính trị lớn ở biển Đông, Mỹ có thể dựa vào đó để ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc. Trong 4 quốc gia nói trên, xét về quân số Việt Nam lớn nhất với 492.000 quân nhân, Philippines có 129.500 quân nhân, Malaysia có 117.000 binh sĩ, Brunei chỉ có 5.000 quân nhân. Xét về ngân sách chi cho quốc phòng từ năm 2010 đến năm 2015, chỉ có ngân sách chi cho quốc phòng của Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2015, ngân sách chi cho quốc phòng của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei lần lượt là 2,5 tỉ USD, 5,59 tỉ USD, 5,4 tỉ USD và 710 triệu USD. Sức mạnh hải quân của Việt Nam đã vượt qua Malaysia sau khi mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga.
Do sức mạnh quân sự của Việt Nam mạnh nhất trong 4 quốc gia này, đồng thời đây cũng là quốc gia có ưu thế địa chính trị trên biển Đông, như có nhiều cảng tự nhiên, đồng thời cách quần đảo Trường Sa tồn tại tranh cãi rất cần. Nếu Mỹ được sử dụng cả vịnh Cam Ranh, cộng với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines thì chắc chắn sẽ hình thành nên thế dồn ép ở cả hai phía Đông Tây khi quân đội Trung Quốc tiến vào biển Đông, đồng thời chức năng bố trí lực lượng của Trung Quốc tại các hòn đảo trên biển Đông cũng giảm đi rõ rệt.
Thứ ba, Đa Chiều nhận định một cách bừa bãi rằng Việt Nam có thể là quốc gia nổ phát súng đầu tiên để Mỹ có thể can thiệp ở thời điểm thích hợp. Thế kỷ trước, Mỹ và Việt Nam đã có cuộc giao tranh kéo dài hai mươi năm, Mỹ khá hiểu Việt Nam. So với các quốc gia khác, Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng dám đương đầu với sự mạo hiểm hơn. Nửa cuối thế kỷ XX, Việt Nam không những đương đầu với Mỹ, mà trong vòng 10 năm ngắn ngủi, quốc gia này còn đương đầu với Trung Quốc trong những xung đột trên đất liền và trên biển. Đây là hai cuộc chiến tranh hết sức gian khổ và khó khăn, nhưng Việt Nam không chịu lùi bước.
Đa chiều nhận định, mặc dù Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế về yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh, nhưng cho dù thế nào cũng không dám chủ động phát động chiến tranh với Trung Quốc. Kể cả Mỹ muốn can thiệp cũng không thể thay thế Philippines nổ phát súng đầu tiên với Trung Quốc, tuy nhiên, đối với một dân tộc quật cường như Việt Nam, chỉ cần hai nước Việt – Mỹ phát triển thành mối quan hệ đồng minh, chỉ cần Việt Nam “nổ phát súng đầu tiên”, Mỹ sẽ có lý do can thiệp, Đa Chiều suy diễn một cách vô lối.
Với ba điểm nói trên, Mỹ lựa chọn Việt Nam sẽ không còn là điều gì xa lạ. Xét ở một góc độ nào đó, nếu Mỹ ủng hộ Việt Nam đối đầu với Trung Quốc, mặc dù về mặt chất không làm thay đổi cục diện Biển Đông, nhưng đối với Trung Quốc lại là một rắc rối không nhỏ. Mỹ có thể thông qua rắc rối này để khống chế Trung Quốc. Xét về chi phí và lợi ích có thể dự đoán, Mỹ ủng hộ Việt Nam đích thực là một lựa chọn không tồi. Đó cũng là nguyên nhân căn bản giải thích tại sao vài năm gần đây, các chính khách Mỹ liên tiếp sang thăm Việt Nam.
Đắc Quang
Theo Viettimes