Giới quan sát cho rằng, vụ thử tên lửa mới nhất là nhằm khôi phục lại thể diện sau khi Triều Tiên phóng thất bại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan nhân kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15-4.
Bất chấp những đe dọa mạnh mẽ từ Mỹ-Hàn, Triều Tiên ngày 24-4 tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) đồng thời cảnh báo về khả năng tấn công các kẻ thù với “một con dao găm của sự hủy diệt”.
AP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên tuyên bố, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un có mặt tại sự kiện, trong đó ông ca ngợi các quan chức, nhà khoa học và kỹ thuật viên đồng thời kêu gọi họ thúc đẩy dự án này nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân để có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ-Hàn vào bất kỳ thời điểm nào mà họ muốn.
Thành công hay thất bại?
Trong khi Triều Tiên ăn mừng với vụ thử lần này, Hàn Quốc vẫn chưa xác nhận liệu Bình Nhưỡng có thành công hay không.
Trước đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên phóng một vật có thể là SLBM ra vùng biển phía đông. Tuy nhiên, vật thể này chỉ bay được khoảng 30km. Theo phía Seoul, đây là quãng đường đi quá ngắn của một SLBM, vốn có thể bay ít nhất là 300km. Mỹ cũng chưa có bất kỳ xác nhận nào về sự thành công của vụ thử này. Tuy nhiên, trong động thái đáp trả đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, nước này sẽ hạn chế sự đi lại của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong, người đang ở New York để tham dự các cuộc họp của LHQ.
Giới chuyên gia nhận định, nếu Triều Tiên thử thành công SLBM, đây sẽ là sự phát triển đáng lo ngại vì điều này giúp Bình Nhưỡng làm chủ khả năng bắn tên lửa từ tàu ngầm. Một vụ thử thành công cũng giúp đánh dấu nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng về mở rộng sức mạnh quân sự trước áp lực của Mỹ-Hàn. Theo Yonhap, Triều Tiên đang triển khai khoảng 300 hệ thống phóng rocket đa nòng (MLRS) dọc theo biên giới với Hàn Quốc, có thể bắn đến thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.
Trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố không thể xác nhận việc này, nhiều chuyên gia quân sự nhận định, hiện Hàn Quốc chưa có các loại vũ khí để đối phó với mối đe dọa như trên và biện pháp duy nhất Seoul có thể sử dụng là tấn công phủ đầu. Tuy nhiên điều này chắc chắn sẽ khơi mào một cuộc xung đột thảm khốc.
“Tối hậu thư” của Triều Tiên
Vụ phóng thử SLBM lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang theo dõi sát sao các động thái từ Triều Tiên vì lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, có thể trước thềm Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VII vào đầu tháng 5 tới.
Mối lo này càng gia tăng khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong bất ngờ quyết định đến Mỹ để tham dự các cuộc họp của LHQ – động thái mà Seoul cho là đánh “lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế”. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, vị thủ lĩnh ngoại giao của Triều Tiên đã đáp trả những cáo buộc này với tuyên bố “Bình Nhưỡng sẵn sàng ngừng các vụ thử hạt nhân nếu Hàn-Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự thường niên” – lời kêu gọi mà Seoul coi là “lố bịch” và bác bỏ ngay lập tức.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với một cơ quan báo chí phương Tây, ông Ri khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ không chịu khuất phục trước các lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Ri cũng sử dụng sự hiện diện tại hội nghị LHQ như một diễn đàn để tố cáo Washington, cho rằng, trong khi Bình Nhưỡng đang đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu…, thì họ đang bị “các thế lực bên ngoài” đe dọa.
Ngoài ra, ông cũng cáo buộc Mỹ sử dụng quyền lực để lôi kéo các nước khác tham gia gây áp lực với Triều Tiên. “Một đất nước nhỏ như Triều Tiên không thể thực sự là mối đe dọa đối với Mỹ hoặc với cả thế giới”, ông khẳng định với AP.
Khả Anh
Theo Công An Đà Nẵng