Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar Aung Hlaing đã nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ Hiến pháp.
Động thái này có thể vấp phải phản ứng từ quân đội, thậm chí có thể xoay chuyển cục diện chính trị Myanmar, làm ngưng trệ quá trình chuyển giao quyền lực, Nikkei Asian Review bình luận.
Dự luật này nhằm mục đích “đình chỉ tạm thời” một điều khoản trong Hiến pháp, cấm các cá nhân có thành viên gia đình mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi có hai con trai mang quốc tịch Anh.
Muốn thay đổi hiến pháp đòi hỏi phải có nhiều hơn 3/4 thành viên Quốc hội đồng ý, ngoài ra còn nhiều điều kiện khó khăn khác. Sự phản đối của các nhà lập pháp quân sự đã cản trở đề xuất sửa đổi hiến pháp cuối tháng Sáu năm ngoái.
Nhưng hiện nay NLD đang nắm đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái. NLD có các yếu tố để thông qua dự luật mới mà sẽ cho ra một đạo luật mới mà không làm thay đổi Hiến pháp.
Có một số lo ngại về việc liệu dự luật này được thiết kế để khai phá các kênh chính thức được xác định trước khi sửa đổi Hiến pháp. Một ban cố vấn pháp lý gồm các chuyên gia và thành viên của Hạ viện đã ra mắt hôm Thứ Sáu, do ông Shwe Mann, cựu Chủ tịch Quốc hội, cựu Chủ tịch đảng USDP dẫn đầu.
Nhiều nhà quan sát tin rằng, Shwe Mann, người ủng hộ thay đổi Hiến pháp sẽ làm việc với các bên và giúp hợp pháp hóa dự luật này. Nhưng một sự phản đối từ quân đội dường như là khó tránh khỏi.
Hiến pháp hiện hành đảm bảo một số ghế mặc nhiên trong quốc hội cho phe quân đội và đủ quyền phủ quyết các dự luật bất lợi cho phe này. Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar Aung Hlaing đã nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ Hiến pháp.
Một tờ báo quân sự ngày Thứ Hai vừa qua đã có bài xã luận tuyên bố, các điều khoản về tính hợp lệ của Tổng thống quy định trong Hiến pháp sẽ không bao giờ thay đổi. Bà Aung San Suu Kyi đã nỗ lực làm việc chặt chẽ với quân đội để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.
NLD có thể sẽ không liều lĩnh đưa dự luật này ra, bởi làm điều này bất chấp phản ứng của phe quân sự có thể lại gây ra một cuộc đảo chính. Trong trường hợp không thể làm Tổng thống, một nhân vật khác sẽ được bà Aung San Suu Kyi lựa chọn cho vị trí này và bà sẽ “ở trên Tổng thống”.
Tin Oo, một quan chức cấp cao NLD nói với báo giới, trước mắt đảng cầm quyền sẽ lựa chọn một người nào đó thân tín, gần gũi với bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống thay thế ông Thein Sein vào tháng Ba tới, đồng thời phải chuẩn bị đàm phán với quân đội.
Bất kỳ thảo luận nào về dự luật mới hướng đến việc thay đổi Hiến pháp hiện hành đều rất mất thời gian, nhưng NLD đặt mục tiêu để bà Aung San Suu Kyi có thể lên làm Tổng thống “trong năm nay”.
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam