Ảnh hưởng kinh tế lớn của Trung Quốc tại Lào đặt ra câu hỏi về và tác động đến vấn đề Biển Đông, khi Lào là chủ tịch ASEAN năm nay.
Theo Nikkei, tại một khu vực hẻo lánh phía tây bắc Lào, sòng bạc Kings Romans xuất hiện bề thế, nổi bật. Bên trong, một bức tượng Vua Neptune án ngữ ngay tại sảnh lộng lẫy, trong khi các tay bạc ngồi túm tụm quanh các bàn gần đó. Họ ném xuống hàng mớ tiền baht Thái và nhân dân tệ mỗi khi lật bài.
Nằm tại khu Tam Giác Vàng trong lãnh thổ Lào, Kings Romans là trung tâm trong dự án Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (GTSEZ), với quy mô 10.000 ha, được ra đời năm 2007. Dự án do một liên doanh giữa chính phủ Lào và Kings Romans Group có trụ sở tại Hong Kong xây dựng.
Kings Romans từ đó đến nay đã chi hàng chục triệu USD, để biến một góc hẻo lánh của tỉnh Bokeo thành thị trấn giải trí cho du khách Trung Quốc. Đằng sau sòng bạc là một khu người Hoa, với rất nhiều nhà hàng và tiệm mát-xa. Các cửa hàng lưu niệm bán những đồ trang sức làm từ ngọc, ngà voi và các loại gỗ quý hiếm. Xa hơn, có cả một vườn thú và sân golf.
Hầu hết công nhân tại GTSEZ đến từ Trung Quốc hoặc Myanmar. Đồng hồ được lấy theo giờ Bắc Kinh, sớm hơn giờ của Lào một tiếng. Hầu hết cửa hàng không nhận thanh toán bằng tiền Kip Lào. Nhiều toà nhà được xây dựng theo phong cách Tử Cấm Thành.
Moe Kyaw, 41 tuổi, một người lao động đến từ miền trung Myanmar và có 5 năm làm việc tại đặc khu kinh tế này cho biết: “Khách sạn Trung Quốc, tiền Trung Quốc, công trình xây dựng cũng của Trung Quốc”, ông Kyaw nói. “Đây cứ như thể Trung Quốc thu nhỏ vậy!”.
Đổ vốn
Đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã không ngừng tăng kể từ đầu thế kỷ 21, khi Bắc Kinh triển khai chính sách “Hướng ngoại”, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.
Kể từ đó, cùng với những con đường cao tốc mới xuyên qua các khu vực miền núi hoang sơ tại miền bắc Lào, vốn đầu tư của Trung Quốc cũng được đổ vào ngành khai khoáng, xây dựng, nông nghiệp và thủy điện. 13 đặc khu kinh tế tại nhiều địa bàn chiến lược của Lào cũng là đích đến của vốn Trung Quốc. Đến cuối năm 2013, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào quốc gia nhỏ bé này đã vượt 5 tỷ USD, khiến họ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào.
Lào đã thu hút hàng nghìn người nhập cư Trung Quốc, tạo thành những khu người Hoa ở khắp miền bắc. Không có con số thống kê chính xác, nhưng một số ước tính nói rằng hơn 300.000 người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Lào.
Sự hiện diện của Trung Quốc có thể thấy bằng mắt và cảm nhận rõ tại thủ đô Vientiane, nơi có một cộng đồng người Hoa đông đảo tập trung quanh chợ Sanjiang do Trung Quốc tài trợ xây dựng, và đi vào hoạt động ở phía tây thành phố năm 2007.
“Khi họ tới để đầu tư, nơi đó là một vũng nước tù”, Huang Zhitang, 70 tuổi, một tài xế taxi người Đài Loan làm việc trong khu vực Sanjiang cho biết. “Giờ tại Sanjiang hầu như mọi cửa hàng đều hái ra tiền”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc mang đến không ít tranh cãi. Giới phê bình cho rằng nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án thủy điện và hạ tầng quy mô lớn, được triển khai mà không mấy quan tâm tới chi phí xã hội hoặc môi trường.
Năm 2014, dân làng người Lào sống trong Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng đã biểu tình chống việc thu gom đất, và chặn không cho các nhà đầu tư Trung Quốc tới khảo sát khu vực dự kiến xây dựng sân bay. Theo một quản lý giấu tên của một sòng bạc, dự án sân bay đó đã bị hoãn lại.
Những vụ việc tương tự cũng xảy ra với một dự án bất động sản 1,6 tỷ USD tại khu vực That Luang Marsh ở Vientiane, trong khi dự án đường sắt trị giá 7 tỷ USD, nối thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam với Vientiane cũng bị trì hoãn dài ngày.
Ảnh hưởng chính trị
“Sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đi đôi với gia tăng ảnh hưởng chính trị”, Martin Stuart-Fox, giáo sư đại Đại học Queensland, nhận xét.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần qua thực hiện một chuyến thăm 5 ngày đến Brunei, Campuchia và Lào. Trung Quốc sau đó thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – ASEAN”. Tuy nhiên, Campuchia bác bỏ thông tin này, nói rằng “không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào”.
Prashanth Parameswaran, biên tập viên chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh kinh tế như đòn bẩy để thu hút ủng hộ ngoại giao và chia rẽ ASEAN. Không phải ngẫu nhiên khi tại mỗi điểm đừng chân trong chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị, luôn có những thông báo về các sáng kiến kinh tế mới hoặc đang tiến hành của Trung Quốc với những nước đó.
Khi hội đàm với các lãnh đạo Lào, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc muốn thực hiện kế hoạch chung với Lào về việc tiến hành sáng kiến “Vành đai và Con đường”, để giúp Lào nâng cao cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt Trung – Lào. Bắc Kinh cũng hứa hẹn với Vientiane về hợp tác năng lực sản xuất để hỗ trợ Lào đạt được công nghiệp hóa và tăng cường khả năng tự phát triển.
Nhà báo Sebastian Strangio tại Phnom Penh đánh giá rằng “trục xoay của Trung Quốc là đặc biệt đáng chú ý tại Lào, quốc gia không có biển. Trong ít nhất một thập kỷ qua, đất nước này đã trở thành trở thành mạch dẫn chính cho sự thâm nhập của Trung Quốc ở Đông Nam Á”.
Mặc dù Trung Quốc cũng đang mở rộng làm ăn sang Thái Lan, Myanmar và Campuchia, các chuyên gia cho rằng Lào là nước có khả năng bị lấn át bởi ảnh hưởng của Trung Quốc nhất.
“Trong số các nước kể trên, Lào dễ có nguy cơ bị Trung Quốc chi phối nhất”, Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan, nói với VOA.
Parameswaran chỉ ra rằng việc Trung Quốc thu hút ủng hộ của Lào càng được chú ý trong năm nay, vì Lào là chủ tịch ASEAN 2016, có ảnh hưởng lớn đến việc vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận như thế nào tại ASEAN. Để hiểu vị trí này quan trọng như thế nào, có thể nhìn vào sự kiện xảy ra năm 2012. Với vai trò chủ tịch ASEAN, Campuchia đã từ chối đề cập đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến hiệp hội lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Ông cho rằng động thái của Bắc Kinh là một phần chiến dịch ngoại giao để khiến ASEAN khó có tiếng nói chung nếu Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bất lợi với Bắc Kinh trong vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông.
Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách cho Bộ Ngoại giao Singapore, cảnh báo rằng sự hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên lục địa Đông Nam Á có thể đem đến những tác động địa chính trị lớn cho khối. Ông đánh giá rằng quan hệ kinh tế đang phát triển giữa hai bên đã ràng buộc họ với nhau trong một không gian kinh tế. “Việc này sẽ có tác động đến cách một số quốc gia thành viên ASEAN tính toán lợi ích”, ông nói.
Hoàng Nguyên
Theo Vnexpress