Ở trong ngôi nhà 4 tầng của gia đình chồng, thi thoảng chị Hiền lại nơm nớp sợ bị đuổi ra đường nếu lỡ làm điều gì khiến mẹ chồng phật ý.
Ngày chị Hiền cưới, bạn bè ai cũng trầm trồ nói chị may mắn vì được bố mẹ chồng mua sẵn nhà, ôtô cho, ông xã thì hiền lành, tài giỏi. Thế nhưng, sau hai năm kết hôn, cô nhân viên ngân hàng ở Ba Đình, Hà Nội than trời vì cuộc sống ngột ngạt bởi sự “ky bo” của gia đình chồng.
“Căn nhà tưởng của mình, hóa ra vẫn đứng tên ông bà. Họ còn bắt mình ở chung với cậu em chồng, dù có căn hộ khác đang cho thuê. Nhà chồng giàu nứt đố nhưng con mình hơn một tuổi chưa được ai cho cái gì bao giờ”, chị Hiền than thở.
Chị cho biết, nhà chồng có một công ty kinh doanh và các anh con trai đều làm việc chung tại đó. Hằng tháng, mỗi người được mẹ chồng phát cho một số tiền nhất định để chi tiêu. “Khoản đó chỉ đủ tiền ăn uống tiết kiệm cho hai vợ chồng với đứa con thôi chứ nhiều nhặn gì. Vậy mà thỉnh thoảng bà lại dọa sẽ cắt bớt hay thu lại ngôi nhà vợ chồng mình đang ở mỗi lần có chuyện không bằng lòng. Chồng thì vì hiền lành quá nên chẳng có ý kiến gì, còn mình quá bất bình mà chưa biết làm thế nào”, chị kể.
Chuyên gia Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho biết, ông từng tiếp nhận không ít các trường hợp phụ nữ than thở cảm thấy thất vọng khi về làm dâu gia đình giàu bởi nhà chồng có nhiều tiền nhưng lại keo kiệt.
“Tôi thường hỏi ngược lại những chị em này một câu đơn giản: ‘Vậy bản thân bạn có trông chờ gì vào tài sản của nhà chồng không’. Nếu câu trả lời là ‘không’ thì đâu có vấn đề gì cần suy nghĩ cho nặng đầu. Vợ chồng bạn làm được sao thì hưởng vậy, hãy coi bố mẹ, anh chị em chồng như một gia đình độc lập khác, họ có bao nhiêu, chi tiêu thế nào là chuyện của họ”, ông Sỹ bày tỏ.
Ông phân tích thêm bằng cách dẫn một trường hợp từng đến tư vấn: Cặp vợ chồng nọ đang ở một ngôi nhà nhỏ trong ngõ hẹp. Một ngày, họ nhắm được một chỗ đẹp, rộng, thuận tiện cho việc đi làm hơn nhưng chưa đủ tiền. Biết bố mẹ chồng có của ăn của để, chị vợ chạy về vay mượn nhà chồng và hứa sẽ sớm trả. Thế nhưng, bố mẹ chồng chị không đồng ý cho mượn tiền. Và từ đó, người phụ nữ ghét nhà chồng, nói họ là những người keo kiệt, chị không thèm đến và định sẽ không cho con về đó.
“Khi nghe khách hàng bày tỏ như vậy, tôi phải thành thật mà nói rằng ‘người sai chính là bạn, bởi việc họ cho vay hay không là quyền của họ và chẳng có lý do gì bạn có quyền chê trách. Bạn chỉ có thể thay đổi thái độ của chính mình, chẳng hạn, tỏ ra ‘dễ thương’ và cầu thị hơn khi mượn tiền và hứa trả vào một thời điểm chính xác chứ không chỉ là ‘sớm’. Nếu nhà bạn ăn uống đạm bạc, còn hàng xóm ăn sơn hào hải vị, bạn có nói nhà họ keo kiệt với mình không?”, nhà tâm lý bày tỏ.
Nhà tâm lý cho rằng, thường chuyện gia đình chồng giàu nhưng “keo kiệt” trở thành vấn đề bức xúc với các nàng dâu khi họ ở chung và/hoặc hoàn toàn phụ thuộc kinh tế nhà chồng. Một trường hợp ông tư vấn gần đây là một điển hình.
Một người phụ nữ tên Mai gọi điện đến gặp nhà tâm lý kể rằng chị cảm thấy cuộc sống trong ngôi nhà rộng thênh thang như địa ngục, khi luôn bị cả chồng lẫn bố mẹ anh chì chiết về tiền bạc.
Chị Mai kể rằng, sau khi kết hôn, chị có bầu và sinh con luôn nên nghỉ ở nhà không đi làm nữa, công việc trường mầm non như trước kia thì lương chẳng bao nhiêu trong khi gia đình chồng chị đã nhà xe đuề huề. Ở chung với bố mẹ chồng, lại có người giúp việc nên chị không quá bận rộn với việc nhà. Thời gian đầu, mọi việc khá suôn sẻ. Hằng tháng, chị được chồng phát tiền lo các chi phí ăn uống, chăm con. Thi thoảng, rảnh rỗi và muốn làm đẹp, chị lại đi massage, mua mỹ phẩm, hấp tóc… Các khoản này khá tốn kém nên số tiền chồng cho không đủ. Có lần, chị xin tiền chồng mua sữa cho con, anh gắt lên: “Bao nhiêu tiền anh mới cho sao đã hết, em tiêu kiểu gì vậy”. Bố mẹ chồng chị cũng hay nhìn con dâu bằng ánh mắt nghi ngờ và thi thoảng rỉ tai con trai rằng chắc chị đem tiền giấu đi hoặc cho nhà ngoại rồi về bòn mót thêm của chồng chứ tiêu gì mà mỗi tháng hết hơn chục triệu.
“Em thực sự ấm ức mà không biết nói sao, chẳng lẽ mấy chuyện mình đi làm mặt, làm tóc cũng phải kể ra? Mà sống thế này làm sao chịu nổi? Họ nhìn mình như kẻ ăn bám và moi tiền vậy”, chị Mai chia sẻ.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ cho rằng, không công khai mọi khoản chi tiêu chính là sai lầm của không ít bà vợ, như trường hợp chị Mai, khiến nảy sinh sự nghi ngờ ở cánh đàn ông và gia đình chồng, làm họ e dè chuyện tiền nong chứ đôi khi không phải do tính keo kiệt, ky bo. “Với trường hợp chị Mai, tôi bày chị bắt đầu từ hôm nay, hãy ghi rõ từng thứ mình mua vào một cuốn sổ, rồi cuối tháng đưa chồng xem, trả lời luôn cho câu căn vặn ‘tiêu những gì mà hết tiền’. Với khoản làm đẹp, cũng đừng ngại nói nếu nó hoàn toàn chính đáng. Người chồng hiểu chuyện sẽ không căn ke vợ việc này. Khi ghi chép ra, bản thân người vợ cũng tự khắc nhìn ra được những khoản mình chi chưa hợp lý và rút kinh nghiệm trong việc mua sắm”, ông Sỹ nói.
Ông cho rằng, tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm và các bất đồng trong gia đình nếu như các thành viên không có sự chia sẻ thẳng thắn và không rõ ràng trong cách chi tiêu, dù trong điều kiện kinh tế khá giả hay không. Bởi vậy, điều quan trọng là, khi kết hôn, các đôi cần trò chuyện và thống nhất với nhau về những việc liên quan đến tài chính, từ việc đóng góp, các khoản chi tiêu, ,… Khi đã kết hôn, hai vợ chồng cũng nên có kinh tế độc lập, không dựa dẫm vào bố mẹ hai bên để chủ động cuộc sống, có kế hoạch riêng cho tương lai gia đình mình và tránh những va chạm không đáng có.
Vương Linh
Theo Vnexpress