Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, Như Giang chưa có ý định kết hôn nhưng cuộc gặp gỡ với chàng trai đến từ Ý đã khiến cô thay đổi…
Mối tình sét đánh
Chuyện tình ngọt ngào của Nguyễn Như Giang (SN 1989 – Hà Nội) và anh Matthias Mayr (SN 1981 – quốc tịch Ý) mới trải qua chặng đường 2 năm.
Giang sinh sống ở Hà Nội, còn anh làm giáo viên cho trường Quốc tế trong TP.HCM. Một ngày đẹp trời, họ gặp gỡ và trúng tiếng sét ái tình khi Matthias Mayr ra Thủ đô du lịch.
Khi đó, Giang đang là mẹ đơn thân và chịu nhiều tổn thương từ cuộc hôn nhân cũ.
Cô kết hôn lần đầu khi mới 24 tuổi, thời điểm chưa hiểu rõ về tình yêu. Cuộc sống hôn nhân cũng không có quá nhiều sóng gió nhưng sau hơn 3 năm chung sống cô không cảm nhận được tình yêu của chồng.
Ai cũng chỉ có một cuộc đời, đặc biệt là phụ nữ. Một đời là quá dài để hi sinh nên cô quyết định chọn theo con tim mình, không phải trở thành người mà ai khác mong muốn.
Quãng thời gian đầu mới ly hôn, cô khá khó khăn để làm quen với cuộc sống mới. Thế nhưng nhìn cô con gái mặt buồn bã, Giang không đành lòng. Cô quyết tâm sẽ sống thật vui vẻ, cho con gái tìm lại sự lạc quan, yêu đời trước.
Giang mở cửa hàng thiết kế áo cưới, lấy con gái làm cảm hứng sáng tạo và động lực vươn lên.
Lần gặp Matthias, cô coi anh là bạn và trở thành hướng dẫn viên đưa anh đến các địa điểm thăm quan.
Sau kỳ nghỉ, anh quay vào TP.HCM, mang theo nỗi nhớ cô gái Hà Nội xinh đẹp. Những lần nói chuyện qua mạng xã hội, anh đều bày tỏ tình cảm nhưng Giang vờ như không biết. Thái độ của Giang khiến đối phương hụt hẫng nhưng anh quyết không từ bỏ ý định theo đuổi cô.
“Mưa dầm thấm lâu”, trái tim cô thực sự xao động. Tình yêu với Matthias Mayr là điều bất ngờ, Giang chưa bao giờ nghĩ đến. Anh cho cô sự tin tưởng và niềm tin vào ngày mai.
“Tôi là người sống phóng khoáng, có phần hơi hoang dại. Ở bên anh, tôi được là chính mình, không cần phải so đo hay phải ép mình thành mẫu phụ nữ thuần túy”, Giang nói.
Mặc dù chưa nhận thức được mối quan hệ giữa mẹ và người khác giới nhưng con gái Giang rất vui, tỏ ra quý mến Matthias. Lần nào gặp mặt, anh tạo ra trò chơi thú vị, khích lệ cô bé học hành.
Anh là bầu trời của em
Giang đưa con gái, cùng người yêu vào vùng đất mới lập nghiệp. Cô vốn là chuyên viên trang điểm kiêm thiết kế áo cưới nên bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống và thị trường mới.
Hai người kết hôn và sinh thêm một bé trai kháu khỉnh. Giang thừa nhận, việc yêu và đi đến kết hôn quá nhanh với người đàn ông khác biệt về văn hóa cũng có lúc khiến cô bị “sốc”.
“Tôi là người có suy nghĩ khá thoáng nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi những va chạm nho nhỏ”, Giang kể.
Ở Việt Nam, mỗi khi người thân ốm đau hoặc có sinh nhật các cháu nhỏ, nếu không mua quà, ta có thể gửi tiền. Quê hương chồng Giang lại không có phong tục như vậy.
Bên Ý, thường đi thăm bệnh nhân người ta sẽ đến thăm và mua quà. Sinh nhật cũng thế, những món quà sẽ có ý nghĩa hơn với trẻ. Việc dùng tiền thay quà sinh nhật khiến đứa trẻ sinh ra suy nghĩ nặng về đồng tiền.
Theo chồng Giang, việc tặng tiền cho trẻ vào sinh nhật là hành động kỳ cục và không ý nghĩa. “Kể cả đám cưới họ cũng không đi tiền mừng”, Giang cho biết thêm.
Bên cạnh những giây phút hạnh phúc, gia đình nhỏ của Giang vẫn xảy ra những bất đồng nho nhỏ. Matthias luôn là người ngồi lại, để cố gắng giải thích và cùng vợ tìm tiếng nói chung.
“Tôi đánh giá cao cách xây dựng tổ ấm của chồng. Anh chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Ngay cả lúc tôi nóng nảy nhất, anh ở phía sau ôm tôi vào lòng. Người ta hay nói đàn bà giữ lửa hôn nhân nhưng với tôi, chồng mới là người duy trì ngọn lửa tốt nhất”, Giang xúc động nói.
Người phụ nữ Hà Nội tâm sự, một bộ phận đàn ông Việt Nam vẫn định kiến về mẹ đơn thân, phụ nữ ly hôn… Đàn ông ngoại quốc lại cởi mở về vấn đề này. Dù người phụ nữ kết hôn bao nhiêu lần, có bao nhiêu đứa con không quan trọng. Họ chỉ cần người phụ nữ đó đồng điệu tâm hồn với mình là đủ.
Chồng Giang không thích dạy trẻ con bằng roi vọt. Thay vì dùng vũ lực, cha mẹ trở thành bạn của chúng, lắng nghe chúng. Đôi khi anh cũng hòa mình vào những trò “hâm, dở” của con, để con cảm thấy không cô đơn.
“Ông xã là người sống trách nhiệm và tình cảm. Trong hôn nhân, anh rất tâm lý, luôn đặt gia đình lên hàng đầu. Hàng ngày, anh đi làm về, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa. Vợ nấu ăn thì anh đi rửa bát”, Giang cho hay.
Hai vợ chồng cô không kiểm soát nhau về kinh tế mà hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Matthias làm trụ cột gia đình, hàng tháng anh đưa cô một khoản chi tiêu, còn những khoản chi trả lớn anh tự làm.
“Thời điểm tôi mới vào, Matthias lo cho 2 mẹ con. Sau này tôi kiếm ra tiền, kinh tế hai vợ chồng cùng lo. Có lúc tôi còn kiếm được nhiều hơn anh. Tôi nghĩ qua rồi cái thời phụ nữ ỉ lại vào đàn ông. Phụ nữ hiện đại cần tự chủ kinh tế, tự chủ cuộc sống”, Giang kể.
Trong mắt Giang, anh Matthias là người rất gần gũi với gia đình, đặc biệt là mẹ. Hàng ngày, anh dành thời gian gọi điện và nhắn tin với mẹ.
“Tôi sinh bé đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên ông bà chưa sang được. Năm nay nếu tình hình ổn, gia đình tôi sẽ về Ý chơi’, Giang kể.
Giai đoạn sinh em bé, Matthias đi làm cơ quan cả ngày nhưng vẫn thức đêm chăm con quấy khóc. Anh cho rằng đó là sự thiêng liêng, trải nghiệm cho hành trình làm bố của mình.
“Giây phút con còn bé, đòi bế ẵm chỉ diễn ra một lần trong cuộc đời chúng. Rất nhanh thôi, chúng sẽ lớn lên và rời xa vòng tay bố mẹ và Matthias muốn tận hưởng cảm giác đó thật trọn vẹn”, Như Giang xúc động nhớ lại.
Hiện, cuộc sống ở Việt Nam của cô khá thoải mái, công việc thuận lợi. Hai vợ chồng vừa thành lập một công ty tư nhân về xuất khẩu. Trước mắt, gia đình cô sẽ sống ở đây. Tuy nhiên, vài năm nữa có thể sẽ chuyển về Ý vì Matthias đã xa nhà khá lâu.
Cát Cát / Dân Trí
Ảnh: Wizarksphoto