Hương Bike không phải là một tiểu thư sống trong nhung lụa hay được thừa hưởng tài sản từ gia đình. Cô tiết lộ, cô có một tuổi thơ “dữ dội”: bắt ếch, châu chấu, mối, cua,… đem bán, lên đồi kiếm củi để giúp đỡ bố mẹ.
Rũ bỏ quá khứ cơ cực
Lê Thị Lan Hương, biệt danh Hương Bike (1986) hiện là Tổng Giám đốc điều hành một công ty kinh doanh xe đạp điện có doanh thu vài trăm tỉ/năm. Tuy nhiên, Hương không phải là một tiểu thư sống trong nhung lụa hay được thừa hưởng tài sản từ gia đình.
Hương Bike tiết lộ, cô có một tuổi thơ “dữ dội”: bắt ếch, châu chấu, mối, cua,… đem bán, lên đồi kiếm củi để giúp đỡ bố mẹ. Nhưng với Hương, đó là niềm vui chứ không phải là những tháng ngày “kinh khủng” hay “cơ cực”, bởi “có lẽ, phải trải qua cuộc sống khốn khó một chút, người ta dễ trân trọng cuộc sống này hơn chăng?”.
Tự lập từ bé, nên ngay cả khi lên Hà Nội học đại học, Hương Bike gần như không phải để bố mẹ lo lắng, quan tâm quá mức về mình, ngoài vài trăm nghìn tiền chu cấp mỗi tháng. Hương khoe: “Ở trong xóm, nhiều người thậm chí còn thắc mắc vì tôi là đứa duy nhất đi học đại học ở thành phố mà không xin thêm tiền, không vòi vĩnh mua xe đẹp. Tôi chỉ nghĩ, bố mẹ cho mình thế là đủ, và nếu thích cuộc sống tốt hơn, tôi tự đi làm thêm để chi trả cho những nhu cầu đó. Cũng vì thế mà từ khi còn đi học, tôi đã “máu” kiếm tiền và làm thêm đủ thứ: bám đệm, bưng bê café, bán đường truyền cáp quang cho một công ty công nghệ, là nhân viên bán hàng của công ty điện thoại (tiền thân của công ty hiện tại Hương đang quản lý – PV)”.
Khi tốt nghiệp đại học, cô vẫn gắn bó với công ty cũ và được nâng cấp lên thành nhân viên kinh doanh kiêm… người vận chuyển của công ty. Hương Bike nhớ lại, đó là thời kỳ cô làm việc với cường độ kinh khủng, không ngày nào nghe dưới 30 cuộc gọi, đóng hàng và đem hàng ra bến xe gửi cho khách, nếu các đại lý gửi máy bảo hành thì lại ra bến xe nhận hàng bảo hành, đi bảo hành, gửi lại… Đã vậy, cô còn làm thêm mảng truyền thông, quảng bá thương hiệu cho công ty, không ít hôm làm đến 4 giờ sáng mới xong việc.
Đến khi việc kinh doanh điện thoại phát triển mạnh, các lãnh đạo công ty, trong đó có Hương Bike bắt đầu nghĩ về thị trường xe đạp điện. Năm 2013, công ty xe điện mà cô đang làm quản lý được ra đời, như một công ty con của tập đoàn lớn. Lúc này, Hương Bike là trưởng phòng truyền thông của công ty điện thoại và quản lý ở công ty mới.
Bắt đầu từ việc nhập hàng “dò xét”, thử nghiệm thị trường và thấy ổn, thiên hướng kỹ thuật trong Hương Bike thôi thúc cô dám thay đổi, không dừng lại ở đó mà xây dựng một chuỗi tích hợp dọc: từ nghiên cứu, chế tạo sản phẩm đến phân phối, dịch vụ, marketing… và đặt mục tiêu phải làm tốt tất cả các khâu, vì thế, đó là giai đoạn mà cường độ và sự vất vả của công việc vừa là thách thức, vừa khiến chị “say” việc.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2014, khi công ty này chính thức tách khỏi tập đoàn, Hương Bike trở thành Tổng Giám đốc. Cô tự tin chia sẻ: “Ở Việt Nam, đàn ông chế tạo xe điện không nhiều, đặc biệt, nếu nghiên cứu chế tạo hàng loạt cho đa số người dân cũng không có. Còn phụ nữ lại càng không. Tôi chưa từng thấy người phụ nữ nào nói với tôi về động cơ, điều tốc hay chế tạo xe cả.
Thiên tài không phải là người làm ra thứ mà người khác cảm thấy quá phức tạp tới mức chẳng mấy ai dùng được, mà nên là tạo ra thứ mà rất nhiều người dùng được và khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu nghĩ như thế, tôi cũng xứng đáng với chữ thiên tài đó chứ! (cười lớn)”. Việc chung tay cùng các cộng sự xây dựng một công ty chế tạo xe điện, ngoài việc thỏa mãn niềm đam mê của tôi, còn là bởi tôi nghĩ về sứ mệnh thực sự của mình, của công ty mình đang làm việc: khát vọng mang đến một cuộc cách mạng xanh trên đường phố”.
Sau 3 năm hoạt động, công ty mà Hương Bike quản lý và có cổ phần đã xây dựng được tiếng tăm đáng nể. 1 năm sau ngày thành lập, công ty xây dựng được 75 showroom, con số này tăng lên 130 vào năm thứ hai. Từ cuối năm 2015, công ty phát triển chuỗi showroom chính hãng lên một tầng cao mới, nâng cấp và xây dựng chuỗi này lên thành 40 Head (đại lý lớn chuyên biệt) trên toàn quốc. Với cô, đó chưa phải là thành công, bởi cô tham vọng, cùng với sứ mệnh “xanh”, thị trường và danh tiếng của công ty sẽ vươn đến tầm thế giới.
Cứ khám phá bản thân, thành công sẽ đến
Mặc dù cho rằng, mình có 50% may mắn khi được lựa chọn vào vị trí quản lý và sự nghiệp lên “như diều gặp gió”, Hương Bike cũng khẳng định, bí mật của may mắn là do mình tạo ra, vì nếu không tự mình đặt vào môi trường của mình, khám phá năng lực tiềm ẩn của mình thì chẳng bao giờ có may mắn.
Cô gái 8X lý giải, giữa nhiều người có cùng mức năng lực, cô được lựa chọn làm cộng sự của Hội đồng quản trị bởi cô là con người trọng chữ tín và trung thực; có chung hệ tư tưởng và phấn đấu vì hệ tư tưởng đó và đam mê, khả năng làm việc.
“Khao khát về tiền bạc của chúng tôi không quá lớn, không mạnh mẽ bằng việc được làm một cái gì đó có ích, và khi chúng tôi làm việc hết mình, cống hiến những giá trị, tiền cứ thế đến một cách tự nhiên. Tôi thấy lạ khi nhiều bạn trẻ nhìn vào những người thành công, những tấm gương khởi nghiệp bằng giấc mơ giàu có, kiếm được nhiều tiền. Ước mơ làm giàu là tuyệt vời, nhưng bất chấp tất cả để có tiền thì thật kinh khủng.
Tôi cũng ham tiền, và cũng từng “dính” vào ảo vọng đó với một công ty đa cấp. Hồi còn sinh viên, tôi nghe bạn giới thiệu một công việc không mất nhiều thời gian, mà lại kiếm bộn tiền, thích ghê lắm! Giờ nghĩ lại mới thấy mình dại (cười). Lần đầu tiên tôi được đến một nơi toàn những người ăn mặc lịch sự, khuôn mặt rạng ngời, nói năng tự tin, giàu có, họ nói sẽ giúp đỡ được những người như tôi tự tin và kiếm được tiền.
Khỏi phải nói, con bé sinh viên là tôi ập tức bị choáng ngợp và muốn trở thành người như họ. Tôi đi dụ bạn bè xung quanh, mà chẳng nghĩ đến chuyện họ cũng nghèo như mình. Rồi tôi dần phát hiện ra, cái thành công họ đang vẽ lên được gầy dựng từ những lời dối trá, bán hàng với giá “cắt cổ” và tôi đang đối xử tệ với người thân của mình để có tiền bỏ túi. Đó là lúc tôi rút khỏi hệ thống. Và tôi dần nhận ra, để thành công, con đường duy nhất là nỗ lực hết sức với công việc của mình”.
Hương Bike bảo, cô đã thay đổi nhiều việc, nhiều vị trí, nhưng quả thực, cô không hình dung nổi những gì mình sẽ làm được hôm nay. Cô lý giải thành công của mình một cách rất hồn nhiên, đó là khi tận tụy với những công việc mình cảm thấy thích, nỗ lực trở thành người giỏi nhất, khám phá những thế mạnh của bản thân và đẩy mình đến những giới hạn mới.
“Nhiều người trẻ so kè công việc “bình thường” và công việc “vĩ đại”, đau khổ vì bị giao cho với một công việc mà họ cho rằng không phù hợp với trình độ của họ. Tôi đã chứng kiến nhiều người làm cùng tôi, khi cơ hội thành công sắp đến, họ bỏ đi. Còn tôi, khi tôi làm nhân viên bán hàng, chẳng mơ đến vị trí nhân viên kinh doanh, khi làm nhân viên kinh doanh, không nghĩ rằng mình sẽ là Giám đốc marketing. Không phải vì tôi không có tham vọng, mà tôi chỉ đơn giản luôn nỗ lực làm hết sức có thể để xem mình trở thành gì và có khả năng như thế nào.
Nhiều bạn trẻ có tham vọng nhưng không đi cùng hành động, chưa nỗ lực hết sức nhưng đòi hỏi vị trí cao, thu nhập khủng, đó là lý do họ đau khổ và thất bại” – Hương Bike lý giải.
Cô cho rằng, “thành công, với mỗi người khác nhau, có người là gia đình hạnh phúc, là kiếm được nhiều tiền, với tôi là có sự nghiệp. Nếu tạo ra sản phẩm tồi mà bán tốt, bạn là kẻ lừa đảo, nếu tạo ra sản phẩm tốt mà không bán được thì có lỗi với nhân loại, vì người dùng phải mua sản phẩm không tốt. Tôi không biết trong đời mình có nhiều lỗi kiểu như vậy không, nhưng đến tuổi này, có thể tạm gọi tôi có một phần thành công. Thành công về công việc, trong lý tưởng mà mình muốn thực hiện, và thành công lớn nhất là về con người, về tư duy của mình”.
Trong thẳm sâu, tôi vẫn là một người đàn bà mỏng manh
Hương Bike nổi tiếng công ty là một sếp nữ cứng rắn và nguyên tắc trong công việc, kỷ luật “thép” với nhân viên. Cô cũng được coi là một con người của công việc khi dành phần lớn thời gian của mình để làm việc. Văn phòng của cô có thể là cơ quan, là quán café, cô làm việc cả khi đang đọc sách, đang tán gẫu với bạn bè hay ngồi “mơ màng” trong một góc riêng. Nhưng Hương Bike bảo, trong thẳm sâu trái tim mình, cô vẫn là một người đàn bà mỏng manh, vẫn khát thèm những hạnh phúc giản đơn.
Ít ai biết, Hương Bike đã kết hôn cách đây 3 năm, và sau 2 năm chung sống, hiện tại, cô là hội viên của “hội người độc thân vui tính”. Chùng giọng xuống, cô tâm tư: “Khi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân, đó cũng là một quyết định dám thay đổi của tôi. Thời đang yêu nhau, tôi và anh gặp nhau ít, chưa thực sự hiểu nhau. Tôi chỉ xác định mình không cần một người đàn ông quá nhiều tiền, chỉ cần tử tế và bố mẹ chồng ôn hòa là tốt. Gia đình anh ấy đúng thế thật. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ khó có thể kiếm được bố mẹ chồng nào tốt như ông bà.
Nhưng tôi có dự cảm tan vỡ từ lúc chúng tôi sắp làm lễ ăn hỏi. Gặp nhau nhiều hơn, tôi bắt đầu thấy khác biệt và muốn dừng lại. Đêm trước hôm ăn hỏi, tôi nói với mẹ. Bà buồn buồn, và cũng như nhiều người mẹ điển hình với quan niệm cũ, khuyên tôi hãy vì sĩ diện gia đình, vì họ hàng, vì làng xóm… mà tiếp tục. Tôi cũng xuôi, và nói sẽ cố gắng.
Hồi đó, tôi tin rằng mình có thể thay đổi người đàn ông và những khác biệt sẽ thu hẹp lại, nhờ tình yêu. Nhưng không phải thế. Dù chẳng tranh cãi, to tiếng gì với nhau, sau 2 năm, chúng tôi vẫn phải dừng lại. Tôi nghĩ rằng, nếu còn sống với nhau, hãy yêu nhau thật lòng, còn không, hãy
Đó là một câu chuyện không vui, một vết rạn trong quá khứ của Hương Bike, nhưng thật lạ, cũng như việc vui vẻ làm một nhân viên bán hàng “quèn” trong quá khứ, cô không bận lòng với rạn vỡ đó, thậm chí, còn rút ra triết lý về hạnh phúc. Hương Bike bảo, cô sẽ “ích kỷ” hơn, và không muốn giống những phụ nữ sống vì gia đình, vì hàng xóm, họ hàng nhiều hơn vì hạnh phúc của chính mình.
“Tôi tin rằng, chỉ khi mình hạnh phúc, mình mới đem lại hạnh phúc cho người khác. Cách tốt nhất để một phụ nữ hạnh phúc là có một gia đình nhưng nếu không được, vẫn còn cách tốt nhì là tự hạnh phúc theo cách của mình, rồi hạnh phúc lớn hơn sẽ đến” – người đàn bà chớm tuổi 30 trải lòng.
Theo Tri thức trẻ