Có tin nhà nước bắt đầu áp dụng cách tính thuế mới từ ngày 1-1-2016 sẽ đẩy giá ô tô nhập khẩu tăng 30% nên nhiều người tranh thủ mua xe để “chạy” thuế.
Trước đây, các loại xe nhập khẩu dưới 24 chỗ được áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dựa trên giá vốn. Còn từ ngày 1-1-2016, theo Nghị định 108 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TTĐB sửa đổi thì cách tính thuế được dựa trên mức giá bán buôn (tới đại lý) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn. Cách tính này sẽ đẩy thuế TTĐB phải nộp lên cao, buộc nhà nhập khẩu phải tăng giá xe bán lẻ tới khách hàng.
Tiêu thụ đạt đỉnh
Tại showroom của hãng Audi trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM), vợ chồng chị Hà My (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết có ý định đổi xe vào giữa năm 2016 nhưng nghe nói sắp tới khi áp dụng cách tính thuế mới, giá ô tô nhập khẩu sẽ tăng cao nên quyết định mua xe ngay trong năm nay. Chiếc Audi Q5 màu trắng chị My định mua hiện có giá bán hơn 2 tỉ đồng.
Cũng vì lo ô tô nhập khẩu tăng giá nên anh Phạm Quốc Hòa (ngụ quận 6) vừa tậu chiếc xe Hyundai Santafe nhập khẩu 100% từ Hàn Quốc, động cơ chạy bằng dầu với giá hơn 1,5 tỉ đồng.
Giám đốc một hãng xe nhập khẩu từ châu Âu cho biết hiện hãng chưa áp dụng mức giá mới nhưng thị trường xe hơi năm nay khá nhộn nhịp, mức tiêu thụ trung bình tăng 20%-30% so với năm ngoái. Từ ngày 1-1-2016, hãng sẽ áp dụng giá bán mới nên giá ô tô có thể tăng 10%-20%, tùy dòng.
Nói về nguyên nhân của việc tiêu thụ xe tăng mạnh vào cuối năm, ông Hồ Kinh Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết thông thường vào thời điểm những tháng cuối năm, lượng xe tiêu thụ tăng rất mạnh bởi nhu cầu “sắm xe ăn Tết” của người dân là có thật. Riêng năm nay, do Luật Thuế TTĐB sửa đổi sắp có hiệu lực, trong đó quy định cách tính thuế mới đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nên người dân tranh thủ sắm xe khiến thị trường càng “nóng”.
Các hãng xe cũng cạnh tranh nhau đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng vào thời điểm này. “Tính riêng tháng 11, Thaco đạt mức tiêu thụ kỷ lục với 5.103 xe du lịch, lần đầu tiên đứng đầu về doanh số xe du lịch trên thị trường Việt Nam. Ngoài 2 thương hiệu Kia và Mazda cùng đạt doanh số kỷ lục theo tháng thì thương hiệu Peugeot 100% nhập từ châu Âu vừa có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng doanh số bán đã tăng 391% so với cùng kỳ năm ngoái” – ông Kha cho biết.
Xe càng sang, giá càng tăng
Chuyên gia Đỗ Minh Hồ Hải, người khá am hiểu thị trường ô tô Việt Nam, cho biết hiện các dòng xe sang nhập khẩu được người tiêu dùng trong nước yêu thích là Audi, BMW, Land Rover, Lexus… có giá bán từ 2-3 tỉ đồng. Đầu năm tới, tùy từng hãng sẽ có chính sách tăng giá bán khác nhau. “Dù sao đi nữa thì các dòng xe nhập khẩu, nhất là xe có động cơ 3.0 trở lên, sẽ bị nhiều “sức ép” trong việc tiêu thụ bởi dòng xe này là đối tượng “điều chỉnh” của cách tích thuế mới. Tuy nhiên, nếu kinh tế tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng thì dù giá xe có tăng, thị trường vẫn hút hàng” – ông Hải nhận định.
Còn đại diện của một đại lý hãng Audi ở TP HCM cho biết sau khi tính cẩn thận về thuế đối với ô tô nhập khẩu, từ sau thời điểm áp dụng cách tính giá thuế TTĐB mới, giá xe sẽ tăng ít nhất 15%, thậm chí có mẫu xe tăng đến 30% so với giá xe bán ra hiện nay. Đó là chưa kể đến ngày 1-7-2016, giá xe động cơ công suất từ 2.0 trở lên còn tăng cao hơn nữa dù thuế nhập khẩu giảm.
“Việc thay đổi cách tính thuế này ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh của các hãng xe nhập khẩu bởi một doanh nghiệp nhập khẩu xe để kinh doanh phải có kế hoạch 4-5 tháng mới nhập được xe, trong khi chính sách thuế vừa qua chỉ 6 tháng đã thay đổi 2 lần thì làm sao doanh nghiệp trở tay kịp” – vị đại diện này nói.
Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong 11 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam khoảng 120.000 chiếc, trị giá 2,579 tỉ USD, tăng 83% về lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xe nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống đạt gần 38.680 chiếc, tăng 69,7% và trị giá hơn 417 triệu USD. Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại cho Việt Nam. Riêng ô tô từ 9 chỗ trở xuống thì Ấn Độ là nơi cung cấp cho Việt Nam nhiều nhất, chiếm 45% tổng lượng xe nhập khẩu cả nước.T.Phương
Chạy đua cho vay mua xế hộp
Với tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô đang ở mức gần 60%/năm và được dự đoán sẽ duy trì lâu dài ở mức 40%/năm, do đó các ngân hàng (NH) thương mại không bỏ lỡ cơ hội này, nhất là vào dịp cuối năm.Hàng loạt NH như TMCP Bản Việt, SHB, ABBank, OCB, HDBank… đang áp dụng chương trình khuyến mãi, ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp vay mua ô tô. Không chỉ ưu đãi về lãi suất, phí, thủ tục nhanh gọn hoặc cho vay “siêu tốc”, nhiều NH còn liên kết với các đại lý của những thương hiệu ôtô nổi tiếng nhằm tạo giá trị gia tăng, kéo khách hàng về phía mình.
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết lãi suất cho vay mua ô tô của OCB chỉ từ 8%/năm, giảm khoảng 1% so với trước. Nhu cầu mua xe được dự đoán sẽ tăng cao trong những năm kế tiếp, OCB định hướng phân khúc cho vay này là một trong những phân khúc tiềm năng và ưu tiên đẩy mạnh trong toàn hệ thống. Đến nay, cho vay mua ô tô tại OCB tăng trưởng gần 40%.
“Một cá nhân với mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng có thể được NH hỗ trợ vốn để sở hữu một chiếc xe tầm trung” – ông Long cho biết.
Tại NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), lãi suất cho vay mua ô tô trong suốt năm 2015 ổn định quanh mức 11%-11,5%/năm, bên cạnh một số chương trình ưu đãi đang triển khai với lãi suất chỉ từ 6,8%/năm trong thời gian đầu.
Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho rằng với đà kinh tế hồi phục, một số loại thuế liên quan sẽ được giảm khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, là những yếu tố thuận lợi để người dân sắm ô tô. “Đây là thời điểm thích hợp để đưa ra những gói ưu đãi lãi suất với kỳ vọng hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, đồng thời giúp tăng trưởng dư nợ tín dụng và góp phần tăng lợi nhuận trong mảng bán lẻ của NH” – ông Quốc Anh chia sẻ.
Thái Phương
Sơn Nhung
Theo Người Lao Động