Nếu ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện hybrid được áp dụng từ năm 2026, lượng phát thải CO2 sẽ giảm 2,66 triệu tấn, qua đó giúp tiết kiệm hơn 333 tỷ đồng, đồng thời tiết kiệm hơn 26.880 tỷ đồng tiêu thụ nhiên liệu trong giai đoạn 2026 – 2030.
Sáng 1/8/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Quy định sửa đổi về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô: Tác động và kiến nghị”.
Tại đây, Công ty TNHH Thuế, Tư vấn KPMG và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị nên ưu đãi, giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện hybrid tự sạc (HEV) từ mức 100% xuống còn 70% và giảm từ mức 70% xuống còn 50% cho xe điện hybrid sạc điện riêng (PHEV).
Nếu được hưởng ưu đãi này, giá bán lẻ các dòng xe HEV hay PHEV giảm về gần bằng xe động cơ đốt trong, qua đó khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dòng xe thân thiện với môi trường. Ví dụ, giá bán lẻ một chiếc Corolla Cross bản HEV sau khi được áp dụng ưu đãi sẽ giảm từ 955 triệu đồng xuống còn 876 triệu đồng, chỉ cao hơn khoảng 16 triệu đồng so với phiên bản động cơ đốt trong.
Theo nghiên cứu của KPMG và VAMA, nếu đề xuất ưu đãi thuế nói trên được áp dụng từ năm 2026, ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 có thể chỉ giảm 23.500 tỷ đồng, nhưng lượng phát thải CO2 sẽ giảm tới 2,66 triệu tấn. Tính theo đơn giá tín chỉ carbon hiện nay là 5 USD/tấn, việc giảm phát thải CO2 sẽ giúp tiết kiệm hơn 333 tỷ đồng.
Mặt khác, việc thúc đẩy sử dụng xe HEV và PHEV cũng sẽ giúp tiết kiệm hơn 26.880 tỷ đồng tiêu thụ nhiên liệu trong giai đoạn 2026 – 2030.
“Ưu đãi cho HEV/PHEV tuy có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng mang lại các lợi ích khác về kinh tế, môi trường, ngành và xã hội tương đương”, đại diện KPMG nhấn mạnh.
KPMG và VAMA đánh giá, việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho HEV/PHEV phù hợp với xu hướng chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe thuần điện của ngành ô tô và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Xe PHEV/HEV đem lại những tác động tích cực bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; khuyến khích, tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ hybrid, hạ tầng trạm sạc, đưa ra các thiết kế xe sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách tương ứng; tạo ra các cơ hội để phát triển chuỗi giá trị của ngành”.
Ngoài đề xuất ưu đãi thuế đối với dòng xe điện hybrid, KPMG và VAMA cũng kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt như hiện nay đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép (15%, 20% và 25% tùy dung tích xi lanh) thay vì 24%, 30% và 36% như trong Dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Các chuyên gia cho rằng, xe pick-up chở hàng cabin kép, với tính năng cơ động, chủ yếu được sử dụng ngoài khu vực đô thị, tới những khu vực có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận bởi ô tô con và ô tô tải lớn, có công dụng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ các hoạt động chuyên chở cho kinh doanh vừa và nhỏ hay hoạt động công vụ của các cơ quan chức năng cũng cần được hỗ trợ.
Theo đó, việc giữ nguyên mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe này có thể giúp ưu tiên ổn định chính sách, tránh gây xáo trộn, nuôi dưỡng nguồn lực cho daonh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi; giúp duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, việc làm cho người lao động và củng cố niềm tin của nhà đầu tư về sự ổn định chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây đều là những điều kiện tiên quyết trong quá trình chuyển đổi xanh.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, trên thế giới, nhất là những nền kinh tế có đặc điểm tương đồng và trình độ phát triển như Việt Nam (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillippines…), thị trường và nhu cầu ô tô như Việt Nam đều có những chính sách ưu đãi cho xe thân thiện môi trường và xe pick-up chở hàng cabin kép trong giai đoạn chuyển đổi xanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các lĩnh vực thuế, pháp lý, tiêu chuẩn đo lường, đăng kiểm,… đều thống nhân quan điểm rằng, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển giao quan trọng. Trên toàn thế giới, xu hướng điện khí hóa ngành ô tô đang ngày càng rõ rệt và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này.
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng cho các dòng xe thân thiện với môi trường tại Việt Nam được củng cố bởi cam kết trong các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu, song quá trình chuyển giao trong ngành ô tô vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm sự suy giảm kinh tế sau đại dịch Covid-19, các căng thẳng địa chính trị, sự phát triển thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như nguồn phát tải điện và sự cạnh tranh tiềm tàng từ các nhà sản xuất xe điện giá rẻ nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, các động thái điều chỉnh chính sách thuế phí đều có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân và sự ổn định của kinh tế xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.
Thái Hà / Vietnamfinance