Bên cạnh gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông, TQ tiếp tục quảng bá du lịch trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với các hình thức như tổ chức đám cưới hoặc lặn biển.
Tiêu Kiệt, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên kêu gọi người dân đại lục tìm hiểu cơ hội du lịch ở đây.
Trả lời China Daily dịp cuối tuần này, ông Tiêu nói “sẽ phát triển một số đảo và rạn san hô để phục vụ du khách”. Tiêu đưa ra một số dịch vụ để thu hút khách du lịch như không gian tổ chức đám cưới, các môn thể thao ở biển như lặn hoặc lướt ván…
Theo ông Tiêu, thời gian gần đây, một số người Trung Quốc đã bắt đầu ra quần đảo Hoàng Sa du lịch, dưới sự bảo hộ trái phép của “chính quyền Tam Sa”. Tàu du lịch Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ 10.000 tấn đã thực hiện nhiều hành trình dọc 3 đảo nhỏ ở quần đảo. Tuy nhiên, phần lớn du khách ăn nghỉ lại trên tàu do các đảo chưa có khách sạn.
Liu Shibiao, nhân viên một công ty du lịch ở Hải Nam ngang nhiên cho rằng du lịch ở Hoàng Sa sẽ phát triển mạnh trong tương lai, đặc biệt là đối với những cặp đôi muốn tìm không gian tổ chức tiệc cưới hoặc chụp ảnh cưới với chi phí ở mức phải chăng.
“Các bãi biển hoang sơ, nước trong và sạch hơn bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc. Khung cảnh lãng mạn nhưng giá cả thấp chứ không đắt như ở Bali hoặc Hawaii”, Liu nói.
Ngoài các chương trình du lịch, công ty của Liu còn tự ý đưa vào một số hoạt động để củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Liu cho biết, du khách sẽ tham dự cái gọi là “lễ thượng cờ” và “tuyên thệ trước quốc kỳ”.
Công ty của Liu còn âm mưu mở những chuyến du lịch ra các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Dù chúng tôi rất muốn, chúng tôi còn phải được sự chấp thuận của chính phủ và quân đội”, Liu nói.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, kể cả những vùng gần các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trọng tâm trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là những chiến dịch bồi lấp đảo. Bắc Kinh đang nỗ lực biến những đảo nhỏ, bãi đá và các thực thể khác trên biển thành cơ sở quân sự.
Trung Quốc ngang ngược thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ năm 2012 để quản lý một khu vực tranh chấp chủ quyền có diện tích 2 triệu km2 trên biển. Theo phân cấp hành chính của Trung Quốc, “Tam Sa” là thành phố thuộc tỉnh Hải Nam và “chính quyền” của nó nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động của Trung Quốc tại hai quần đảo này là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình trong khu vực.
Minh Anh
Theo Zing