Càng gần Tết Nguyên đán và ngày vía Thần Tài, nhiều nhà đầu tư lại càng chú ý đến từng “nhất cử nhất động” của thị trường vàng trong nước. Nhiều người lựa chọn ôm vàng trước ngày vía Thần Tài với hi vọng chốt lời.
Ảnh minh họa.
Sau chuỗi ngày chững lại và dường như “bất động” ở cả chiều mua vào và bán ra, giá vàng miếng SJC đã bắt đầu tăng trở lại. Giá vàng hiện đang được niêm yết ở mức 75,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 77,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Sau 2 tuần duy trì ở mức 64 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn đã vượt mốc 65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán cũng được nới rộng ra trong ngưỡng 1,1 – 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng đã tăng khoảng 10 triệu đồng so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Nhiều chuyên gia nhận định, khác với thị trường vàng miếng đang bị quản lý chặt chẽ, vàng nhẫn còn nhiều dư địa tăng giá trong thời gian tới và có thể sẽ sớm chinh phục mốc cao kỷ lục 70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng trở lại do nhu cầu mua vào của người dân tăng khi Tết Nguyên đán và ngày vía Thần Tài đang đến gần. Không chỉ mua vàng để tích trữ hoặc lấy may, nhiều người còn lựa chọn mua vàng trước ngày vía Thần Tài với hi vọng “chốt lời”.
Trong nhiều năm nay, nếu như người khác xem ngày vía Thần Tài là ngày mua vàng cầu may mắn thì với anh Phạm Khải (25 tuổi, Hà Nội) đây lại là dịp chốt lời. Anh Phạm Khải (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Thường như mọi năm, giá vàng nhẫn sẽ tăng vọt vào ngày vía Thần Tài. Vì thế năm nay, sau khi nhận 40 triệu thưởng Tết, tôi chỉ giữ lại một ít để tiêu Tết, còn lại mang đi mua vàng nhẫn hết. Tôi mong sẽ lãi được chút ít khi bán ra vào ngày vía Thần Tài”.
Chủ một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy cho hay, việc nhiều người có tâm lý “ôm vàng” trước Tết Nguyên đán để có thể bán ra và chốt lời vào ngày vía Thần Tài không còn là chuyện lạ. Người mua thường chọn các loại nhẫn tròn trơn từ 0,5 chỉ đến 2 chỉ bởi loại này thuận tiện mua bán và chênh lệch mua vào – bán ra thấp.
“Tuy nhiên với tình trạng giá vàng “thiên biến vạn hóa” như hiện nay thì không có gì đảm bảo vàng sẽ tăng giá trong ngày vía Thần Tài năm nay. Kinh tế khó khăn, người mua ít, người bán lại nhiều cũng có thể khiến giá vàng giảm trong ngày này”, ông chia sẻ.
Việc “ôm vàng” chờ ngày vía Thần Tài không phải lúc nào cũng có thể giúp nhà đầu tư chốt lời. Trên một nhóm về vàng, chị Nguyễn Mai ngậm ngùi chia sẻ về lần đầu tư nhớ đời của mình:
“Năm 2022, hai vợ chồng nghe dự đoán giá vàng sẽ tăng vọt vào ngày vía Thần tài nên cũng hí hửng mang tiền đi mua 5 chỉ vàng nhẫn. Thế nhưng đến ngày vía Thần tài, giá vàng nhẫn giảm tới 700 nghìn đồng. Hai vợ chồng đành cắn rang chịu lỗ và bán sớm do lo sợ giá vàng sẽ tiếp tục giảm sau ngày vía Thần Tài”.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, giá vàng nhẫn thường chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong ngày vía Thần Tài. Đơn cử như trong năm 2023, giá vàng nhẫn dao động ở mức 54,3 – 55,8 triệu đồng/lượng trong ngày vía Thần Tài, giảm nhẹ so với mức 55,4 – 56,4 triệu đồng ở thời điểm sát Tết Nguyên đán.
Hay như trong năm 2022, giá vàng nhẫn ở mức 53,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 54,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm từ 500 – 700 nghìn đồng so với những ngày trước đó.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, với sự biến động trên thị trường vàng hiện nay, việc mua vàng để đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng sẽ có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, chỉ nên mua vàng khi có đủ tài chính thay vì vay tiền để mua vàng lướt sóng. Tuy vậy, người dân vẫn có thể mua vàng trước Tết Nguyên đán nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy dài hạn.
Khánh Tú / Vietnamfinance