Sau giai đoạn kinh doanh lận đận, Quốc Cường Gia Lai đang đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục cho năm 2016 thông qua các dự án “thu lợi nhanh, lấy ngắn nuôi dài”. Trả lời các cổ đông, đại diện HĐQT QCG nói rằng áp lực lãi vay rất kinh khủng, do vậy cổ đông đừng gây sức ép nặng cho công ty. Nếu cứ gây áp lực như thế này thì QCG sẽ hủy niêm yết trên sàn.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra sáng nay (25/6), công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã trình cổ đông kế hoạch mục tiêu doanh thu năm 2016 đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ, lần lượt tăng 288-366% so với cùng kỳ. Trước đó trong năm 2015, cả doanh thu, lợi nhuận của công ty đều sụt giảm mạnh, đạt lần lượt 385 tỷ và 21 tỷ đồng.
Từ năm 2016 trở đi nguồn thu từ dịch vụ là toà nhà 24 Lê Thánh Tôn (quận 1) và thuỷ điện trước mắt sẽ mang về cho công ty nguồn thu ổn định 120-140 tỷ đồng/năm (chưa tính đến doanh thu của dự án cao sao, nếu thị trường giá cao su tốt). Từ 2017 trở đi nguồn thu từ dịch vụ sẽ cố gắng tăng từ 200-250 tỷ đồng/năm từ nguồn thuỷ điện Iagrai 1, 2, AYUN Trung và trung tâm thương mại Giai Việt, dự án 24 Lê Thánh Tôn…
Theo đại diện QCG, tuỳ thuộc vào từng thời điểm của thị trường mà công ty sẽ chọn những dự án nào để khởi công xây dựng. Trong đó, QCG sẽ “không dám” sử dụng vốn vay để đầu tư dàn trải dự án, do thị trường BĐS vẫn còn nhiều bất ổn.
Công ty đã và đang thực hiện, dự kiến tung ra thị trường trong giai đoạn 2016-2017 hàng loạt dự án ở khu vực TP.HCM và Đà Nẵng như dự án Tân Thuận, Sài Gòn Plaza (24 Lê Thánh Tôn, quận 1); dự án nhà ở xã hội 6B; Giai Việt (quận 8); De Capella (quận 2); Masion (huyện Bình Chánh); Chung cư Trần Xuân Soạn, quận 7; căn hộ Hiệp Phú, quận 9; dự án Long Phước, quận 9; Khu Dân cư Đa Phước – quốc lộ 50; khu Biệt thự cảnh sông 13E; Khu dân Cư Phường 7, Quận 8; Marina tại Đà Nẵng; Khu dân cư căn hộ thương mại và dịch vụ 2/9 (Đà Nẵng); Khu dân cư Trung Nghĩa (Đà Nẵng).
Kế hoạch được xem là khá tham vọng sau giai đoạn lận đận trước đó của Quốc Cường Gia Lai. Được biết, những năm 2010-2011 công ty kinh doanh thua lỗ lớn, sang năm 2014-2015 mới bắt đầu có lãi nhưng con số khá khiêm tốn.
Kết thúc năm 2015, khoản mục tồn kho các dự án của QCG lên đến 5,444 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm và chiếm gần 91% tài sản ngắn hạn. Tồn tại trong đó là hơn 3,800 tỷ đồng từ dự án Phước Kiển, một trong những dự án khủng mà trước đây QCG kỳ vọng mang lại hàng ngàn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận kể từ năm 2011.
Dự án này bắt đầu được hạch toán vào báo cáo tài chính của QCG từ năm 2009 với tên gọi Dự án đất nền Phước Kiển, giá trị xây dựng cơ bản dở dang khi đó là 762 tỷ đồng.
QCG từng giới thiệu Phước Kiển là một khu ốc đảo của huyện Nhà Bè, nằm tiếp giáp với quận 7, cách trung tâm quận 1 khoảng 4 km. Dự án nằm trên đường cao tốc Nguyễn Văn Linh, cách Phú Mỹ Hưng khoảng 1 km về hướng tây, gần đó có trường học, bệnh viện Pháp Việt. Quy mô của dự án theo kế hoạch triển khai là 93.3 ha. Nơi đây được kỳ vọng sẽ xây dựng thành khu thương mại, hành chính y tế, khu biệt thự nhà vườn, nhà liền kề và chung cư cao tầng.
Tuy nhiên, đến nay thì QCG đang mắc kẹt tại dự án này với tồn kho hơn 3,800 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tồn kho tính đến cuối năm 2015). Hiện nay, dự án đang được hoàn thiện thủ tục duyệt chi tiết 1/500 trong quý 3/2016 để đủ điều kiện triển khai xây dựng hạ tầng, đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối quý 3/2017. Công tác đền bù đạt trên 95% đất sạch, hiện công ty đang tiếp tục thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất và giao đất, đang tiến hành thi công bờ kè, hạ tầng giao thông. QCG kỳ vọng mang lợi nhuận và nguồn thu ổn định về cho công ty giai đoạn 2017-2020.
“Công ty sẽ tiếp tục chuyển nhượng cổ phần một số dự án khác để tạo dòng tiền. QCG không mạo hiểm xây dựng ồ ạt mà đầu tư theo lộ trình, tương ứng với dòng tiền thu vào của công ty để tái đầu tư dự án mới”, ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT QCG cho biết.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty QCG, cho rằng việc Anh vừa rời khỏi EU cũng sẽ có những tác động rất lớn đến thị trường Việt Nam, trong đó lĩnh vực BĐS sẽ không thể tránh khỏi. Đây là những rủi ro tiềm ẩn không thể lường trước được.
“Do giai đoạn 2014 – 2015 QCG thi công nhiều công trình nên nợ vay ngân hàng vẫn còn cao. Theo đó, nợ vay dài hạn hiện nay trên 1,4 nghìn tỷ. Giờ QCG phải thực hiện kiểu lấy ngắn nuôi dài, luân chuyển đổi chiều. Điều này có nghĩa là trước đây chúng tôi lấy tiền từ dự án ở TP.HCM nuôi dự án ở Đà Nẵng, nay thì sẽ ngược lại. QCG đang còn nhiều quỹ đất tốt nằm rải rác ở TP.HCM, nhưng chúng tôi phải biết để dành cho tương lai”, bà Loan nói.
10h15: Thảo luận và biểu quyết thông qua các tờ trình
Cổ đông: 5 năm liền QCG không hoàn thành các kế hoạch lợi nhuận đề ra, trong đó 3 năm gần đây chỉ hoàn thành 20-25% kế hoạch. Vậy cơ sở nào để QCG huy động vốn trên sàn chứng khoán? Nguồn vốn nào QCG có để thực hiện khâu đền bù dự án Phước Kiển?
Bà Loan: Với mức lợi nhuận đề ra cho năm nay, tôi cam kết sẽ thực hiện được. Thứ nhất, dự án thuỷ điện Agrai 1 sẽ mang lại lợi nhuận từ 20-22 tỷ đồng; chung cư Gia Việt A1.2 sẽ được bàngiao nhà vào đầu tháng 7/2016 hoặc trong tháng 8/2016, dự kiến bàn giao trong 3 tháng, từ đó khách hàng trả tiền tới đâu thì công ty mới xuất hoá đơn và hoạch toán tới đó. Khu chung cư Trung Nghĩa (Đà Nẵng) lợi nhuận gộp sẽ không cao do các năm trước không bán được, giá bán từ năm 2011 không có lãi. Trong quá trình không bán được, hạ tầng đã đầu tư nhưng công ty vẫn phải trả lãi hơn 40 tỷ đồng trong năm qua.
Dự án Marina (Đà Nẵng) được mua rồi nhưng nếu không đầu tư thì sẽ bị chính quyền thu hồi ngay lập tức. Dự án chỉ bán sĩ được 1/4 (9.000m2/5,4ha) cho Đất Xanh miền Trung, còn lại công ty chỉ mới ký hợp đồng giữ chỗ chứ chưa chính thức bán. Hoàng Anh Gia Lai bán 1/2 dự án với giá trên 400 tỷ, phần còn lại công ty phải mua lại của công ty Mekong. Nhiều thủ tục còn phải thực hiện, trong đó sẽ chuyển đổi thành dự án thấp tầng, phân lô bán nền theo đúng phong tục sống của người dân Đà Nẵng. Do vậy công ty chưa thể công bố giá bán.
Đối với dự án Phước Kiển, đã duyệt xong nhiệm vụ quy hoạch 1/500, còn quy hoạch chi tiết vẫn đang nằm ở Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM. Công ty phải đi vay tiếp mới có tiền bỏ vô hoàn thành dự án, nhưng dự án này đã được mang đi cầm cố trước đây nên chúng tôi phải huy động từ nhiều kênh khác để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 100% là của QCG.
Cổ phiếu QCG nằm ở đáy khá lâu, cổ đông cũng không được chia cổ tức. Với giá cổ phiếu hiện nay thì QCG sẽ khó huy động vốn trên thị trường, mà thông qua các kênh khác. Vây QCG có cam kết nào với nhà đầu tư về việc không huỷ niêm yết không?
Bà Loan: Tài sản của QCG có nhưng đều dở dang nên nhiều ngân hàng cũng ngại cho vay tiền đầu tư. Tôi cũng đi gõ cửa từng ngân hàng, trả giá từng đồng lãi suất nhưng tôi không dám mạo hiểm. Đến 30/6 này QCG phải trả 15% trên 1.600 tỷ vay trước đây, nhưng dự án còn dở dang thì tiền ở đâu trả lãi, do vậy chúng tôi phải tìm cách huy động vốn. Trải qua giai đoạn khó khăn, quỹ đất sạch của QCG tại nhiều vị trí đẹp tăng lên, nhưng vốn vay không tăng do công ty không dám di vay thêm để đầu tư dự án.
Xin cổ đông đừng ép tôi quá mức, nếu ép quá thì chúng tôi cũng buộc phải huỷ niêm yết. Tôi đã làm hết sức mình. Ai cũng muốn vay tiền làm dự án chứ nhưng áp lực lãi vay kinh khủng lắm. Cứ 4 tuần là lại tới hạn trả lãi, mệt mỏi ghê lắm. Tôi không dám cam kết một điều gì, nhưng nếu gây áp lực nhiều thì chúng tôi phải tính đường lui.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ