Angus Grigg từng hai lần nhận được lời đề nghị trở thành người cung cấp tin cho Trung Quốc và lần nào cũng đi kèm những khoản “tiền thưởng”.
Ông Angus Grigg trong một lần tác nghiệp ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Angus Grigg. |
Lần đầu tiên nhà báo Angus Grigg của Australian Financial Review nhận được lời mời trở thành “điệp viên” cho Trung Quốc là vào một ngày tháng 9/2013, bên bữa trưa với món cá Tứ Xuyên, đậu phụ cay và đậu xanh xào. Giao dịch vô cùng đơn giản: Tiền đổi lấy thông tin.
Trong một bài viết đăng hôm 21/12, Grigg đã kể lại toàn bộ quá trình phía Trung Quốc tiếp cận ông như thế nào và thuyết phục ra sao để ông trở thành người cung cấp thông tin cho họ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Trung Quốc đều không thể nhận được cái gật đầu của Grigg.
Tiền đổi thông tin
Lúc bấy giờ, Grigg mới tới Trung Quốc được 17 tháng và giống như nhiều nhà báo nước ngoài khác, ông cảm thấy khá không thoải mái vì tình trạng thông tin bị kiểm soát quá chặt chẽ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, tới cuộc gặp tại khu tô giới Pháp cũ ở Thượng Hải, Grigg đã hy vọng về một bước đột phá mới khi mà những người Trung Quốc ông chuẩn bị gặp, làm việc cho một cơ quan tư vấn an ninh liên kết với chính phủ, ít nhất đã cho thấy họ sẵn sàng nói chuyện với ông.
Nhưng hóa ra, họ không hứng thú với việc trở thành một nguồn tin cho báo chí nước ngoài như Grigg nghĩ. Sau khi những đĩa thức ăn được dọn đi và người phục vụ mang trà lên, họ bắt đầu đưa ra lời đề nghị.
“Chúng tôi cũng giống như các nhà báo thôi”, người đàn ông trẻ tuổi mặc chiếc áo phông bó sát màu hồng cười nhẹ và nói với Grigg. “Chúng tôi cần có những câu chuyện trước đối thủ của mình và nếu hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ được thưởng lớn hơn”.
Người này sau đấy khéo léo gợi ý Grigg cung cấp cho họ biết trước thông tin khi tờ báo của ông chuẩn bị đăng các bài có chứa những tiết lộ mới về hoạt động tấn công mạng hay gián điệp công nghiệp ở Trung Quốc. “Nếu ông cho chúng tôi biết, chúng tôi có thể chia tiền thưởng với ông”.
Grigg cho hay đến bây giờ ông vẫn cảm thấy tiếc khi lúc đó không hỏi số “tiền thưởng” là bao nhiêu, họ sẽ chuyển nó tới ông như thế nào và họ sẽ làm gì với thông tin thu thập được.
Khi ấy, Grigg thậm chí còn tự hỏi liệu ông có hiểu sai ý tứ của cuộc đối thoại không dù người đối diện trò chuyện khá lưu loát bằng tiếng Anh. Nhưng hai tháng sau, mọi chuyện trở nên rõ ràng: Grigg nhận được lời đề nghị thứ hai.
Một cuộc điện thoại gọi đến cho Grigg từ người đàn ông trẻ tuổi. Anh ta muốn gặp mặt Grigg gấp trước khi ông trở về Australia nghỉ Giáng sinh. Lý do của sự gấp gáp này là bởi họ muốn tặng quà Giáng sinh cho con gái Grigg nhưng chưa thể gửi món quà vì ông đã hủy hai cuộc hẹn trước.
Chiều hôm đó, gặp mặt tại một khách sạn do chính phủ quản lý ở Thượng Hải, “món quà” Grigg nhận không chỉ là những món đồ chơi.
Món quà Giáng sinh Grigg nhận được nhưng ông vẫn chưa mở chúng. Ảnh: Angus Grigg. |
Ngồi trên chiếc ghế tựa, bên ly trà xanh, Grigg được gợi ý về một khoản “hoa hồng đặc biệt”, đi kèm với một công việc họ dành cho ông trong quãng thời gian Grigg trở về Australia nghỉ lễ.
Theo Grigg, những người Trung Quốc có lẽ đã hiểu sai ý khi ông từ chối lịch sự lời đề nghị hợp tác đầu tiên. Họ dường như cho rằng ông khước từ bởi không thể cung cấp thông tin mà họ yêu cầu chứ không phải vì không muốn hợp tác. Vậy nên, họ phải thử lại một lần nữa.
Những cuộc gặp với các bộ trưởng
Sau khi trao cho Grigg các món quà tặng Giáng sinh, những người Trung Quốc lập tức đi thẳng vào vấn đề, bỏ qua những câu chuyện xã giao bình thường, Grigg kể.
Ông được đề nghị thực hiện các cuộc hẹn với những quan chức chính phủ cấp cao, bộ trưởng và những người khác có tiếng nói trong ngành ngoại giao Australia để tìm hiểu liệu có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Canberra đối với Bắc Kinh hay không trong bối cảnh Australia vừa có thủ tướng mới, ông Tony Abbott.
“Khi quay trở lại đây, ông có thể viết một báo cáo và chúng tôi sẽ trả tiền”, người đàn ông lớn tuổi hơn cũng tham gia cuộc gặp nói.
Lần này, Grigg từ chối dứt khoát. Ông nói thẳng với những người Trung Quốc rằng ông sẽ chỉ nằm dài tắm nắng trên bãi biển ở Vịnh Byron và sẽ không trở thành tay sai đi dò la tin tức về chính sách ngoại giao cho họ.
Sau lần trả lời dứt khoát ấy, phía Trung Quốc dường như đã từ bỏ ý định thuyết phục ông cung cấp thông tin. Từ đó, không còn những cuộc gọi bất ngờ. Không còn những buổi gặp mặt bên ly trà nóng tại các khách sạn sang trọng.
Vũ Hoàng/VNE