Áp lực bán áp đảo và sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường liên tục điều chỉnh khiến VN-Index mất gần 14 điểm, lùi về dưới mốc 1.220 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên cuối tuần (ngày 15/11) trong sắc đỏ, duy trì quán tính trừ phiên giảm sâu hôm qua. Sau 1 giờ giao dịch giằng co dưới tham chiếu, thị trường nới rộng biên độ giảm khi lực bán gia tăng, trong khi dòng tiền mất hút, lực cầu yếu ớt chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu blue-chips (VHM, VIC).
VN-Index nhanh chóng lùi về dưới mốc 1.220 điểm với hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch trong sắc đỏ. Bên cạnh nhóm ngân hàng và chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm, nhóm công nghệ, vận tải cũng đồng loạt quay đầu khi chịu áp lực bán chốt lời sau những phiên ngược dòng trước đó.
Bước sang phiên chiều, vận động thị trường đã có sự tiến triển khi lực cầu gia tăng ở một số cổ phiếu riêng lẻ, đặc biệt là VTP tăng trần, CMG tăng 1,58%, GEX tăng 1,1% và nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp (SZC tăng 2,30%, KBC tăng 2,44%) giúp chỉ số chung bớt tiêu cực phần nào.
Tuy nhiên, nhịp giằng co rung lắc diễn ra nhiều hơn gần cuối phiên do áp lực bán gia tăng mạnh đã xóa bỏ đi những nỗ lực của lực cầu trước đó cũng như khiến cho VN-Index đóng cửa tiệm cận mốc thấp nhất ngày.
Về độ rộng thị trường, trừ nhóm viễn thông và bảo hiểm, 17/19 nhóm ngành còn lại đều nghiêng về phía tiêu cực.
VTP, KBC và VRE là 3 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất trong phiên hôm nay. Ở chiều ngược lại, BID, FPT và VNM là 3 mã “kéo chân” chỉ số chung nhiều nhất.
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục tăng so với hôm qua, giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt gần 20.360 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh gần 1.320 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán VHM, FPT, SSI. Đây là phiên bán ròng thứ 26 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 13,32 điểm (-1,08%), với 75 mã tăng và 305 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 750,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 18.649 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.448,5 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 2,29 điểm (-1,02%), xuống 221,53 điểm, với 47 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và xấp xỉ về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 273 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,59%), xuống 91,33 điểm với 130 mã tăng và 205 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 493 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,6 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 31 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2411 giảm 17,30 điểm, tương đương 1,34%, xuống 1.275,60 điểm, khớp hơn 253.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 64.319 đơn vị.
Tuần này, VN-Index nối tiếp diễn biến điều chỉnh từ tuần trước trong tuần này và thất bại trong việc giữ được mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.243 điểm. Nhóm blue-chips là áp lực chính khiến thị trường dần hụt hơi và đi xuống, mặc dù lực cầu có xuất hiện nhưng chỉ hưng phấn ở một số thời điểm trong phiên và không đi cùng với sự cải thiện về thanh khoản nên nỗ lực nâng đỡ chỉ số chung là không nhiều.
Trong tuần cũng ghi nhận biến động tỷ giá trong bối cảnh chỉ số DXY liên tục tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì rút ròng thêm phần tác động tới diễn biến thị trường chung.
CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời đối với những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để bảo toàn lợi nhuận khi thị trường đang có những biến động rung lắc điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu duy trì được vận động ổn định như giữ vững vùng hỗ trợ và cho tín hiệu thu hút dòng tiền, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường chung, nhưng cần tuân thủ ngưỡng cắt lỗ/chốt lời để bảo toàn vốn.
Theo Quỳnh Dương / Thị trường Tài chính tiền tệ