Phi hành gia Đoàn Quốc Duy – Trường Đại học VinUni đã xuất sắc trở thành “Ngôi sao Vũ trụ Đồng tiền của năm 2024”, sở hữu giải thưởng 1 tỷ đồng của The Moneyverse mùa đầu tiên.
Vào ngày 12/01/2025, Chung kết giải đấu The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) đã chính thức được diễn ra. Top 6 phi hành gia xuất sắc nhất đã có màn tranh tài vô cùng quyết liệt để chứng minh năng lực bản thân xứng đáng cho danh hiệu “Ngôi sao Vũ trụ Đồng tiền của năm 2024”, sở hữu nhiều phần thưởng lớn chưa từng có: giải thưởng tiền mặt 1 tỷ đồng, 1 sự nghiệp danh giá từ các thể chế tài chính hàng đầu Việt Nam, 1 học bổng CPA Australia trị giá gần 150 triệu đồng và 1 ô tô VinFast VF 3.
Nhận thấy tầm quan trọng của thông điệp “hiểu mình” trong thời đại số hoá, đặc biệt với các bạn trẻ GenZ, bắt tay cùng WeYoung 2024, Vũ trụ Đồng tiền chính thức mở rộng “quy mô vũ trụ” thông qua “Youngverse” – một “Vũ trụ cộng đồng” lan tỏa thông điệp hiểu bản thân, quản lý chi tiêu, tiếp cận đầu tư, làm chủ đồng tiền đến nhiều cộng đồng khác với vô vàn những bản sắc riêng, từ đam mê, phong cách tới những giá trị đặc biệt mà mỗi một cộng đồng theo đuổi.
Cùng với quy mô sân khấu ngoài trời vô cùng hoành tráng, được thiết kế và đầu tư chỉn chu, hàng nghìn các bạn trẻ GenZ đã có mặt từ sớm, hòa cùng không khí vô cùng náo nhiệt để trở thành những khán giả may mắn được đón xem trận đấu hấp dẫn của Top 6 trong Chung kết Vũ trụ Đồng tiền, bao gồm: Huỳnh Thị Quỳnh Nga (Học viện Hàng không Việt Nam), Lê Văn Minh (Trường Đại học FPT Đà Nẵng), Đoàn Quốc Duy (Trường Đại học VinUni), Đinh Tuấn Dương (Học viện Tài Chính), Trương Xuân Lộc (Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh) và Chan Yee Lun (Trường Đại học Quốc tế Miền Đông).
Để đào tạo nên một thế hệ trẻ bản lĩnh, “Con tàu” The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) được “lèo lái” bởi những “thuyền trưởng” có nhiều kinh nghiệm, uy tín: Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam VTV thực hiện với sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế với các chuyên gia đầu ngành đến từ các đơn vị: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.
Chiến binh chiến thắng cuối cùng sẽ được quyết định bởi dàn ban giám khảo chuyên môn dày dặn kinh nghiệm: PGS.TS. Đỗ Hoài Linh – Chuyên gia Tài chính cá nhân, Thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Vũ trụ Đồng tiền; Nhà báo Dương Ngọc Trinh – Giám đốc chiến lược Thời báo VTV, Đài truyền hình Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.
Trước khi bước vào thử thách đầu tiên, Top 6 xuất sắc đã có màn chào sân ấn tượng với tiết mục trình diễn ca khúc chủ đề của Vũ trụ Đồng tiền của ca sĩ “Willistic” vô cùng sôi động. Các phi hành gia lần lượt thể hiện tinh thần quyết tâm để chinh phục giải thưởng của Vũ trụ Đồng tiền. Để vượt ải chung kết, các phi hành gia sẽ có màn tranh tài “thực chiến” tại 3 chặng thi: Khởi hành – Trạm không gian Galaxy tích luỹ, Thám hiểm 4 hành tinh, Chinh phục Black Hole – cắm cờ chiến thắng.
Khởi hành tại Trạm không gian Galaxy tích lũy, các phi hành gia phải cùng nhau suy nghĩ, trở thành một đội để vượt qua thử thách. Bằng kiến thức của mình về câu chuyện tích lũy đồng tiền, các phi hành gia phải trả lời thật nhanh các câu hỏi để tìm kiếm chiếc chìa khóa mở rương bí mật, kích hoạt 6 chiếc thẻ ngân hàng BIDV trị giá 1 tỷ đồng để bắt đầu hành trình tiếp theo. Là những “chiến binh” tài năng và thông minh nhất của giải đấu, các phi hành gia dễ dàng vượt qua câu hỏi tại “Trạm không gian Galaxy tích lũy” để trang bị cho mình hành trang từ thẻ ngân hàng BIDV.
Bước vào chặng đấu cam go – “Thám hiểm 4 hành tinh”, các phi hành gia cần “vượt ải” hai vòng: Kiến thức và Thử thách. Ở vòng kiến thức tại Hành tinh Tiêu, các phi hành gia sẽ đeo kính VR để trả lời câu hỏi bằng cách nhảy vào đáp án đúng. Phi hành gia trả lời đúng và nhanh nhất sẽ bảo toàn số tiền trong tài khoản ngân hàng, 5 phi hành gia còn lại sẽ bị trừ tiền dựa trên kết quả thi theo thứ tự từ trên xuống. Chan Yee Lun (Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) là phi hành gia xuất sắc dẫn đầu với 62 điểm, bảo toàn số tiền trong thẻ. Top 6 thí sinh ngay sau đó bước vào phiên đấu giá để trở thành người được tham gia vào vòng thử thách tại Hành tinh đầu tiên. Kết quả, Đinh Tuấn Dương (Học viện Tài Chính) là phi hành gia cuối cùng bước vào căn phòng thử thách của Hành tinh Tiêu với 200 triệu:
Đinh Tuấn Dương (Học viện Tài Chính) cần phải giải thích thuật ngữ “Tiền” theo tiêu chí đúng và đủ cho nhân vật khách mời là một em bé 11 tuổi, nếu thành công, Tuấn Dương sẽ nhận được giải thưởng là chiếc xe VinFast VF3 hoặc Ngôi sao trách nhiệm, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ là giám khảo chính cho phần thử thách này. Bằng rất nhiều nỗ lực đưa ra những ví dụ gần gũi về đời sống hàng ngày nhưng đáng tiếc thay, tuy hiểu rõ từ khóa nhưng nhân vật khách mời vẫn không thể giúp Đinh Tuấn Dương hoàn thành thử thách tại Hành tinh Tiêu.
Đến với vòng kiến thức của Hành tinh Đầu tư, Top 6 phi hành gia phải trả lời 10 câu trắc nghiệm trong 5 phút để dành lấy cơ hội bước vào vòng thử thách. Người dẫn đầu sẽ bảo toàn số tiền, các phi hành gia còn lại sẽ bị trừ tiền dựa trên kết quả theo thứ tự tăng dần. Ở vòng nay, Top 6 sẽ phải đối đầu với Đội “Cướp Không Gian”, gồm: Trương Đức Khôi (Đại học Kinh tế Quốc dân), Nguyễn Thị Thu Vân (Trường Đại học Công thương TP.HCM) và Trần Quốc Việt (Trường Đại học Tài chính Marketing). Kết quả, Trương Đức Khôi (Đại học Kinh tế Quốc dân) của Biệt Đội Cướp Không Gian đã dẫn đầu bảng với điểm số cao nhất, Lê Văn Minh là phi hành gia được lựa chọn cùng với người dẫn đầu để bước vào vòng thử thách tại Hành tinh Đầu Tư. Chia sẻ về lựa chọn của mình, Đức Khôi cho biết: “Dù là đối thủ nhưng biết rằng Minh không có người nhà đến đây để ủng hộ vì khoảng cách địa lý, em quyết định dành cơ hội này cho bạn Minh!”.
Thử thách tại Hành tinh Đầu tư, Đức Khôi và Văn Minh phải thuyết phục giám khảo khách mời Ông Mai Huy Tuấn – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI để giành lấy cơ hội trở thành nhân sự của SSI – cũng là phần thưởng cho người chiến thắng. Với chủ đề câu hỏi về sự cạnh tranh giữa con người và AI, hai bên liên tục đưa ra quan điểm và phản biện cho ý kiến của mình. Nhận xét về 2 “ứng viên” Ông Mai Huy Tuấn cho biết: “Ở bạn Khôi tôi thấy tinh thần rất chịu khó tìm tòi, còn Minh là ứng viên tràn đầy sự tự tin quyết đoán”. Kết quả, Trương Đức Khôi (Đại học Kinh tế Quốc dân) là phi hành gia “toàn thắng” giành lấy cơ hội trở thành nhân sự của SSI.
Thử thách ở hành tinh tiếp theo – Hành tinh Bảo Toàn là nhận diện rủi ro. Các phi hành gia phải giải 3 câu hỏi liên quan đến các tình huống đời sống để nhận diện những rủi ro theo đề bài mà chương trình đưa ra. Đặc biệt, ở câu hỏi thứ 3, phi hành gia trả lời nhanh và chính xác nhất sẽ nhận được học bổng danh giá CPA Australia trị giá gần 150 triệu đồng. Trước khi bước vào thử thách, các phi hành gia bước vào phiên đấu giá Ngôi sao trách nhiệm. Với mong muốn được đóng góp cho cộng đồng và xã hội, Trương Xuân Lộc (Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh) đã “chơi lớn”, dùng 400 triệu để có được Ngôi sao trách nhiệm.
Bước vào thử thách ở Hành tinh Bảo toàn, các phi hành gia dành toàn bộ sự tập trung để giải các đề toán khó từ chương trình. Ở câu hỏi thứ ba, Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI chia sẻ: “Phân tích tài chính như chơi trốn tìm với các con số trong báo cáo tài chính. có 3 điều đáng quan tâm. Đề bài có rất nhiều điểm bất thường: dòng tiền không khớp, bất thường về doanh thu và những chi phí khác. Cuối cùng, khi những con số khi bắt tay với trí tưởng tượng thì báo cáo tài chính sẽ trở thành câu chuyện cổ tích, đây là điều các bạn phải lưu tâm rất kỹ”. Kết quả, Đoàn Quốc Duy (Trường Đại học VinUni), Đinh Tuấn Dương (Học viện Tài Chính) là người đưa ra đáp án tương đồng, nhận học bổng từ CPA Australia và phi hành gia bảo toàn được số tiền sau 3 câu hỏi là Đinh Tuấn Dương (Học viện Tài Chính).
Bước vào một trong những vòng đấu được đánh giá “căng thẳng bậc nhất” của Vũ trụ Đồng tiền, Top 6 phi hành gia chính thức bước vào “trận chiến cuối cùng” tại “Black Hole – Hố đen Vũ trụ”. Tại đây, các phi hành gia phải tìm cách giải mật mã, đồng thời trong khoảng thời gian quy định, đàm phán và trao đổi, mua bán các vật phẩm mà hiện tại mỗi cá nhân đang sở hữu như Ngôi sao trách nhiệm, các hiện vật quà tặng hay các đặc quyền…Kết thúc Black Hole, chỉ có 2 phi hành gia xuất sắc nhất để bước tiếp vào chặng đua cuối cùng “Big Bang – Đầu tư giả lập”.
Các phi hành gia bắt đầu nhận lấy những mật mã miễn phí và bắt đầu các phiên trao đổi để tạo ra lợi thế cho mình để tìm ra mật mã cuối cùng là dãy số gồm 11 con số. Với quyền năng của Ngôi sao trách nhiệm, Duy Lộc là người không bị trừ tiền kể cả khi không đàm phán, cùng với đó là lựa chọn Chan Yee Lun là phi hành gia cùng đồng hành để thể hiện trách nhiệm xã hội, cả hai sẽ được nhận lại vào tài khoản 300 triệu mỗi người nếu trả lời đúng mật mã của chương trình. Ngược lại nếu trả lời sai, Chan Yee Lun sẽ bị trừ 50% số tiền nếu không đưa ra câu trả lời chính xác. Sau khi phiên đấu giá cho manh mối cuối cùng đã được diễn ra, Chan Yee Lun là người sở hữu cho mình manh mối quan trọng nhất để tìm ra đáp án. Đáng tiếc, cặp đôi Duy Lộc – Yee Lun đã không thể đưa ra mật mã chính xác, Chan Yee Lun đã ngay lập tức bị trừ 50% số tiền trong thẻ.
Quốc Duy quyết định đổi chiếc Vinfast VF3 để nhận lấy 235 triệu của Chan Yee Lun, cùng với đó Quỳnh Nga quyết định “all-in” 600 triệu cho Quốc Duy để nhận lại 25% tổng giá trị tiền thưởng. Về phía Duy Lộc quyết định đầu tư số tiền còn lại trong thẻ cho Lê Văn Minh. 2 phi hành gia cuối cùng còn sở hữu số tiền trong thẻ nhiều nhất, giành lấy cơ hội đến gần với ngôi vị Quán quân của Vũ trụ Đồng tiền là: Đoàn Quốc Duy (Trường Đại học VinUni) và Lê Văn Minh (Trường Đại học FPT Đà Nẵng).
Vũ trụ Đồng tiền bất ngờ chào đón sự góp mặt của Phi hành gia Phạm Tuân – người VIệt Nam, người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ chinh phục không gian. Chia sẻ cảm xúc của mình trong đêm thi cuối cùng của Top 6, phi hành gia Phạm Tuân nói: “Tôi rất vinh dự khi có mặt trong đêm Chung kết hôm nay, rất tự hào và cũng rất hồi hộp. Tất cả các thí sinh đã chiến thắng chính mình và cần được tuyên dương vì tinh thần học tập, trí tuệ vì dù còn đang đi học nhưng các bạn đã hiểu rõ những kiến thức khó về kinh tế. đầu tư, tài chính. Với tôi, Vũ trụ Đồng tiền không chỉ chọn ra những người tiêu biểu mà còn góp phần lan tỏa đến thế hệ trẻ tinh thần học tập, nghiên cứu để nâng cao trí tuệ, trở thành những người bản lĩnh trong xã hội ngày nay. Những tài năng trẻ này sẽ không chỉ trở thành những người thành công mà còn góp phần xây dựng đất nước phồn vinh. Cách đây 45 năm tôi cũng trải qua nhiều cuộc thi tuyển chọn gắt gao, tôi hiểu sự hồi hộp của các bạn! Tôi mong các bạn hãy luôn bình tĩnh, sáng suốt và các bạn sẽ là những người chiến thắng!”.
Bước vào vòng đấu cuối cùng mang tên “Big Bang – Đầu tư giả lập”, Top 2 xuất sắc sẽ lần lượt thi đấu với hình thức phản biện. Người chơi sẽ bốc thăm lựa chọn ủng hộ hay phản đối mệnh đề mà chương trình đưa ra. Vòng đấu cuối cùng này sẽ chào đón sự có mặt của 4 vị giám khảo quen thuộc: PGS.TS. Đỗ Hoài Linh; Nhà báo Dương Ngọc Trinh; TS. Cấn Văn Lực và Ông Phạm Lưu Hưng. Người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng kép: giải thưởng tiền mặt 1 tỷ và chiếc xe hơi VinFast VF 3. Chia sẻ về trận đấu cuối cùng, Nhà báo Dương Ngọc Trinh nói: “Đây là cuộc chơi, không phải cuộc thi. Bên cạnh sự bản lĩnh, các bạn cũng cần có may mắn. Nhưng ở vòng này, các bạn cần thêm kỹ năng phản biện, đưa ra quan điểm, lý giải bằng các số liệu cụ thể để thuyết phục chúng tôi. Tôi rất đón chờ phần thể hiện của hai bạn!”.
Mệnh đề được chương trình đưa ra như sau: “LỪA ĐẢO TÀI CHÍNH LÀ DO LỖI CỦA BẢN THÂN”. Sau khi bốc thăm, Văn Minh sẽ đại diện phe ủng hộ và Quốc Duy sẽ phản đối lại quan điểm trên. Các thí sinh sẽ có 2 lượt nêu quan điểm/ phản biện sau đó lần lượt đưa ra tổng kết về mệnh đề. Nói về tiêu chí của Ban giám khảo, Ông Phạm Lưu Hưng nói: “Kỹ năng tranh biện là quan trọng nhất. Ngoài ra chúng tôi sẽ đánh giá cao khi các bạn đưa ra được những thông tin trong cuộc sống thực tế thay vì những lý thuyết chung”.
Bắt đầu với phía ủng hộ, Lê Văn Minh đưa ra quan điểm như sau: Lỗi này bắt nguồn từ sự bất cẩn của mỗi cá nhân bởi đã có nhiều nguồn cảnh báo về thông tin lừa bảo từ Thông tin Chính phủ, Nhà trường, bạn bè,… Mọi sự lừa đảo bắt nguồn từ lòng tham, bởi “tham thì thâm”, nếu không tin vào những lời mời gọi viển vông sẽ không trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Phản biện từ phía Đoàn Quốc Duy: Bạn đang làm đúng trách nhiệm của thí sinh Vũ trụ Đồng tiền, đó là trách nhiệm của chúng ta, của xã hội chứ không phải cá nhân. Việt Nam là quốc gia xếp vị trí cao trong các quốc gia bị lueaf đảo bởi bản chất xuất phát từ những đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội. Nếu chỉ haonf toàn đổ lỗi cho nạn nhân thi không hợp lý, chúng ta phải có trách nhiệm tuyên truyền và hỗ trợ nhau vượt qua những cạm bẫy về tài chính.
Quốc Duy bắt đầu phần thi đưa ra luận điểm như sau: đầu tiên, người lừa đảo mới là nguồn gốc ban đầu gây ra các vụ lừa đảo. Chúng ta đang nỗ lực giảm thiểu giảm lừa đảo mạng bằng an ninh mạng, bằng tuyên truyền, cho thấy đó là trách nhiệm chung của chúng ta. Ngoài ra không phải ai cũng vì lòng tham bởi có những vụ lừa đảo xuất phát từ việc mạo danh người có thẩm quyền đe dọa để khiến nạn nhân hoang mang, mất cảnh giác. Nếu chỉ quy trách nhiệm cho nạn nhân thì đó là tất trắc, bất lực của tất cả chúng ta. Về phía phản biện. Văn Minh bày tỏ: Xã hội là ai, chúng ta không thể trả lời được nên không để đổ lỗi cho xã hội! Chúng ta có quyền được lựa chọn và đấy không phải trách nhiệm mà ai cũng phải gánh vác, không thể nói đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Kết thúc hai lượt đưa ra luận điểm và phản biện, Đoàn Quốc Duy tổng kết mệnh đề như sau: nếu chúng ta bỏ mặc những nạn nhân gánh vác trách nhiệm lớn thì đó không phải một xã hội phát triển bền vững. là những công dân tương lai của đất nước, chúng ta phải giáo dục, tuyên truyền và cùng nhau giúp đỡ để hạn chế những rủi ro về lueaf đảo trên mạng. Về phía Văn Minh lại cho rằng: Trước khi đổ trách nhiệm hay than thân trách nhiệm, tại sao ngay từ bây giờ không trang bị cho mình những kiến thức mà lại lướt những thông tin vô bổ trên mạng. Các bạn phải chịu trách nhiệm với mọi lựa chọn mà mình đưa ra.
Ngay sau đó, các ban giám khảo lần lượt đưa ra các câu hỏi và thử thách cho hai phi hành gia có thêm cơ hội để giải thích và bảo vệ cho quan điểm của mình. Để đưa ra được quyết định cuối cùng một cách khách quan hơn, TS. Cấn Văn Lực trao cho hai phi hành gia 60 giây cuối cùng để thuyết phục các Ban giám khảo bằng đề bài đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng. Về phía phi hành gia Đoàn Quốc Duy sẽ ưu tiên những giải pháp về giáo dục, tuyên truyền, còn phi hành gia Lê Văn Minh cho rằng cần bảo mật tài sản ở ngân hàng thay vì tiền mặt trong người.
Sau khi bàn bạc, đánh giá quá trình từ vòng thi và cả quá trình thể hiện của 2 phi hành gia tại giải đấu năm nay, Ban giám khảo đã đưa ra quyết định cuối cùng: Đoàn Quốc Duy (Trường Đại học VinUni) chính thức trở thành “Ngôi sao Vũ trụ Đồng tiền của năm 2024”, sở hữu giải thưởng tiền mặt 1 tỷ đồng và chiếc xe hơi VinFast VF3. Với hành trình đầy nỗ lực cùng với sự thông minh, can đảm và bản lĩnh, vượt qua hơn 25.000 sinh viên đến từ gần 30 trường Đại học trên khắp cả nước, Đoàn Quốc Duy đã thành công chinh phục các “hành tinh bí ẩn”, trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên trở thành Quán quân của The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) năm 2024
Chia sẻ về cảm xúc khi trở thành người chiến thắng của Vũ trụ Đồng tiền, Đoàn Quốc Duy cho biết: “Mình tin bản thân đã có một hành trình đầy dấu ấn từ mùa giải năm nay. Từ quá trình tiếp cận kiến thức, học tập, trải nghiệm cùng những bạn khác, ban giám khảo, các chuyên gia đều để lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Với những bài học, những giải thưởng và cơ hội mà Vũ trụ Đồng tiền mang lại, mình tin vào sứ mệnh mà chương trình đang lan tỏa, tham gia chương trình là điều đúng đắn nhất. Không chỉ sau đêm nay, mình sẽ còn tiếp tục đồng hành với Vũ trụ Đồng tiền ở một cương vị khác, phiên bản khác trưởng thành, chín chắn hơn. Ở chương trình mình nhận được nhiều tình yêu thương từ những người đồng đội, khán giả, mình cũng đã chứng minh được năng lực qua các vòng thi, nhận được sự tin tưởng của mọi người. Chiến thắng của mình ngày hôm nay cũng là chiến thắng của tất cả mọi người!”.
Giải đấu The Moneyverse – dành riêng cho các phi hành gia tài năng của các trường Đại học trên cả nước, có kiến thức về 5 hành tinh: Kiếm – Tiêu – Tích lũy – Đầu tư – Bảo toàn, với sự tự tin thể hiện bản sắc cá nhân. Các “phi hành gia” tham gia sẽ có cơ hội chinh phục 1 tỷ đồng đầu tiên của Giải đấu, cơ hội làm việc tại các định chế tài chính hàng. Theo đó, BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.
Mùa đầu tiên của Vũ trụ Đồng tiền đã chính thức khép lại với chiến thắng thuộc về Đoàn Quốc Duy (Trường Đại học VinUni). The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền) 2025 đã chính thức được khởi động, hứa hẹn một mùa giải bùng nổ và sôi động hơn, tiếp tục đồng hành cùng nhiều tài năng trẻ trên hành trình “đọc vị” chính mình – hiểu mình là ai, quản lý mục tiêu và thiết lập hành trình chinh phục đam mê trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư tài chính.
Theo Ly Ly / Văn hoá