Obama đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc những ngày qua, từ sức nóng trong những sự cố ngoại giao với Trung Quốc và Philippines tới những phút thư thái uống nước dừa tại Lào.
Tổng thống Obama đến Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) để tham dự hội nghị G20 và cùng Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, tin tức nổi bật nhất trong thời gian ông ở Hàng Châu là việc tổng thống Mỹ đã bước xuống đất Trung Quốc bằng chiếc thang nhỏ không trải thảm, và cuộc cãi vã của các quan chức Mỹ – Trung ngay tại sân bay.
Rời Trung Quốc, ông Obama đến Lào để tham dự hội nghị cấp cao ASEAN, thúc đẩy việc khắc phục những hậu quả Mỹ để lại Lào sau chiến tranh, và dự kiến sẽ gặp với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Như thể những ngày qua của ông Obama ở Trung Quốc chưa đủ “kịch tính”, ngay trước khi tổng thống Mỹ lên máy bay đến Lào, người đồng cấp Philippines buông lời lăng mạ ông. Ông Duterte còn dọa lặp lại những lời đó khi gặp gỡ nếu ông Obama chỉ trích cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức hủy cuộc gặp.
Những dự định kỳ vĩ của tổng thống Mỹ hóa ra có thể bị che lấp bởi sự chuẩn bị hậu cần yếu kém, và cả vận đen, theo New York Times.
Nguy cơ mới từ đồng minh cũ
Rắc rối ở sân bay Hàng Châu có thể đổ cho việc chuẩn bị thiếu cẩn thận, nhiều hơn là sự cố ý “dìm hàng” từ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với tổng thống Mỹ (cùng lắm chỉ là thành kiến từ các quan chức Trung Quốc). Nhân viên hậu cần Mỹ và Trung Quốc đã không thống nhất được về người chở xe thang cho ông Obama, và kết quả là tổng thống Mỹ phải rời khỏi chiếc chuyên cơ bằng chiếc cửa nhỏ ở bụng máy bay.
Sự cố với tổng thống Philippines đáng lo hơn. Nó nhắc người Mỹ nhớ về nguy cơ mới đến từ Philippines, đồng minh vốn thân thiết của Washington tại châu Á. Tổng thống Duterte tỏ rõ rằng ông sẽ không thân Mỹ như người tiền nhiệm Benigno Aquino III, dù thái độ của ông Duterte với Trung Quốc, cường quốc đối thủ của Mỹ và đang có tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, cũng không rõ ràng.
Người Mỹ có đầy đủ lý do để lo lắng rằng Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng để ép các nước láng giềng ngồi vào bàn đám phán và dàn xếp các tranh chấp lãnh thổ. Điều này có thể gây hại đến quyền tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Benjamin J. Rhodes vẫn tự tin quan hệ đồng minh của Mỹ và Philippines “vững chãi như đá”. Ông Rhodes nói rằng Washington sẽ để Manila tự do đàm phán với Bắc Kinh, miễn là tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đây cũng là điều ông Obama dự định sẽ nói với ông Duterte khi gặp mặt. Dù vậy, cuộc gặp chính thức giữa hai lãnh đạo này đã bị hủy.
Di sản chuyến đi
Cơn mưa rào cuối mùa hạ ở thủ đô Vientiane đã mang lại sự thư thái cho ông Obama sau những ngày đầy sự cố ngoại giao vừa qua. Những lùm xùm với Trung Quốc và Philippines dường như cũng được cơn mưa mang đi.
Tại Lào, Obama đã có những nỗ lực hàn gắn và xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Là tổng thống Mỹ đầu tiên công du Lào, ông Obama công bố khoản viện trợ 30 triệu USD/năm trong 3 năm để rà phá bom mìn còn sót lại các khu rừng và cánh đồng tại đây.
Trong giai đoạn 1964 – 1973, theo ước tính, Mỹ đã thả xuống Lào 2 triệu tấn vật liệu nổ. Quá ít người Mỹ hiểu được việc này. Trong bài phát biểu ở Hội trường Văn hóa Quốc gia Lào hôm 6/9, ông Obama nói: “Như một người Lào kể lại, bom rơi xuống như mưa”.
Tại Trung Quốc, theo như biểu hiện của tổng thống Mỹ, vụ lùm xùm tại sân bay không gây ra hậu quả gì cho chuyến đi Hàng Châu của ông. Ông Obama miêu tả chuyến công du Trung Quốc của mình là “cực kỳ hiệu quả”, và nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Và ít nhất, tổng thống Obama đã rời Trung Quốc bằng một chiếc xe thang rộng rãi và có chiếu sáng.
Phương Thảo
Theo Zing