Trung Quốc vừa công bố các quy định mới nhằm siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với tám công nghệ then chốt liên quan đến sản xuất pin xe điện, lĩnh vực đang giữ vai trò chiến lược trong cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu. Động thái này không chỉ nhằm bảo vệ lợi thế công nghệ của các tập đoàn nội địa như CATL hay BYD, mà còn gửi tín hiệu rõ ràng về nỗ lực kiểm soát chuỗi giá trị toàn cầu của ngành xe điện.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, bất kỳ hoạt động thương mại, đầu tư hay hợp tác công nghệ nào liên quan đến việc chuyển giao các công nghệ này ra nước ngoài sẽ phải xin giấy phép từ chính phủ, quy định có hiệu lực ngay lập tức.
Động thái mới không chỉ nhằm bảo vệ lợi thế công nghệ nội địa mà còn phản ánh chiến lược tài chính dài hạn của Bắc Kinh trong việc duy trì vai trò đầu tàu trong ngành xe điện toàn cầu. Với các công nghệ pin ngày càng mang tính quyết định đối với giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh, việc kiểm soát xuất khẩu có thể tạo rào cản lớn cho các doanh nghiệp quốc tế muốn tiếp cận công nghệ pin giá rẻ từ Trung Quốc.
Các công nghệ nằm trong danh sách kiểm soát bao gồm ba công nghệ cốt lõi liên quan đến dòng pin lithium iron phosphate (LFP) và năm công nghệ khác liên quan đến quá trình xử lý lithium, nguyên liệu đầu vào chủ chốt của pin.
Quyết định này được đưa ra chưa đầy 3 tháng sau khi Bắc Kinh áp dụng quy định cấp phép xuất khẩu đối với bảy loại đất hiếm và nam châm chuyên dụng, khiến chuỗi cung ứng các ngành công nghệ cao ở phương Tây và Nhật Bản chịu ảnh hưởng đáng kể.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang gây sức ép buộc các hãng xe điện Trung Quốc mở rộng sản xuất tại thị trường châu Âu như một điều kiện không chính thức để duy trì tăng trưởng doanh số, quy định mới của Bắc Kinh có thể làm phức tạp hoá nỗ lực toàn cầu hoá của các doanh nghiệp nước này.
Đồng thời, tại Mỹ, dù chính quyền vẫn giữ thái độ dè dặt với đầu tư từ Trung Quốc, một số kế hoạch xây dựng nhà máy pin sử dụng công nghệ Trung Quốc tại bang Michigan vẫn đang được đề xuất.
Trong giai đoạn 2024–2025, Trung Quốc ghi nhận nhiều bước đột phá công nghệ trong lĩnh vực pin xe điện. Hai tập đoàn lớn BYD và CATL đã thành công trong việc cải tiến dòng pin LFP, công nghệ bị Mỹ bỏ ngỏ gần 30 năm trước. Thay vì sử dụng vật liệu đắt đỏ như niken, coban và mangan, các hãng Trung Quốc chuyển sang công thức sử dụng sắt và phosphate rẻ tiền, vừa giúp giảm giá thành, vừa cải thiện tính an toàn khi vận hành.
BYD đã vượt qua Tesla để trở thành hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, nhờ vào lợi thế công nghệ pin nội địa. Trong khi đó, CATL hiện chiếm thị phần lớn toàn cầu trong phân khúc pin LFP.
Đáng chú ý, pin LFP đang chiếm hơn một nửa thị phần thế giới và gần như được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, trong khi các công ty tại Nhật, Hàn Quốc, Đức và Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào pin sử dụng hợp kim đắt đỏ và đang chật vật để thu hẹp khoảng cách công nghệ.

Việc kiểm soát xuất khẩu các công nghệ này có thể khiến các đối tác quốc tế gặp khó trong việc tiếp cận công nghệ sản xuất pin tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng pin độc lập với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra lời giải thích cụ thể cho chính sách này ngoài việc khẳng định đây là sự “điều chỉnh dựa trên sự phát triển và thay đổi của công nghệ”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là bước đi nhằm kiểm soát dòng chảy tài sản trí tuệ và bảo vệ lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, chính sách mới cũng phản ánh tham vọng dài hạn của Bắc Kinh trong việc dẫn đầu các lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ chiến lược.
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về số lượng công trình nghiên cứu được trích dẫn cao trong 52 trên tổng số 64 lĩnh vực công nghệ then chốt. Các chương trình đào tạo sau đại học về hóa học pin và luyện kim pin cũng đang phát triển mạnh với gần 50 cơ sở đào tạo chuyên sâu.
Sự kết hợp giữa kiểm soát công nghệ, đầu tư nghiên cứu nội địa và chiến lược thương mại có thể giúp Trung Quốc duy trì lợi thế công nghệ và tài chính trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm các nền kinh tế lớn đang chạy đua xanh hóa phương tiện giao thông.