TP.HCM đề xuất chuyển đổi 400.000 xe xăng công nghệ sang xe điện trong 3 năm. TP.HCM cũng xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe cá nhân, xe dịch vụ.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo “Đề án Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM”.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc HIDS thông tin với báo giới, lộ trình chuyển đổi được thiết kế theo các mốc kỹ thuật bắt buộc, đi kèm các chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo quyền lợi tài chính của tài xế, thúc đẩy việc thu đổi xe cũ, cho vay mua xe mới và phát triển hạ tầng sạc.
Theo ông Hải, TP.HCM đang có khoảng 400.000 xe hai bánh công nghệ hoạt động. Đây là nhóm được triển khai chuyển đổi trước tiên trong kế hoạch điện hóa phương tiện giao thông trên địa bàn.
Bởi, theo khảo sát năm 2023, mỗi tài xế công nghệ tại TP.HCM di chuyển trung bình 80-120 km mỗi ngày, gấp 3-4 lần so với người dân thông thường. Thậm chí, nhiều tài xế di chuyển tới 150 km/ngày. Điều đó đồng nghĩa, chuyển đổi một chiếc xe máy chạy xăng của tài xế công nghệ sang xe máy điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe hai bánh cá nhân khác.
Trước lo ngại những người chạy xe công nghệ sẽ không có đủ kinh phí để thực hiện quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, ông Hải cho biết tài xế giao hàng là đối tượng cần được hỗ trợ thông qua các chính sách xã hội, không phải là người phải tự gánh chịu chi phí từ chính sách giảm phát thải.

Theo đề án, toàn bộ 400.000 xe xăng hai bánh đang tham gia dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng thông qua các doanh nghiệp vận tải ứng dụng nền tảng công nghệ trên địa bàn TP.HCM (gồm cả Vũng Tàu và Bình Dương sau hợp nhất) sẽ được chuyển sang điện.
Đến năm 2029 (thời điểm kết thúc triển khai Đề án), TP.HCM đặt mục tiêu giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
Đề án đưa ra 4 giai đoạn thực hiện, với các mục tiêu và lộ trình thời gian cụ thể, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai. Trong đó, giai đoạn 1 tính từ tháng 1/2026 sẽ chuyển đổi đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe
Giai đoạn 2 tính đến tháng 12/2026 số lượng xe chuyển đổi đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe. Giai đoạn 3 tính đến tháng 12/2027 sẽ có 80%, tương đương khoảng 320.000 xe máy công nghệ trên địa bàn được chuyển xe điện.
Từ tháng 12 năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.
Để thực hiện đề án, TP.HCM sẽ triển khai đồng thời nhiều chương trình và chính sách, với sự phối hợp của nhiều bên. TP HCM dự kiến xây dựng các vùng phát thải thấp, nơi xe xăng sẽ bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm từ năm 2027 và cấm hoàn toàn từ năm 2028.
HIDS kiến nghị TPHCM đề xuất Trung ương miễn 100% phí trước bạ, phí đăng ký biển số và thuế VAT đối với xe máy điện do tài xế công nghệ đứng tên khi mua mới, áp dụng trong toàn bộ giai đoạn triển khai từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2029.
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thiết lập cơ chế cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, lãi suất trần khoảng 6%/năm, giúp tài xế dễ tiếp cận nguồn vốn mua xe điện.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay và ngân hàng liên kết với tài xế hoặc doanh nghiệp vận tải công nghệ trích nợ tự động từ cước vận tải để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
Ngoài chính sách công, đề án còn vận động các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ cùng tham gia. Các doanh nghiệp này sẽ quảng bá lợi ích xe điện, tặng điểm thưởng cho tài xế sử dụng phương tiện điện, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ thân thiện môi trường. Ví dụ, mỗi chuyến xe điện có thể được cộng thưởng 500-1.000 đồng, giúp tài xế cải thiện thu nhập và đồng hành cùng chương trình chuyển đổi.
Băn khoăn lớn nhất của việc chuyển đổi xe điện là hạ tầng sạc điện. Theo ông Hải, TP.HCM hiện có khoảng 50 điểm đổi pin và sắp tới sẽ có thêm hai doanh nghiệp đầu tư hệ thống này. TP.HCM cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trạm sạc di động và trạm dừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu.
Một tổ liên ngành gồm Sở Xây dựng, ngành điện và lực lượng phòng cháy chữa cháy đã được thành lập để khảo sát chung cư, tòa nhà, từ đó xây dựng bản đồ các điểm sạc xe điện. Thành phố sẽ sử dụng bản đồ này để kêu gọi đầu tư và ban hành chính sách phù hợp. Với khu nhà trọ, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo an toàn cho tài xế sử dụng xe điện.
Ông Hải cũng thồn tin, chuyển đổi sang xe điện là một phần trong chương trình kiểm soát khí thải của TP.HCM, thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng về các nhiệm vụ cấp bách trong bảo vệ môi trường. TP.HCM sẽ đề xuất Trung ương phân cấp, phân quyền để triển khai hiệu quả.
Mai Anh / Vietnamfinance.vn