Thị trường ô tô Việt đã đón nhận nhiều biến động: Xe tăng giá, người mua phải chờ đợi nhiều tháng để nhận xe, hàng loạt xe mới ra mắt lẫn khai tử…
Những tháng qua, thị trường ô tô Việt đã đón nhận nhiều biến động do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng, xung đột Nga – Ukraine. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến đó là sự thiếu hụt nguồn cung linh kiện khiến nhiều mẫu xe không thể hoàn thiện và bán ra thị trường; gây ra tình trạng mất cân bằng cung – cầu, giá xe bị chênh tại đại lý.
Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt cũng đón nhận nhiều mẫu xe mới ra mắt và ngược lại nhiều mẫu xe cũ bị “khai tử” do doanh số ít ỏi, hay không đạt tiêu chuẩn khí thải…
Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu không được thông suốt, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt linh kiện và chất bán dẫn… nên nhiều hãng xe tại Việt Nam không thể hoàn thiện để cung ứng ra thị trường.
Từ đó khiến cho nhiều mẫu xe không có đủ nguồn cung, người mua xe phải chờ đợi 2-3 tháng may ra mới nhận được xe. Hoặc chấp nhận mua thêm phụ kiện, chênh giá trực tiếp để nhận xe sớm.
Thậm chí nhiều mẫu xe hạng sang phải chờ tới 6 tháng đến cả năm trời mới có xe: Mercedes-Benz, BMW, Poscher, Land Rover…
Trong đó, mẫu xe được nhắc đến nhiều nhất là Hyundai Tucson với tình trạng mua kèm lạc lên tới 150 triệu đồng, “người anh em” Santa Fe cũng gặp tình trạng tương tự.
Toyota Veloz Cross cũng bị đội giá vài chục triệu đồng do sức hút bất ngờ so với mẫu Avanza Premio được bán cùng thời điểm, vấn đề tương tự cũng xảy ra với mẫu Raize và Corolla Cross.
Trong khi đó, hãng xe Nhật Bản từng phải thông báo về vấn đề này: “Chúng tôi không có chủ trương này [ép khách mua xe kèm phụ kiện] Chính sách của Toyota luôn nhất quán: Khách hàng đến trước được phục vụ trước. Chúng tôi yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách trên để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”.
Mới đây nhất, Ford Everest thế hệ mới vừa ra mắt thị trường Việt Nam cũng nằm trong diện đội giá, khi có khách hàng đã được báo giá phải mua “kèm lạc” tới 200 triệu đồng để được nhận xe sớm.
Không chỉ chịu cảnh tăng giá tại đại lý, mà bản thân các hãng xe cũng tăng giá niêm yết của nhiều mẫu xe với lý do: Chính sách kinh doanh của hãng thay đổi, động cơ nâng cấp lên chuẩn khí thải Euro 5, giá linh kiện, phụ tùng đầu vào tăng do chi phí logistic tăng…
Đơn cử như loạt xe Toyota đã được thông báo tăng giá bán lẻ đề xuất, mức tăng cao nhất lên tới 40 triệu đồng của các mẫu Land Cruiser, Land Cruiser Prado và Alphard. Mẫu xe bán chạy Corolla Cross cũng được thông báo tăng giá 2 lần trong quý I và đắt hơn khi ra mắt 36 triệu đồng.
Cùng với đó, thương hiệu xe sang Lexus của Toyota cũng được thông báo điều chỉnh tăng giá bán từ ngày 1/5 dành cho các mẫu xe bán tốt như: ES, RX300, RX350, GX và LM. Dòng sedan ES được tăng giá ít nhất nhưng cũng đạt mức 40 triệu đồng trong khi MPV hạng sang LM còn tăng tới 70 triệu đồng.
Suzuki cũng tăng giá tất cả các dòng xe với mức dưới 10 triệu đồng nhưng lý do được hãng được ra là việc cập nhật động cơ lên tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Swift và XL7 có mức tăng mạnh nhất với 10 triệu đồng trong khi Ciaz chỉ tăng 5,9 triệu đồng lên mức 534,9 triệu đồng.
Kia cũng liên tục tăng giá các mẫu xe của mình với mức từ vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Đặc biệt, mẫu KIA Seltos đã được tăng giá 2 lần trong năm nay và tăng tổng cộng 6 lần từ khi ra mắt thị trường Việt Nam.
Để chuẩn bị cho mùa bán hàng cuối năm, thời gian qua, thị trường ô tô Việt liên tục đón nhận nhiều mẫu xe mới, phiên bản nâng cấp của các dòng xe được ra mắt như: Toyota Avanza Premio, Toyota Veloz Cross, Toyota Corolla Altis, Honda HR-V, Ford Everest, Kia Sportage, Hyundai Creta, Mitsubishi Xpander… giúp khách hàng có thêm các lựa chọn.
Đặc biệt, nhờ chính sách miễn phí trước bạ cho ô tô điện từ tháng 3, thị trường xe điện được nhiều người quan tâm hơn. Ngoài các mẫu xe điện VF 8 và VF 9 của VinFast được giới thiệu vào đầu năm, thị trường Việt Nam còn đón nhận Hyundai Ioniq 5 và mới đây là Audi e-tron GT mới.
Tuy nhiên, hệ thống trạm sạc vẫn là thách thức lớn và bài toán các hãng xe cần giải khi đưa các dòng xe điện mới về Việt Nam. Hiện nay, mới chỉ có VinFast đầu tư mở rộng tối đa mạng lưới trạm sạc trên khắp cả nước trong khi các hãng còn lại đều chỉ thiết lập tại các đại lý của mình.
Lo lắng về hệ thống trạm sạc, anh Xuân Hải (Hà Nội) đang cân nhắc về việc mua xe điện trong thời gian tới: “Dù rất muốn mua một chiếc ô tô chạy điện nhưng gia đình tôi ở chung cư khó sạc điện ở hầm và hệ thống trạm sạc hiện chưa thuận tiện nên tôi rất băn khoăn khi mua dòng xe này ở thời điểm hiện tại”.
Trái ngược với việc ra mắt các mẫu xe mới, thị trường ô tô Việt Nam cũng phải chia tay với không ít mẫu xe do các vấn đề khác nhau. Mở màn cho đợt “khai tử” liên tiếp chính là VinFast với thông báo vào đầu năm sẽ ngừng sản xuất và kinh doanh các dòng xe xăng.
Ngay đầu tháng 7, hãng xe Việt Nam đã công bố chính thức ngừng sản xuất và tiếp nhận đơn hàng cho các mẫu Fadil, Lux A, Lux SA và President; sớm hơn gần 6 tháng so với kế hoạch ban đầu của VinFast và hãng sẽ tập trung vào việc phân phối xe điện từ nửa cuối năm nay.
Đây là một tiếc nuối cho nhiều người tiêu dùng trong nước khi các sản phẩm VinFast bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Chị Tuyết Nhung (Hà Nội) có dự định mua VinFast Fadil nhưng chưa kịp đặt hàng đã nhận thông báo ngừng bán của hãng: “Tôi có dự định mua Fadil về dùng cho mục đích di chuyển trong thành phố nhưng chưa kịp đặt cọc thì đã có thông báo ngừng bán, tôi sẽ phải chuyển sang phương án mua xe cũ do hiện tại không có xe mới tại đại lý nữa”.
Ngoài ra, Toyota Hilux và Honda Brio mới đây cũng bị ngừng bán do xe chưa đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 tại Việt Nam, các mẫu xe này đều được nhập khẩu từ nước ngoài và chưa hẹn ngày trở lại.
Theo đại diện Honda Việt Nam, từ ngày 1/1/2022 các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5), trong khi Brio chỉ đạt tiêu chuẩn Euro 4 nên đây là một trong các yếu tố khiến hãng xe Nhật Bản tạm dừng bán mẫu xe này.
Hiện tại, HVN chưa có thông tin sẽ đưa mẫu xe hạng A này trở lại thị trường Việt Nam, hay thay thế bằng mẫu xe khác. Hãng xe Nhật Bản vẫn luôn nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách hàng để đưa về những mẫu xe phù hợp nhất với thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, Ford EcoSport và Toyota Rush cùng công bố “khai tử” do nằm ngoài chiến lược kinh doanh của hãng, xuất phát từ vấn đề doanh số xe quá thấp và sức hút kém. Cuối cùng, Hyundai Kona đã bị tạm ngừng sản xuất và phân phối do thiếu linh kiện lắp ráp, và cũng chưa có kế hoạch trở lại cụ thể./.
Gia Linh / VOV