Từ vị thế thống trị, các hãng xe phương Tây đang chứng kiến thị phần tại Trung Quốc “lao dốc không phanh” khi người tiêu dùng ồ ạt chuyển sang xe điện nội địa giá rẻ, tích hợp công nghệ cao. Trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt và sự vươn lên của các thương hiệu Trung Quốc, viễn cảnh “bị xóa sổ” khỏi thị trường tỷ dân đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Các nhà sản xuất ô tô phương Tây có thể sẽ không còn chỗ đứng tại Trung Quốc khi các thương hiệu nội địa đang tiến sát đến “thành trì” cuối cùng của Volkswagen và Toyota, đó là cảnh báo từ ông Maxime Picat, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi của Stellantis, đồng thời là một trong hai ứng cử viên nội bộ cho vị trí CEO tiếp theo của tập đoàn này.
Phát biểu tại Hội nghị “Tương lai ngành ô tô” do Financial Times tổ chức, ông Picat thừa nhận: “Tôi là người khá lạc quan, nhưng không phải về vấn đề này”. Ông bày tỏ sự “sốc” khi chứng kiến các thương hiệu ô tô phương Tây liên tục mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa ở Trung Quốc trên hầu hết các phân khúc, từ xe điện cho đến các dòng xe cỡ lớn.

Dù các thương hiệu như Toyota và Volkswagen hiện vẫn duy trì được doanh số đáng kể ở phân khúc xe xăng cỡ trung (được gọi là “phân khúc C”) nhưng ông Picat cảnh báo: “Các hãng xe phương Tây giờ chỉ còn trụ lại ở phân khúc xe xăng cỡ trung. Và điều đó sẽ không kéo dài”.
Ông cho biết xu hướng mất thị phần đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, và các nhà sản xuất phương Tây đang ngày càng khó giữ vững vị thế tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt và cuộc chiến giá ngày càng khốc liệt, nhiều hãng xe phương Tây (trong đó có Stellantis, tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Peugeot, Fiat, Opel) đã từng bước rút lui khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Đức như Volkswagen lại tiếp tục tăng cường đầu tư vào thị trường vốn được xem là “mỏ vàng” lợi nhuận của họ trong suốt nhiều năm qua.
Chiến lược “ở Trung Quốc vì Trung Quốc” đang được các tập đoàn như Volkswagen, Toyota và nhiều thương hiệu nước ngoài khác triển khai nhằm giành lại người tiêu dùng – những người đang ngày càng chuyển sang sử dụng các dòng xe điện giá rẻ hơn và tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến từ các thương hiệu nội địa như BYD.
Năm ngoái, Volkswagen đã công bố khoản đầu tư bổ sung trị giá 2,5 tỷ euro (gần 2/8 tỷ USD) vào Trung Quốc, thể hiện cam kết lâu dài với thị trường này.
Tuy vậy, thị phần của các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc đã giảm mạnh, chỉ còn 32% trong hai tháng đầu năm nay – chưa bằng một nửa so với mức 64% mà họ nắm giữ vào năm 2020, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Automobility (Thượng Hải). Đáng chú ý, BYD đã vượt qua Volkswagen để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Dù vậy, Volkswagen và Toyota vẫn là hai nhà sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong hàng đầu tại Trung Quốc, với tổng thị phần lên tới 34%.

Sau khi chấm dứt phần lớn các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, Stellantis đã chuyển hướng bằng cách mua lại 20% cổ phần của hãng xe điện Trung Quốc Leapmotor với giá 1,5 tỷ euro. Thỏa thuận này đánh dấu bước đi chiến lược nhằm hỗ trợ Leapmotor mở rộng doanh số tại cả Trung Quốc và châu Âu.
Trong nỗ lực khẳng định cam kết của mình với thị trường Trung Quốc, Volkswagen gần đây đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các biện pháp thuế chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc – một chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc giữa các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Trong khi các hãng xe Đức phản đối, thì những nhà sản xuất ít hiện diện tại Trung Quốc như Stellantis và Renault lại ủng hộ chính sách thuế quan này.
Ông Maxime Picat hiện đang nổi lên là một trong hai ứng viên nội bộ sáng giá thay thế vị trí CEO Carlos Tavares, người đã rời Stellantis vào tháng 12 năm ngoái sau những bất đồng chiến lược với hội đồng quản trị. Cùng cạnh tranh vị trí này là ông Antonio Filosa, người đứng đầu khu vực Bắc Mỹ của Stellantis.
Khi được hỏi về quá trình lựa chọn CEO mới, ông Picat cho biết: “Hội đồng quản trị đã khởi động một quy trình rất toàn diện, điều này là vô cùng quan trọng. Họ cũng đã công bố lộ trình rõ ràng để mọi việc nằm trong tầm kiểm soát và đảm bảo rằng quyết định cuối cùng sẽ là một quyết định đúng đắn, dù đó là lựa chọn nào đi nữa”.
Theo Financial Times
Bích Hợp / Vietnamfinancxe.vn