Mở màn năm 2023, nhiều hãng xe trong nước phải triệu hồi sản phẩm để khắc phục lỗi khác nhau, trong đó có nhiều mẫu xe ăn khách như Hyundai Santa Fe, Elantra, Lexus.
Trong thông báo mới nhất phát đi từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị này vừa phê duyệt chương trình triệu hồi đối với mẫu xe Hyundai Santa Fe của Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam với tổng cộng 17.670 chiếc, lắp ráp trong nước có thời gian sản xuất từ ngày 30/1/2021 đến 15/10/2022 để lắp đặt nắp bảo vệ bộ căng dây đai an toàn ghế trước (bên trái và bên phải).
Đợt triệu hồi này nằm trong chương trình triệu hồi toàn cầu của hãng Hyundai (số hiệu HRE22-91-P540-TM; TMPE; CN7) đã thực hiện trên một số dòng xe từ cuối năm 2022, trong đó có mẫu SUV Santa Fe.
Tiếp đó là đợt triệu hồi thứ 2 liên quan tới 51 chiếc Hyundai Santa Fe nhập khẩu từ tháng 1/12/2020 đến 31/12/2021. Chương trình triệu hồi để lắp đặt nắp bảo vệ bộ căng dây đai an toàn ghế trước (bên trái và bên phải) trên xe
Cục Đăng kiểm cho biết đợt triệu hồi này xuất phát từ việc bộ căng dây đai là một thiết bị để cuốn đai an toàn ngay tức thì khi va chạm vừa xảy ra và giữ cho người lái và hành khách tránh việc va đập. Trên các xe nằm trong diện bị ảnh hưởng, khi xảy ra va chạm và ngòi nổ túi khí được kích hoạt, áp suất trong bộ tạo khí của bộ căng dây đai an toàn ghế trước tăng lên đột ngột.
Trong một số trường hợp, áp lực đường ống bị quá tải, một số linh kiện bên trong bộ tạo khí tiềm ẩn nguy cơ bung ra, và các mảnh linh kiện có thể lọt vào khoang hành khách gây mất an toàn cho người ngồi trong xe. Chương trình bắt đầu từ nay đến hết 10/1/2050 với thời gian lắp đặt khoảng 0,7 giờ mỗi xe.
Chưa dừng lại ở đó, một mẫu xe khác của Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cũng bị triệu hồi ngay đầu năm 2023 là Hyundai Elantra, cụ thể 357 xe. Số lượng xe bị ảnh hưởng được sản xuất lắp ráp trong khoảng thời gian từ 1/9/2022 – 25/10/2022. Thời gian triệu hồi xe bắt đầu từ 1/2/2023 và dự kiến kết thúc vào 10/1/2050 (kéo dài 27 năm). Mỗi xe sẽ mất khoảng 0,7 giờ để sửa chữa.
Ngày 13/2, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng có thông báo đã tiếp nhận báo cáo của Công ty ô tô Toyota Việt Nam về chương trình thu hồi xe sang Lexus.
Theo đó, dựa trên tài liệu do công ty này cung cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông báo về chương trình thu hồi 64 xe Lexus để thay thế cụm thông hơi bình nhiên liệu.
Cụ thể là các dòng xe Lexus GS200t/GS350/RC200t sản xuất từ ngày 11/9/2012 đến ngày 10/11/2017 do Công ty ô tô Toyota Việt Nam nhập khẩu và phân phối chính thức.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung cho biết cụm thông hơi, bình nhiên liệu (bao gồm bộ kiểm soát hơi nhiên liệu) là một cụm phụ tùng lắp đặt trên xe, có chức năng ngăn ngừa hơi nhiên liệu sinh ra trong bình thoát trực tiếp ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên, do việc thiết kế của mặt bích co thể xuất hiện vết nứt tại bề mặt ngoài củ mặt bích. Vết nứt này có thể lan rộng theo thời gian và gây rò rỉ nguyên liệu. Hơn nữa, các xe trong dải ảnh hưởng được trang bị cụm thông hơi bình nhiên liệu, láp với bình nhiên liệu thông qua mặt bích.
Vì vậy, vết nứt này có thể lan rộng theo thời gian dẫn đến việc nhiên liệu sẽ rò rỉ ra ngoài. Tùy thuộc vào lượng nhiên liệu bị thoát ra ngoài và nếu phát sinh nguồn lửa dẫn tới cháy xe.
Hãng xe Thụy Điển Volvo cũng thông báo triệu hồi đối với 106.900 xe trên toàn cầuliên quan tới lỗi hệ thống phanh. Cụ thể, các mẫu xe gặp “vận đen” gồm: C40, XC40, S60, V60, XC60, V90 Cross Country và XC90. Đa số các mẫu xe bị triệu hồi để khắc phục lỗi có bán tại thị trường Việt Nam.
Volvo cũng đã đưa ra biện pháp khắc phục là cập nhật phần mềm BCM2 trực tuyến (OTA) miễn phí cho các mẫu xe bị ảnh hưởng, việc này sẽ được triển khai từ ngày ngày 20/2/2023.
Bảo Minh / Vietnamfinance