Chính trường Ukraine một lần nữa đối mặt với khủng hoảng khi có tới năm bộ trưởng cùng đệ đơn xin từ chức.
Dù đến ngày 4/2, bốn trong số năm bộ trưởng trên đã rút lại đơn, song điều này đã gây nên mối quan ngại không nhỏ cho các nước phương Tây và đặc biệt là Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) trong bối cảnh quỹ đang cân nhắc việc giải ngân khoản hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine.
Phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) đưa tin, ngày 4/2, IMF đã hoãn phân bổ đợt hỗ trợ tài chính tiếp theo cho Ukraine, vốn được dự kiến thực hiện vào tháng 2 năm nay. Dù lý do đưa ra là IMF và Kiev vẫn không thể nhất trí về phương án mới của bản ghi nhớ hợp tác, song không thể loại trừ tác động của các vụ từ chức nói trên vì trước đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã bày tỏ quan ngại về việc Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine từ chức kèm theo các cáo buộc chính phủ tham nhũng. Bà Lagarde tuyên bố nếu các cáo buộc đó là đúng sự thực thì những biện pháp chống tham nhũng mà Chính phủ Ukraine thi hành đã không có hiệu quả.
Tin Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Aivaras Abromavicius từ chức và cáo buộc chính phủ đã khiến nhiều nước châu Âu, Mỹ và Canada phải quan ngại, đồng thời kêu gọi lãnh đạo Ukraine phải gạt bỏ “mâu thuẫn vụ lợi” và hoàn toàn đoạn tuyệt với những “lợi ích cá nhân, đang kìm hãm sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua”.
Bốn bộ trưởng khác đệ đơn từ chức ngày 4/2 là người đứng đầu các bộ Nông nghiệp, Y tế, Thông tin và Phát triển Hạ tầng. Tuy trong phiên họp bất thường chính phủ cùng ngày, các bộ trưởng này đã rút lại đơn từ chức, và Thủ tướng Arseni Yaseniuk tuyên bố chính phủ đoàn kết và có “tinh thần đồng đội”, song Bộ trưởng Phát triển Hạ tầng đã đưa ra hàng loạt các điều kiện để ông rút đơn từ chức. Ông này yêu cầu phải có chính sách lương công chức công bằng, đấu tranh chống tham nhũng, công khai hoạt động mua sắm chính phủ, đảm bảo tính minh bạch trong mua sắm công.
Theo TTXVN/Tin tức