Tỷ phú Mikhail Fridman, nhà tài phiệt người Nga gốc Israel, đã đệ đơn yêu cầu Luxembourg bồi thường 16 tỷ USD vì quyết định đóng băng tài sản của ông sau khi ông bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Yêu cầu của ông Fridman, được đệ trình vào ngày 13/8, đã viện dẫn một hiệp ước năm 1989 giữa Bỉ, Luxembourg và Liên Xô nhằm bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư khỏi bị tịch thu hoặc quốc hữu hóa.
Trong đơn khiếu nại, nhóm luật sư của ông Fridman cáo buộc rằng các lệnh trừng phạt của EU đã được áp dụng mà không có quy trình hợp lệ và tài sản của ông vẫn bị đóng băng, khiến ông không thể quản lý hoặc hưởng lợi từ chúng và yêu cầu “bồi thường dựa trên giá trị thị trường hợp lý của các khoản đầu tư của ông”, mà nhóm luật sư cho biết “dự kiến thận trọng là không dưới 16 tỷ USD”.
Ông đồng thời cáo buộc Luxembourg đã vi phạm quyền bảo vệ mà ông được đảm bảo với tư cách là nhà đầu tư theo các điều khoản của hiệp ước năm 1989.
Ông Fridman đã bị trừng phạt vào năm 2022 sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, khi đó EU mô tả ông là “một nhà tài chính hàng đầu của Nga và là người hỗ trợ cho nhóm thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Ông Fridman là cổ đông lớn của Alfa Group, một trong những tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất của Nga. Ngân hàng Alfa của tập đoàn đã bị EU trừng phạt vào tháng 3/2022. Ông Fridman đã rời khỏi hội đồng quản trị với nỗ lực giúp ngân hàng này tránh được các lệnh trừng phạt.
Ông đã nộp đơn khiếu nại theo các quy tắc thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, yêu cầu vụ việc được xử lý tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC). Nhóm luật sư của ông bao gồm bà Cherie Blair, vợ của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Bộ Ngoại giao Luxembourg xác nhận ông Fridman đã khởi xướng thủ tục trọng tài chống nước này. “Chính phủ hiện đang trong quá trình phân tích khiếu nại và các bước tiếp theo với cố vấn pháp lý”, bộ này nêu rõ.
Trước đó, viết trên tạp chí The Spectator vào tháng 4, ông Fridman cho biết “tài sản và doanh nghiệp của ông ở Anh và EU (trên thực tế) đã bị quốc hữu hóa, không có bất kỳ khoản bồi thường nào và không có bằng chứng về bất kỳ hành vi sai trái nào ngoài quan điểm chủ quan của các công chức giấu tên”.
Ông Fridman và đối tác kinh doanh lâu năm của ông là tỷ phú Petr Aven đã giành được chiến thắng hiếm hoi trước các lệnh trừng phạt của EU vào tháng 4, khi các lệnh trừng phạt ban đầu đối với cặp đôi này được cho là đã được áp dụng mà không có đủ bằng chứng.
Trong phán quyết, Tòa sơ thẩm châu Âu cho biết những lý do Hội đồng châu Âu đưa ra ban đầu để áp lệnh trừng phạt với hai doanh nhân này không đủ thuyết phục. Do đó, tòa quyết định hủy những cáo buộc cũng như lệnh trừng phạt đối với hai tỷ phú Nga.
Và thực tế này buộc EU phải loại ông Fridman và Aven khỏi danh sách những người bị áp dụng các biện pháp hạn chế trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023.
Tuy nhiên, cả hai nhà tài phiệt này vẫn phải chịu các biện pháp trừng phạt vì lệnh trừng phạt đã được gia hạn vào tháng 3/2023. Ông Fridman và ông Aven đã kháng cáo việc gia hạn đó.
Các lệnh trừng phạt là trọng tâm của vụ án này, nghĩa là việc tìm ra một khu vực pháp lý chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, chẳng hạn như Hồng Kông, là điều quan trọng.
Theo tờ Investment Arbitration Reporter, vụ kiện của ông Fridman là vụ kiện trọng tài đầu tiên được biết đến chống lại Luxembourg.
Liên quan đến những động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga tin những biện pháp trừng phạt như vậy vừa bất hợp pháp vừa mang tính phá hoại, nhưng các doanh nhân có cơ hội khiếu nại.
Theo Politico, Reuters
Hải Đăng / Vietnamfinance