Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân can thiệp để thuyết phục Thủ tướng Canada Justin Trudeau miễn trừ cho Airbus và các công ty hàng không vũ trụ khác khỏi các lệnh trừng phạt đối với titan của Nga, hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho hay.
Yêu cầu nhạy cảm này được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng 3, vài tuần sau khi Canada trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên đưa công ty titan VSMPO-AVISMA của Nga vào danh sách những thực thể bị trừng phạt vì được cho là có quan hệ với tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga. Theo đó, Canada không cho phép nhập khẩu titan của VSMPO-AVISMA vào nước này.
Điều này khiến hãng sản xuất máy bay Airbus có trụ sở tại Pháp và các hãng khác vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga tại các nhà máy ở Canada lo ngại. Airbus phụ thuộc phần lớn vào kim loại chiến lược này trong sản xuất các dòng máy bay phản lực tầm xa.
Một nguồn tin thân cận với nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông Macron đã có “nỗ lực đáng kể” để thuyết phục Thủ tướng Canada Trudeau cấp quyền miễn trừ cho các công ty châu Âu.
“Nhiều thông điệp đã được truyền đi ở mọi cấp độ”, nguồn tin nói thêm, đề cập đến áp lực ngoại giao từ phía Pháp.
Một nguồn tin Canada quen thuộc với vấn đề này cho biết ông Macron đã nêu chủ đề này trong cuộc gọi với ông Trudeau vào ngày 29/3 trước chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, người cũng đã đề cập đến vấn đề này khi ông ở Canada.
Chính quyền Canada ban đầu được cho là khá kiên quyết giữ nguyên lệnh cấm, nhưng sau đó đã sửa đổi chính sách của mình.
Chính phủ Canada ngày 23/4 đã cho phép hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu sử dụng titan của Nga trong hoạt động sản xuất, mặc dù lệnh cấm của Ottawa đối với mặt hàng kim loại chiến lược này vẫn đang có hiệu lực. Theo đó, các nhà máy của Airbus tại Canada được linh hoạt sử dụng titan.
Vướng nhiều trở ngại
Những cuộc tranh luận giữa các lãnh đạo cấp cao để giữ cho titan của Nga được lưu thông cho thấy các quốc gia phương Tây đang gặp khó khăn như thế nào trong việc trừng phạt Nga mà không làm tổn hại đến chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp quan trọng.
VSMPO-AVISMA do tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec sở hữu 25% trước đây là nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới. Vật liệu này có độ bền và trọng lượng nhẹ khiến nó trở nên lý tưởng cho các bộ phận chịu áp lực cao, như bộ phận động cơ và thiết bị hạ cánh cho máy bay phản lực lớn.
Quyết định bất ngờ của Canada được đưa ra trùng với dịp tròn 2 năm ngày Moscow đưa quân tới Ukraine.
Một nguồn thạo tin cho biết các cuộc gọi khẩn cấp tới Ottawa bắt đầu “ngay lập tức, theo đúng nghĩa đen là trong cùng ngày công bố lệnh cấm”.
Airbus được cho là vướng phải trở ngại lớn nhất. Tất cả thiết bị hạ cánh cho máy bay phản lực A350-1000 hàng đầu của hãng đều đến từ một nhà máy duy nhất ở Ontario tại Canada.
Các lệnh trừng phạt của Canada cũng có thể gây thiệt hại cho đối thủ Boeing của Airbus, nhưng nhà sản xuất máy bay Mỹ đã tránh được sự gián đoạn nhờ một quyền miễn trừ riêng được trao cho nhà cung cấp thiết bị của Pháp Safran, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Safran cho biết vào tháng trước rằng họ đã giành được quyền miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Canada trong một động thái mà các chuyên gia chuỗi cung ứng cho rằng sẽ cho phép họ tiếp tục cung cấp thiết bị hạ cánh cho Boeing 787.
Việc chặn các ngành công nghiệp tiếp cận titan của Nga và các khoáng sản quan trọng khác được sản xuất ở các nước như Trung Quốc được xem là khá khó khăn.
Ông Kevin Michaels, giám đốc điều hành của AeroDynamic Advisory cho biết: “Vấn đề là một nhà máy titan mới phải mất nhiều năm để xây dựng và có thể mất một hoặc hai năm để được chứng nhận”.
Trong khi phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, trước đây họ đã tránh chặn việc tiếp cận các hợp kim và vật rèn chuyên dụng của VSMPO vì sợ làm tổn hại đến ngành hàng không vũ trụ của nước này.
Canada chưa cho biết khi nào quyền miễn trừ sẽ hết hạn nhưng một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch này cho biết họ đã cho ngành này thời hạn ba năm.
Theo Reuters
Minh Đăng / Vietnamfinance