Người dân Ukraine không còn muốn Crimea quay trở về mà đổi sang lo lắng khi Thủ tướng muốn bán hết đất công cho tài phiệt lấy tiền thuế.
Theo hãng tin RIA Novosti, kết quả một cuộc khảo sát do truyền thông Ukraine thực hiện được công bố trên trang web chính của kênh truyền hình 112 Ukraine cho thấy gần ¾ người dân nước này coi khả năng Crimea quay trở về với Kiev là điều không thể.
Cụ thể, những người truy cập trang web của “112 Ukraine” được yêu cầu trả lời câu hỏi “Liệu Crimea có được trả lại cho Ukraine?” với 3 phương án lựa chọn như sau:
Phương án 1 là “Có nhưng Ukraine phải chịu những áp lực chính trị và kinh tế liên tục từ phía Nga”; phương án 2 là “Không. Nga sẽ không đời nào làm điều đó”; cuối cùng là “Có thể, nhưng không phải trong tương lai gần”.
Kết quả khảo sát đã gây thất vọng cho chính quyền Kiev – 72% số người tham gia khảo sát chấp nhận mất khu vực này vào tay Moscow, hơn 15% số người tham gia cho rằng Crimea có thể được trả lại cho Ukraine sau một thời gian dài nữa và chỉ có 12% số người được hỏi vẫn ảo tưởng Crimea vẫn là một phần của Ukraine.
Trong khi đó, điều làm cho phần lớn người dân Ukraine đang quan tâm lo lắng hiện nay là phần đất công mà có thể là đất nông nghiệp sẽ bị bán cho đại gia để lấy tiền thuế đóng vào ngân sách nhà nước. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 28/2 đã đưa ra đề nghị bán đấu giá 1 triệu ha đất công, theo RIA Novosti.
Theo vị Thủ tướng Ukraine, hiện nay ở Ukraine rất nhiều diện tích đất công không được khai thác hiệu quả, hoặc bị khai thác trái phép mà chính quyền địa phương không kiểm soát nổi. Vì vậy, ông cho rằng cần phải rao bán đất công dưới hình thức đấu giá để lấy tiền thu ngân sách.
Ông Yatsenyuk cho rằng, đó cũng là một bước trong tiến trình cải cách luật pháp về đất đai. Theo ý kiến của ông Yatsenyuk, trước tiên cần rao bán thí điểm 1 triệu ha đất công.
Tuy nhiên, sáng kiến này đang gây thắc mắc trong công chúng và giới truyền thông, vì Thủ tướng Yatsenyuk không nói rõ là ông muốn bán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên hay đất thổ cư.
Sau khi thủ tướng Yatsenyuk đưa ra đề nghị này, nhiều đảng phái chính trị tại Ukraine đã phản đối quyết liệt. Đa phần các đảng này lo ngại việc rao bán đất sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm vì các cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ “xâm lấn” Ukraine qua hình thức mua đất.
Cựu Thủ tướng Ukraine, Lãnh đạo Đảng Tổ Quốc, bà Tymoshenko, trong cuộc họp báo do đảng này tổ chức 29/2 đã phát biểu: “Ukraine có 42 triệu ha đất nông nghiệp màu mỡ, có thể sản xuất lương thực không chỉ đủ ăn cho người dân trong nước mà còn có thể trợ giúp các quốc gia láng giềng nếu cần. Tuy nhiên, hiện tại đất của Ukraine có giá thấp hơn 32 lần so với mức trung bình của EU: chỉ 500 USD/ha so với 16.000 USD/ha ở EU. Đặc biệt, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa có khung pháp lý phù hợp luật pháp quốc tế về mua bán đất”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine vẫn đang tiếp tục bày tỏ thái độ bất mãn với Tổng thống Petro Poroshenko khi cho rằng bất ổn chính trị vẫn đang xảy ra ở quốc gia này.
Trao đổi trên chương trình truyền hình “10 phút với Thủ tướng” hôm 28/2 và sau đó được website của Chính phủ dẫn lại, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nhắc lại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ tại Quốc hội diễn ra vào giữa tháng 2 vừa qua, đồng thời cho rằng: “Chính phủ hợp pháp hoàn toàn hợp pháp và tiếp tục làm việc. Nhưng sự bất ổn chính trị vẫn còn và cần phải chấm dứt”.
Theo Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, trách nhiệm về sự bất ổn trong nước thuộc về Tổng thống, các đảng phái cũng như các lực lượng chính trị khác trong liên minh “Châu Âu – Ukraine”.
Ông Yatsenyuk tự nhận xét rằng: “Chính phủ hiện tại trong năm qua đã làm được nhiều hơn bất kỳ chính phủ nào của Ukraine trong 20 năm qua. Nội các bị các phe phái trong nước tấn công liên tục, những người muốn giảm quyền lực Chính phủ”.
Còn đáp lại với việc Crimea trở về Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko còn hứa hẹn trong một nỗ lực kết nối với châu Âu, kêu gọi Mỹ và EU không giảm bớt các lệnh trừng phạt Nga.
“Có một số ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt đang không có hiệu lực, rằng nó đang gây thiệt hại cho châu Âu hơn là cho Nga.
Không, lệnh trừng phạt không chỉ là sự trừng trị, mà còn là công cụ để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán bởi không còn công cụ nào khác”, ông Poroshenko nói. Tổng thống Poroshenko cũng liên tục cáo buộc chính quyền Liên bang Nga tìm cách chia rẽ châu Âu.
Đông Phong
Theo Đất Việt