Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay, Bộ Tài chính Đức đang lên kế hoạch đưa ra một loại thuế đặc biệt nhằm giảm bớt 33% lợi nhuận tăng thêm của các công ty năng lượng.
Được biết, khoản thuế này được gọi là “khoản đóng góp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU)”, có khả năng sẽ được tiến hành từ cuối năm nay.
Các công ty dầu mỏ, than đá và khí đốt cũng như các nhà máy lọc dầu có lợi nhuận trong năm nay và năm tới vượt quá 20% hoặc hơn mức trung bình trong giai đoạn 2018-2021 sẽ chịu ảnh hưởng bởi khoản thuế này.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản thuế này có thể tạo ra doanh thu từ 1 tỷ USD đến 3 tỷ USD.
Berlin hiện đã đàm phán về khoản thuế ở cấp Liên minh châu Âu và đã xem xét một số cách để thực hiện kế hoạch này.
“Các điều luật của châu Âu khiến chúng ta gặp khó khăn trong luật thuế của Đức, nhưng kế hoạch này cần phải được thực hiện. Bộ Tài chính đang đưa ra đề xuất với quốc hội về cách thực hiện điều này một cách có trách nhiệm nhất về mặt hiến pháp”, Bộ trưởng Tài chính Christian Linder phát biểu.
Các chuyên gia luật thuế cũng cho rằng khoản thuế này có thể bị thách thức về mặt pháp lý vì vi phạm nguyên tắc chung về bình đẳng, thông qua việc đối xử bất bình đẳng một cách phi lý đối với các công ty năng lượng nói riêng.
Tuy nhiên, theo hai báo cáo khoa học của Bundestag, khoản thuế đầy “bất ngờ” này có thể xảy ra ở Đức một cách hợp pháp.
Hôm 22/11, Đức đã công bố một khoản thuế khác sẽ áp dụng cho lợi nhuận thu được từ tiền điện, áp dụng từ đầu tháng 9/2022 và sẽ kéo dài đến tháng 6/2023
Các nhóm vận động hành lang về năng lượng tái tạo và truyền thống của Đức được cho là đã chỉ trích cả hai loại thuế này là quá quan liêu và khó khả thi.
Trước đó, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, Đức đã thông qua một “lá chắn thuế năng lượng”, áp dụng từ năm 2023.
Theo dự thảo cuối cùng được Chính phủ Đức công bố, biện pháp giới hạn giá khí đốt sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023 đối với các công ty lớn và từ ngày 1/3/2023 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc hỗ trợ hồi tố cho các hóa đơn từ tháng 2/2022 cũng được xem xét.
Chính phủ sẽ trợ cấp 80% mức tiêu dùng của các hộ gia đình. Ngoài khối lượng này, các cá nhân sẽ phải mua khí đốt theo giá thị trường. Việc giới hạn mức giá dự kiến sẽ có hiệu lực cho đến tháng 4/2024.
Khánh Lê / Theo Ruptly / Vietnamfinance