Nga từ lâu đã coi hạm đội tàu phá băng nguyên tử có tầm quan trọng chiến lược cùng với đó là kế hoạch xây dựng tuyến đường biển phương Bắc (NSR).
Ngày 23/11, tại nhà máy đóng tàu Baltic (St. Petersburg), Nga đã cho hạ thủy tàu phá băng nguyên tử ‘Yakutia’ – chiếc thứ 4 thuộc lớp Arktika, dự án đầy tham vọng của Moskva nhằm mở ra tuyến đường biển phương Bắc (NSR) ở rìa Bắc Cực nối từ châu Âu đến châu Á, RT đưa tin.
Cũng trong cùng ngày, Nga cũng thực hiện lễ thượng cờ tàu phá băng nguyên tử Ural (chiếc thứ 3 lớp Arktika).
Con đường ngắn nhất đến châu Á
Sự quan tâm của Moskva đối với NSR có thể thấy rõ qua việc Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ hạ thủy Yakutia qua một cầu truyền hình trực tiếp.
Phát biểu trong buổi lễ hạ thủy Yakutia, Tổng thống Vladimir Putin cho biết đây không chỉ là nỗ lực giúp đảm bảo hoạt động hàng hải quanh năm ở Bắc Cực mà còn biểu thị cho “sức mạnh tại khu vực Bắc Cực” của Nga.
Ông Putin nhấn mạnh vai trò của những tàu phá băng “trong hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển Bắc Cực, để đảm bảo hàng hải an toàn, bền vững trong khu vực này, tăng cường giao thông dọc theo NSR”. “Việc phát triển hành lang giao thông quan trọng nhất này sẽ cho phép Nga khai thác triệt để hơn tiềm năng xuất khẩu của mình và thiết lập các tuyến hậu cần hiệu quả, bao gồm cả đến Đông Nam Á”.
Moskva từ lâu đã coi hạm đội tàu phá băng nguyên tử có tầm quan trọng chiến lược cùng với đó là tuyến đường biển phương Bắc, nó đóng vai trò đặc biệt giúp các vùng lãnh thổ cực bắc của Nga “thoát” khỏi bị cô lập về mặt địa lý cũng như mang đến hải trình ngắn hơn từ châu Âu đến châu Á và ngược lại.
Thống kê cho thấy, trong năm 2021, một lượng hàng hóa kỷ lục gần 33 triệu tấn đã đi qua NSR, phần lớn là các tàu chở dầu và khí hóa lỏng. Năm nay, con số này có thể đạt 33,8 triệu tấn, theo Rosatom – Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga.
Tàu Ural được hạ thủy vào năm 2019 và dự kiến sẽ hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên biển và được bàn giao trong tháng 12 cho Atomflot, tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm vận hành toàn bộ hạm đội hạt nhân dân sự của Nga. Còn Yakutia dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Arktika – chiếc đầu tiên của lớp tàu phá băng nguyên tử này được đưa vào hoạt động vào năm 2020 và là tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng cộng có 5 tàu lớp Arktika đã được đóng hoặc đang hoàn thiện, Nga dự định đóng thêm hai chiếc khác trong thời gian tới.
Tàu phá băng nguyên tử lớp Arktika có lượng giãn nước 33.500 tấn, dài 173 m có thể dễ dàng di chuyển ở những vùng biển có lớp băng dày lên đến 3 m. Mỗi tàu được trang bị hai hệ thống lò phản ứng hạt nhân RITM-200 có công suất lên tới 60 MW.
Một tàu Arktika có vòng đời lên đến 40 năm và chỉ cần thay lõi phản ứng sau mỗi 7 năm hoạt động.
Nga cần bao nhiêu tàu phá băng?
Theo High North News, trong một tuyên bố vào tháng 10, Tổng cục trưởng NSR Vladimir Arutyunyan đưa ra cảnh báo Nga đang đối mặt với việc thiếu tàu phá băng khi lưu lượng tàu chở hàng trên hải trình này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Ông Arutyunyan cũng nói thêm rằng, kể cả khi tàu Ural đi vào hoạt động thì nó đã được công ty Vostok Oil thuê trọn gói. Các tàu tiếp theo thuộc lớp Arktika phải đến năm 2024 và 2026 mới đi vào hoạt động.
Đến năm 2030, Nga đặt mục tiêu mở rộng hạm đội tàu phá băng lên 13 chiếc – trong đó có 9 tàu phá băng nguyên tử, đáp ứng được một phần cho tuyến NSR. Cùng với đó là nâng lưu lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường biển này lên hơn 150 triệu tấn – gấp 3 lần so với năm 2022
Trong khi một số tham vọng về các dự án dầu khí ở Bắc Cực của Nga có thể phải bị hạn chế do lệnh trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như Arctic LNG 2 của Novatek, thì các dự án khác đang được tiến hành đúng tiến độ, bao gồm cả dự án Vostok Oil.
Các luồng vận chuyển dầu và khí đốt trong tương lai có thể sẽ hướng về phía đông vì châu Âu hướng tới việc cắt giảm toàn bộ việc nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ Nga, đặc biệt là dầu mỏ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hạm đội tàu phá băng ở vùng cực bắc Trái Đất, chúng sẽ mắc xích quan trọng giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đối tác chiến lược của Moskva ở châu Á.
Trên thực tế, một chuyến hàng chở dầu mở từ phương Bắc nước Nga di chuyển dọc theo NSR đã đến châu Á và cập cảng Nhật Chiếu của Trung Quốc vào tuần trước
Dù vậy, xung đột ở Ukraine đang ít nhiều ảnh hưởng đến những mục tiêu mà Nga đặt ra đối với NSR. Trong những năm trước đó, khoảng 1/3 tàu vận tải lựa chọn hải trình này không đến từ Nga thì trong năm 2022 chỉ một số ít tàu nước ngoài đi tuyến đường này.
Ngay cả Tập đoàn Vận tải biển Trung Hoa của Trung Quốc – một đối tác thân thiết của NSR trong suốt 10 năm qua (khoảng 15 chuyến mỗi năm vào mùa hè) thì trong năm 2022 cũng ngừng di chuyển qua tuyến hải trình của Nga.
Không chỉ người Nga bận rộn ở Bắc Cực
Theo High North News, Nga đặt ra một tham vọng lớn khi “xây dựng” thành tuyến hàng hải quốc tế kết nối các khách hàng từ châu Âu đến châu Á và ngược lại. Tuy nhiên, giấc mơ này của Moskva có thể sẽ không thành và trong tương lai NSR chỉ có thể tồn tại dựa vào các tàu chở dầu hoặc khí hóa lỏng đến châu Á.
Ở chiều hướng ngược lại, tuyến hàng hải Hành lang Tây – Bắc (NWP) của Canada đang được nhiều đối tác lựa chọn hơn khi muốn đi tắt qua Bắc Cực để đến Thái Bình Dương. Điều này thấy qua việc NWP đón 17 chuyến tàu thương mại quá cảnh qua hải trình, tăng đáng kể so với những năm trước đó.
Điều khiến NWP trở nên đặc biệt hơn NSR là việc nó đón thêm được các tàu du lịch chứ không giới hạn với các tàu chở hàng.
Một lợi thế khác của Canada khi khai thác tuyến NWP đó là việc băng ở Bắc Cực sẽ tan nhanh hơn trong những thập kỷ tới. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng tuyến đường biển đi tắt qua Bắc Cực sẽ tấp nập hơn trước cùng với việc băng tan nhanh hơn so với dự báo ban đầu.
Các nghiên cứu cũng cho phép xác định các khoảng thời gian nhất định trong năm tàu chở hàng hoặc tàu du lịch thông thường có thể hoạt động ở Bắc Cực mà không cần tới tàu phá băng đối với cả hai chiều.
Với tốc độ băng tan hiện nay, đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên các tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn.
Tám nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Tuy nhiên, chỉ có 6 nước trong số này hưởng quy chế duyên hải Bắc Cực, gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này nhưng không có duyên hải Bắc cực là Thụy Điển và Phần Lan. Trong đó, Nga chiếm ưu thế vượt trội khi sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc cực.
TRÀ KHÁNH(RT, High North News) / VTC News