Mexico đã và đang ở một vị thế rất thuận lợi trong quan hệ giao thương với Mỹ. Nước này hiện đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Washington.
Ảnh minh hoạ.
Đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ
Căng thẳng Mỹ-Trung đang điều chỉnh lại thương mại toàn cầu, khi Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ các “đối thủ” đồng thời tìm nguồn nhập khẩu từ những quốc gia gần mình hơn. Do đó, Mexico, quốc gia láng giềng phía Nam của Mỹ đáp ứng cả 2 yêu cầu trên, đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Washington.
Theo dữ liệu trung bình xuất nhập khẩu của Mỹ do Bloomberg tổng hợp, Trung Quốc chiếm khoảng 14,6% tỷ lệ hàng nhập khẩu của Mỹ tính tới tháng 7/2023, trong khi tỷ lệ nhập khẩu từ Mexico của Mỹ đã vượt trên 15% vào tháng 7.
Tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Mexico trong giai đoạn 2017-2023 đã tăng đáng kể, trong đó tỷ trọng đồ uống và thuốc lá nhập khẩu tăng mạnh hơn bất kỳ danh mục nào khác, từ mức 20% năm 2017 lên tới 35% vào năm 2023, đạt tổng giá trị tới 151 tỷ USD.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu máy tính và điện tử từ Mexico sang Mỹ cũng đạt tổng giá trị tới 81 tỷ USD, là ngạch nhập khẩu lớn thứ 2.
Bên cạnh xuất khẩu đang hồi phục, Mexico tự hào có đồng tiền mạnh nhất thế giới trong năm nay và là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng hơn 40% vào năm 2023, thậm chí trước cả khi Tesla bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỷ USD.
Kể từ khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào những năm 1990, đất nước này mới có được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như hiện nay.
Hành trình “thoát nghèo” đầy gian nan
Để có được vị thế như hiện tại, Mexico cũng từng bỏ qua những thời điểm vàng và phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong những thập kỷ qua.
Kể từ năm 1994, năm NAFTA có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng trung bình của Mexico là khoảng 2% một năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nền kinh tế đang phát triển và không đủ để giúp hàng triệu người Mexico thoát nghèo. Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Ba Lan là 3 ví dụ về các quốc gia nghèo hơn Mexico vào đầu thế kỷ này và hiện đã giàu hơn đáng kể.
Chính phủ của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã nhiều lần xung đột với lợi ích kinh doanh khi tìm cách củng cố vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Các công ty Mexico tỏ ra ngần ngại trong việc vay mượn và thực hiện các khoản đầu tư có thể biến đà tăng trưởng bùng nổ thành một điều gì đó lâu dài hơn.
Trong khi đó, các khoản đầu tư mà Mexico nhận được, thay vì giải quyết được các vấn đề về cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lại khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn do mạng lưới điện truyền tải thất thường, không gian công nghiệp hạn chế và khan hiếm nước.
Ông Pedro Campa Eliopulos, giám đốc điều hành công nghệ ở trung tâm công nghiệp phía bắc Monterrey, là người hiểu rõ về những hạn chế và tiềm năng phát triển của Mexico.
Ông Campa cho biết, thời điểm Tesla tìm kiếm một nhà cung cấp để chế tạo “bộ não” cho xe điện của mình, những máy tính kết nối với vệ tinh, cho phép lái xe tự động, ở một nơi gần hơn Trung Quốc, một nhà máy của Quanta Computer tại Monterrey, bang Nuevo León (Mexico) đã đáp ứng được các yêu cầu.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất tại nhà máy này liên tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện khiến năng suất bị giảm một phần do lưới điện của thành phố phải vật lộn để theo kịp các ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.
Có thời điểm, ông Campa cho rằng Mexico sẽ đánh mất những cơ hội kinh tế vì cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được những yêu cầu về đầu tư và sản xuất.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Mexico đã “lột xác”.
Lực thúc đẩy từ nguồn các nhà đầu tư lớn
Theo công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới CBRE, ở Monterrey, không gian công nghiệp đã tăng 30% kể từ năm 2019.
Điều này một phần ược thúc đẩy từ thông tin Tesla xây dựng nhà máy ở đây, kéo theo hàng loạt công ty cung cấp linh kiện cho nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới cũng “đua nhau” ở nhà máy ở quanh khu vực này.
Đơn cử, có thể kể tới tập đoàn AGP sản xuất kính chắn gió, DSBJ của Trung Quốc sản xuất các bộ phận điện tử, Brembo SpA của Ý sản xuất phanh – và tất cả họ đều đang thành lập hoặc mở rộng nhà máy.
Theo Iván Rivas Rodríguez, bộ trưởng kinh tế của bang, hơn 30 công ty đã chuyển đến Nuevo León kể từ khi Tesla công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Texas và Nuevo León.
Ngoài lực thúc đẩy từ Tesla, còn có các khoản đầu tư khác từ General Motors, Kia Motors và BMW kể từ năm 2021.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử và gia dụng đang mở rộng ở miền trung đất nước. Bên kia biên giới với California, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và nhựa cũng đang phát triển vượt trội.
Nhờ các khoản đầu tư lớn, các khu công nghiệp của Mexico được lấp đầy một cách nhanh chóng. Theo Hiệp hội các khu công nghiệp tư nhân Mexico, trên toàn quốc, tỷ lệ tuyển dụng đã giảm xuống 2,1% vào năm ngoái.
Ở Monterrey, để có được hợp đồng thuê nhà thường phải cam kết 10 năm. Hiệp hội ước tính khoảng 3/4 số người thuê nhà là các công ty nước ngoài. Và một cuộc khảo sát của ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha cho thấy 1/5 số người mới đến là các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhà phát triển bất động sản công nghiệp Corporación Inmobileiaria Vesta SAB đã huy động được gần 450 triệu USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ vào tháng 7, đây là đợt chào bán lớn nhất của một công ty Mexico trong hơn một thập kỷ và cho biết họ đang đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào máy móc và thiết bị của doanh nghiệp kể từ năm 1993 cũng giúp tăng cường hiệu suất của các nhà máy tại Mexico, giúp quốc gia này cải thiện dần môi trường kinh doanh.
Vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội
Mặc dù đã cải thiện được vị thế trong mắt các nhà đầu tư, nhưng Mexico vẫn chưa thể hoàn toàn tận dụng hết các cơ hội của mình.
Một ví dụ điển hình là việc đầu tư vẫn chỉ tập trung quanh Nuevo León – bang có biên giới với bang Texas (Mỹ), trong khi bang này còn nhiều hạn chế về tài nguyên thiên nhiên.
Một đợt hạn hán năm ngoái đã khiến các hồ chứa gần như cạn nước và hàng nghìn cư dân không có nước uống. Ngành công nghiệp địa phương phải chấp nhận một phần nhỏ nguồn cung cấp của bang và chính phủ đang chạy đua xây dựng một hệ thống dẫn nước mới để đưa nước đến Monterrey.
Sau đó là câu hỏi liệu đầu tư trong nước có tăng lên hay không – điều này có thể giúp truyền bá lợi ích sang các vùng lân cận và chuyển nền kinh tế sang con đường tăng trưởng nhanh hơn. Nếu không có nguồn đầu tư mới, một số nhà kinh tế cho rằng Mexico sẽ chỉ nhập khẩu thêm linh kiện để lắp ráp xuất khẩu với rất ít giá trị gia tăng trong nước.
Ngân hàng đầu tư ở Bắc Mexico, Banco Base SA ghi nhận lượng sổ cho vay của mình tăng khoảng 75% trong 5 năm qua. Gabriela Siller, giám đốc phân tích kinh tế của ngân hàng cho biết, điều đó một phần nhờ vào sự quan tâm mới đến việc xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng bà lo ngại rằng Mexico không tận dụng tối đa nguồn đầu tư mới nhất này.
“Giáp biên Mỹ là một cơ hội ở Mexico, một cơ hội mà chúng ta chưa tận dụng hết”, bà Siller nói. Bà cho biết, vì những lý do bao gồm lãi suất cao và nền kinh tế phi chính thức cố thủ, khiến các doanh nghiệp nhỏ e dè việc sử dụng tín dụng để mở rộng. Ngoài ra, bà Siller cũng cho rằng các khoản đầu tư có tính tập trung (như tại Nuevo León), khiến các vùng khác bị yếu thế.
Về cơ bản, đây cũng chính là vấn đề mà Tổng thống Mexico López Obrador đang nỗ lực giải quyết.
Ông López Obrador nói với các phóng viên vào tháng 4: “Chúng tôi đang tìm cách để Mexico tăng trưởng “theo chiều ngang”. Ông đã nhiều lần chỉ ra tình trạng thiếu nước ở những nơi như Nuevo León là một loại vấn đề nảy sinh khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và dân số bị chênh lệch.
Mexico nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thế giới với cái gọi là maquilas, là các nhà máy mọc lên ngay từ những năm 1960, chủ yếu dọc theo biên giới Mỹ. Đó là một mô hình sản xuất dây chuyền lắp ráp có lợi nhuận, sử dụng lao động lương thấp.
Dưới thời NAFTA, xuất khẩu được thúc đẩy thêm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các thành phố phía bắc như Monterrey. Nhưng thỏa thuận thương mại cũng tạo điều kiện cho sự gia tăng nhập khẩu ngô và các loại thực phẩm khác do Mỹ trồng, khiến việc canh tác quy mô nhỏ trở nên kém khả thi hơn và khắc sâu khoảng cách giàu nghèo giữa miền bắc và miền nam.
Nổi tiếng là người nắm giữ hầu bao công rất chặt chẽ, nhưng Tổng thống López Obrador cũng đã tạo ra một ngoại lệ đối với các khoản đầu tư công nhằm mục đích khơi thông kinh tế cho các vùng ở miền nam Mexico. Các dự án đang được tiến hành bao gồm tuyến đường sắt nối Vịnh Mexico và Thái Bình Dương, có tên gọi là Hành lang liên đại dương. Các quan chức dự tính tuyến đường này sẽ giúp tạo ra nhiều khu công nghiệp mới và thậm chí có thể cạnh tranh với Kênh đào Panama.
Vấn đề là, tất cả những địa điểm này đều cách Mỹ khá xa, và chính quyền Mexico dường như chưa thể tạo ra ưu thế đủ lớn để thuyết phục nhà đầu tư về việc họ sẽ phải đi xa hơn khi đầu tư vào những khu vực phía nam đất nước.
Tuy nhiên, theo Gerardo Esquivel, cựu phó giám đốc ngân hàng trung ương Mexico, nhờ “địa lý và hiệp định thương mại tự do” với Mỹ, Mexico sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn “ngay cả khi Mexico không làm gì cả”.
Ông Esquivel tỏ ra lạc quan về sự thúc đẩy mà nền kinh tế Mexico sẽ nhận được từ việc gần Mỹ, trích dẫn các ước tính rằng điều này có thể giúp tăng thêm tới 0,7% GDP mỗi năm.
“Nghe có vẻ ít nhưng thực tế không phải vậy, vì chúng tôi tăng trưởng 2% mỗi năm. Mức tăng trưởng 2,7 – 3%/năm là một điều tuyệt vời”, ông Esquivel nhận định.
Quỳnh Anh / Vietnamfinance
Theo Bloomberg