Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa trở về Washington sau kỳ nghỉ tại Hawaii, bắt đầu 3 tuần cuối cùng tại Nhà Trắng trước khi người kế nhiệm Donald Trump nhậm chức.
Tổng thống Obama còn chưa đầy 3 tuần để củng cố những di sản của ông. AP cho biết ông sẽ dồn sức để bảo vệ Obamacare, đạo luật bảo vệ sức khỏe mà người kế nhiệm Donald Trump không ủng hộ. Ông cũng chuẩn bị cho bài phát biểu cuối cùng trước người dân và hoàn tất công cuộc chuyển giao quyền lực.
Ngày 10/1 tới, theo đúng truyền thống được thiết lập từ thời tổng thống đầu tiên George Washington, ông Obama sẽ có bài phát biểu từ biệt. Tổng thống Obama sẽ đọc bài diễn văn này từ McCormick Place, trung tâm hội nghị tại quê nhà Chicago của ông.
“Tôi coi đây là cơ hội để cảm ơn các bạn về hành trình phi thường vừa qua, để tôn vinh những điều mà các bạn đã làm đất nước này tốt đẹp hơn trong 8 năm qua và nói lên suy nghĩ của tôi về những ngày sắp tới”, ông Obama viết trong một email gửi những người ủng hộ.
Chuyến đi đến Chicago là lần cuối cùng ông Obama rời khỏi Washington trên cương vị tổng thống.
Khi Obama bước vào Nhà Trắng cách đây 8 năm, đội ngũ của ông không tiếc lời ca ngợi cựu tổng thống George W. Bush vì đã sắp xếp một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, giúp Obama tiếp quản bộ máy chính quyền liên bang khổng lồ.
Chính quyền Obama cũng hứa điều tương tự với Trump dù công cuộc chuyển giao quyền lực của hai người tới lúc này gặp không ít trở ngại.
Nhóm chuyển giao quyền lực của 2 bên mâu thuẫn sau khi cộng sự của Trump yêu cầu những thông tin mà phía Obama sợ rằng sẽ được dùng để loại bỏ các nhân viên làm việc trong lĩnh vực ưu tiên của Obama, như biến đổi khí hậu hoặc quyền của các nhóm thiểu số ở nước ngoài.
Trong khi đó, đội ngũ của Trump hẳn không thể hài lòng khi thấy ông Obama ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với việc khai thác dầu và khí đốt ở một khu vực rộng lớn thuộc Bắc cực và Đại Tây Dương.
Lệnh cấm của Obama dựa vào Luật Thềm lục địa năm 1953 của Mỹ. Nếu muốn lật lại lệnh này, ông Trump phải kiện ra tòa và quy trình pháp lý để đảo ngược lệnh cấm sẽ kéo dài nhiều năm.
Tương tự, ông Obama cũng cho thành lập Khu tưởng niệm Quốc gia Bears Ears ở bang Utah – bảo vệ khu vực này khỏi các hoạt động khai khoáng, dầu mỏ và chuyển thêm tù nhân khỏi nhà tù Vịnh Guantanamo.
Chính quyền Obama còn “chọc tức” Trump bằng việc vắng mặt trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, từ đó cho phép Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết lên án Israel – đồng minh lâu năm của Mỹ. Căng thẳng càng dâng cao khi ông Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ nhằm giúp ông Trump chiến thắng.
Ngày mai, 4/1, Tổng thống Obama sẽ đến Quốc hội để gặp các nghị sĩ của đảng Dân chủ. Đây là lần cuối cùng ông gặp những người đồng đảng trên cương vị tổng thống. Các nghị sĩ đảng Dân chủ được cho là đang bàn thảo chiến lược để ngăn chặn việc Trump lật lại đạo luật Obamacare bằng việc lợi dụng sự chia rẽ bên trong đảng Cộng hòa.
Cũng trong tuần này, Tổng thống Obama sẽ bắt đầu chia tay một số cộng sự của mình. Khối lượng lớn nhân viên chính quyền ông Obama không thể rời nhiệm sở cùng lúc, tức ngày 20/1, vì vậy họ sẽ ra đi từ từ. Bắt đầu từ tuần này, một số người sẽ lẳng lặng giao nộp lại chiếc điện thoại Blackberry và tắt máy tính lần cuối cùng. Đến ngày 20/1, số nhân viên còn lại bên Obama sẽ ít hơn bây giờ rất nhiều.
Phương Thảo
Theo Zing