Các tài liệu của Nhà Trắng công bố ngày 1-4 cho thấy ông Michael Flynn – cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã giấu nhẹm chuyện nhận tiền từ các công ty Nga.
Ngày 31-3, trong một bản kê khai tài chính có ký tên, ông Flynn đã thừa nhận nhận tiền từ người Nga, bao gồm cả các bài phát biểu cho đài truyền hình RT-TV và Volga-Dnepr Airlines được chính phủ Nga bảo trợ.
Ông Flynn tiếp tục giữ sự việc trong mơ hồ khi không tiết lộ đã nhận chính xác bao nhiêu tiền của Nga, nhưng tiền thù lao cho các bài phát biểu này được xếp vào mục “các nguồn bồi dưỡng vượt quá 5.000 USD mỗi năm”.
Liên tục che giấu
Trước đó, đã râm ran chuyện ông Flynn nhận tiền từ các công ty Nga từ năm 2015, trong đó có số tiền hơn 22.000 USD từ hãng bảo mật Kaspersky và hãng hàng không Volga-Dnepr Airlines của Nga.
Hai khoản tiền này đều không được nhắc tới trong bản kê khai tài chính do chính ông Flynn ký tên và công bố ngày 31-3. Thế nhưng, điều đáng chú ý là tất cả những khoản tiền này đều không xuất hiện trong bản khai tài chính của ông Flynn hồi tháng 2 vừa qua, tức thời điểm trước khi ông từ chức, theo Reuters.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lần nữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ – người từng được ông Donald Trump tin tưởng – lại một lần nữa nói dối về mối quan hệ với Nga.
Cựu trung tướng lục quân Flynn đã phải từ chức ngày 13-2 vì khai man chuyện qua lại với người Nga trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Mới đây, ông Flynn lại trở thành tâm điểm chú ý khi ra điều kiện “được miễn tội” để ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ.
Chuyện này đã ngay lập tức “tiếp thêm lửa” cho các nghị sĩ Dân chủ tấn công tới tấp vào ông Flynn và bộ sậu của chính quyền Donald Trump, giữa lúc các cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối liên hệ giữa bộ sậu tranh cử của ông Trump với người Nga vẫn chưa ngã ngũ.
Nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff của Ủy ban tình báo Hạ viện lên tiếng cho rằng tại sao ông Flynn lại muốn được miễn tội nếu không có tội. Các thành viên Dân chủ khác thậm chí dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” khi nhắc lại lời của chính ông Flynn hồi cuối năm ngoái là “khi anh đòi miễn tội tức là anh chắn chắn đã phạm tội”.
Nhà Trắng đang mất kiểm soát
Nhà Trắng và chính quyền của ông Trump đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng liên tiếp. Nói như đài CNN thì chính quyền Trump chuộng kiểu giải quyết khủng hoảng bằng cách hướng sự chú ý vào một cuộc khủng hoảng khác lớn hơn nhưng trái với lẽ mong đợi, Nhà Trắng dường như đã mất sự kiểm soát và các cuộc khủng hoảng cứ chồng lên nhau, ngày càng leo thang.
Hết chuyện ông Trump đề nghị ông Flynn nên được xóa tội khi ra điều trần, tránh trò “bới lông tìm vết” của phe Dân chủ, tới chuyện ông tuyên chiến với nhóm bảo thủ Cộng hòa và khơi dậy sự đấu đá trong nội bộ.
Chiến thuật tạm thời của Nhà Trắng lúc này là đổ thừa cho chính quyền tiền nhiệm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer hôm 31-3 đã lên tiếng tố chính quyền Barack Obama “chơi chiêu”, rằng trước khi hết nhiệm kỳ đã tung tin đồn khắp chính phủ về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, cố tình để lại những thứ có thể xem là “bằng chứng” cho các nhà điều tra sau này.
Ông Spicer cũng trích dẫn ý kiến của bà Evelyn Farkas – một cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời ông Obama – khi bà kêu gọi các đồng nghiệp nên cung cấp thông tin như vậy tới Quốc hội trước khi ông Trump nhậm chức.
Lời kêu gọi trên bị ông Spicer nói là chiêu trò của chính quyền tiền nhiệm, biến việc rò rỉ các thông tin thành công cụ cho các trò chơi chính trị.
Trong khi đó, nói với CNN, bà Farkas khẳng định lời kêu gọi của bà xuất phát từ chuyện chính quyền của ông Trump có thể ém nhẹm các thông tin này khi ông ta lên cầm quyền. Do vậy, bà mới khẩn thiết kêu gọi cung cấp chúng cho các ủy ban ở Quốc hội.
DUY LINH/Tuổi Trẻ