Một ngày cuối tháng 6-2017, thái tử Mohammed Bin Nayef (MbN) bàng hoàng hay tin đã mất vị trí kế vị vào tay em họ Mohammed bin Salman (MbS). Có lẽ ông sẽ không bao giờ biết được chính xác lý do.
Hoàng tử Mohammed bin Salman (trái) hôn tay anh họ Mohammed Bin Nayef sáng 21-6 – Ảnh: WSJ |
Đó là vào sáng ngày 21-6, sau một đêm trong hoàng cung ở Mecca, thái tử khi đó là MbN bước ra khỏi căn phòng tường cẩm thạch và ngạc nhiên trước một rừng phóng viên đã chờ sẵn.
Người em họ trẻ tuổi MbS bước lại gần và hôn tay ông. “MbS mà hôn thì sẽ có chuyện không hay xảy ra” – một người nói.
Nhưng khi đó mọi chuyện đã ngã ngũ đối với ông MbN, 57 tuổi – nhân vật quyền lực trong hệ thống an ninh của Saudi Arabia hai thập kỷ qua, sau khi ông được gọi vào cung gặp vua Salman bin Abdulaziz tối trước đó.
Đảo chính
“Nhà vua đến gặp MbN và nói: Ta muốn cháu bước xuống vì đã không nghe lời đi chữa chứng nghiện ngập đang ảnh hưởng đến các quyết định của cháu” – một người cho biết.
Một số cho biết thái tử đã bất ngờ khi nghe chuyện. “Đó là một cuộc đảo chính. Ông ấy đã không phòng bị” – một nguồn tin khác nói.
Những tình tiết mới về cuộc gặp lại thổi bùng các đồn đoán về sự xáo trộn trong hoàng gia Saudi Arabia. Một quan chức cấp cao của nước này khẳng định lý do nghiện ngập là “vô lý”. “Câu chuyện thêu dệt này hoàn là ảo tưởng kiểu kịch bản Hollywood” – quan chức này nói.
Vậy lý do là gì? Đến nay, Saudi Arabia vẫn giữ kín nguyên nhân chuyện thay thái tử giữa dòng, chỉ nói rằng việc này là vì lợi ích quốc gia và ông MsN cũng không chịu áp lực gì.
Nhưng các nguồn tin khác khẳng định nhà vua kiên quyết muốn con trai kế vị nên lấy cớ để giật quyền kế vị của cháu trai.
Cuộc gặp kín diễn ra vài giờ trước khi ông MsN dự kiến có cuộc họp khác với Hội đồng an ninh và chính trị dự kiến vào 23h tối cùng ngày.
Ngay sau đó, Hội đồng tận trung – bao gồm các thành viên hoàng gia – nhận được thư của nhà vua thông báo về quyết định thay đổi thái tử trong khi ông MsN bị cách ly trong một căn phòng suốt đêm, không điện thoại và không được tiếp xúc với các hầu cận. Các vệ sĩ của ông cũng bị thay cấp kỳ.
“Chúng ta đã cố gắng thuyết phục thái tử điều trị trong hai năm qua nhưng không ích gì. Do tình hình nguy hiểm như vậy, thái tử nên từ bỏ vị trí của mình và Mohammed bin Salma sẽ được chỉ định vào vị trí đó” – thư viết.
Bức thư được thông báo qua điện thoại cho các thành viên hội đồng trước khi hoàng gia cử người đến nhận chữ ký của các thành viên.
31 trên 34 thành viên hội đồng đặt bút ký. Cuộc đảo chính coi như đã xong.
Ý kiến của các thành viên ủng hộ quyết định được ghi lại và bật cho ông MbN nghe nhằm dập tắt mọi ý định phản kháng của thái tử.
Trong khi đó, ba nhân vật phản đối bao gồm cựu bộ trưởng nội vụ Ahmed bin Abdulaziz, hoàng thân Abdulaziz bin Abdallah của gia tộc cựu vương Abdallah và hoàng tử Mohammad bin Saad.
Đến sáng 21-6 thì thái tử MbN bỏ cuộc. Ông yêu cầu gặp nhà vua và chấp nhận nhường lại quyền kế vị.
Cuộc gặp nhanh chóng kết thúc sau khi ông ký giấy tờ cần thiết và rời cung trong sự tiếp đón của dàn phóng viên và em họ MbS. Một thị vệ tay lăm lăm khẩu súng đứng gần bên thái tử. Cuộc gặp chỉ diễn ra 15 giây trước khi ông MbN được hộ tống về cung Jeddah.
Ông Mohammed Bin Nayef – Ảnh: Reuters |
Giam lỏng
Sau cuộc chạm trán giữa hai vị hoàng tử ngày 21-6, tòa án hoàng gia Saudi Arabia công bố MbS lập tức phong thành thái tử và trở thành tâm điểm của truyền thông khắp vùng Vịnh.
Trong khi đó, MbN hoàn toàn biến mất. Có người nói ông bị giam hãm trong cung Jeddah dưới sự giám sát của các thị vệ trung thành với MbS.
Sau cuộc đảo chính, hoàng tử Mohammed bin Nayef (MbN) bị giam lỏng tại nhà, với chỉ một ít khách đến thăm gồm vua và người kế vị mới – Mohammed bin Salman (MbS).
Một nguồn tin thân cận với MbN khẳng định hoàng tử không nghe các cuộc điện, và trong những tuần qua chỉ được phép đi thăm người mẹ lớn tuổi với sự hộ tống của lính gác mới.
Nguồn tin của Reuters cho hay, hoàng tử MbN đã muốn đưa gia đình đến Thụy Sĩ hay London (Anh), nhưng không được sự cho phép của vua và MbS.
Nhiều người biết chuyện ở Ả Rập Saudi và phương Tây đã lường trước sự nổi lên của hoàng tử MbS, tuy nhiên không mấy ai ngờ rằng hoàng tử MbN sẽ bị buộc ra đi vội vàng đến vậy.
Từ khi vua Salman lên ngôi năm 2015 đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự quý mến với MbS vượt trên MbN, cũng như nỗ lực dọn đường cho con út của vua được kế vị.
Hoàng tử MbS được giao quyền lớn, can thiệp sắp đặt lại các vị trí chủ chốt trong lĩnh vực chính trị, dầu mỏ, và tình báo an ninh mà không để MbN hay.
MbS đã can thiệp sâu vào hoạt động Bộ Nội vụ do MbN làm Bộ trưởng, qua việc chỉ định, thăng chức, sa thải các nhà chức trách mà không để MbN biết trước.
Trong năm đó, Tòa án Hoàng gia của MbN bị giải thể và sát nhập với Tòa án của vua, làm mất phần lớn quyền lực của MbN và cản trở ông tìm kiếm sự giúp đỡ. Sau đó cố vấn an ninh của MbN, ông Saad al-Jabri bị sa thải.
Theo nguồn tin thân cận của MbN, MbS cũng thiết lập được mối quan hệ thân thiết với con rể và cố vấn của Tổng thống Donald Trump là Jared Kushner.
Mặc dù trước đây MbN đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ nhờ công dẹp loạn nhóm khủng bố Al Qaeda, MbS nhanh chóng thiết lập quan hệ ở Washington để bãi bỏ sự ủng hộ của Mỹ giành cho MbN.
Với sự nổi lên đột ngột của MbS, các nhà ngoại giao và nhà chức trách Ả Rập Saudi cho rằng vua sẽ sớm thoái vị nhường lại ngai vàng cho con trai út.
Một nhân chứng của Reuters tại hoàng cho biết trong tháng vừa qua vua Salman đã chuẩn bị sẵn thông báo của ông nhượng lại ngai vàng cho con trai. Thông báo có thể được phát hành bất kỳ lúc nào, và cũng có thể là vào tháng 9 này.
Thái tử Mohammed bin Salman được cho là cũng đầy bản lĩnh trên chính trường – Ảnh: Reuters |
TRẦN PHƯƠNG – MY HÀ/Tuổi Trẻ