Cái chết của một đặc nhiệm SEAL Mỹ ở Yemen có thể là tín hiệu cảnh báo với chính quyền Trump về nguy cơ của chiến dịch quân sự được phê chuẩn nhanh chóng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 lặng lẽ bước lên chiếc trực thăng Marine One tới căn cứ không quân Dover ở Delaware để gặp gia đình của William “Ryan” Owens, một đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng trong cuộc đột kích bất thành vào mục tiêu khủng bố ở Yemen mới đây, theo Washington Post.
Trong chiến dịch đặc biệt đầu tiên do tân Tổng thống Trump phê chuẩn, lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ hôm 28/1 sử dụng trực thăng để tiếp cận một khu nhà nằm giữa sa mạc Bayda, miền nam Yemen với mục tiêu bắt giữ các thủ lĩnh bộ tộc có liên hệ với al-Qaeda và thu thập các thông tin tình báo có giá trị. Thế nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở nên hỗn loạn, trở thành bài học an ninh vỡ lòng cho đội ngũ chính quyền của Trump về những nguy cơ của các chiến dịch quân sự trên mặt đất ở nước ngoài.
Chiến dịch đột kích chung giữa đặc nhiệm SEAL Mỹ và lực lượng tinh nhuệ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được tiến hành chỉ một tuần sau khi ông Trump nhậm chức. Kế hoạch tác chiến được Nhà Trắng phê chuẩn nhanh chóng, vì ông Trump cùng các cố vấn cấp cao luôn muốn trao quyền lớn hơn cho quân đội trong các hoạt động chống khủng bố.
Nhưng trên thực địa, đội đặc nhiệm hỗn hợp đã gặp rất nhiều khó khăn ngoài dự kiến ngay từ đầu. Sau khi họ đổ quân xuống làng Yaklaa ở vùng Bayda, các tay súng thuộc nhóm al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) đã nhanh chóng nổ súng phản công dữ dội. Những bãi mìn dày đặc được gài quanh làng khiến đặc nhiệm Mỹ không thể tiến vào sâu hơn và buộc phải đấu súng với kẻ địch đông hơn rất nhiều.
Theo các quan chức Mỹ am hiểu về cuộc đột kích, khi tình hình giao tranh kéo dài, chỉ huy chiến dịch buộc phải gọi trực thăng vũ trang Cobra với sự hộ tống của tiêm kích Harrier tới không kích phiến quân để giải nguy cho đội đặc nhiệm.
Một trung đoàn Tác chiến Đặc biệt của Không quân được huy động để giải cứu đội SEAL và những người bị thương vong ra khỏi chảo lửa. Những chiếc trực thăng lai MV-22 Osprey chở lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến cũng nhanh chóng khởi hành từ tàu đổ bộ USS Makin Island đang hoạt động ngoài khơi Yemen.
Hai lực lượng này dự định hội quân ở sa mạc để vận chuyển các đặc nhiệm bị thương lên tàu đổ bộ USS Makin Island, nhưng một chiếc Osprey bất ngờ gặp trục trặc khi hạ cánh, đâm xuống đất mạnh đến mức khiến hai lính thủy quân lục chiến bị thương và chiếc máy bay bị hư hỏng hoàn toàn. Tiêm kích Mỹ buộc phải thả một quả bom dẫn đường bằng GPS để phá hủy chiếc máy bay trị giá 70 triệu USD nhằm đề phòng nó rơi vào tay phiến quân.
Chiến dịch đột kích kết thúc với việc 4 đặc nhiệm Mỹ bị thương, trong đó Owens bị trúng nhiều vết đạn và qua đời ngay sau đó. Anh này trở thành binh sĩ Mỹ đầu tiên thiệt mạng trên chiến trường trong nhiệm kỳ của Trump.
Tổng thống Mỹ tuyên bố chiến dịch đột kích là một “thành công”, dù đặc nhiệm SEAL không bắt được bất cứ phiến quân nào. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết 14 tay súng thân al-Qaeda đã bị tiêu diệt, trong khi các quan chức Yemen cho hay ít nhất 15 phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong chiến dịch, trong đó có con gái 8 tuổi của giáo sĩ cực đoan Anwar al-Awlaki, kẻ bị giết trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ năm 2011.
Phê chuẩn chóng vánh
Theo các quan chức Mỹ, kế hoạch thực hiện chiến dịch đột kích đã được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama từ vài tuần trước, trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm các thông tin tình báo có giá trị về phiến quân AQAP. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, ông Obama đã không phê chuẩn chiến dịch, một phần là do Lầu Năm Góc không thể cam đoan rằng các thông tin tình báo mà họ nắm trong tay về mục tiêu là đủ độ tin cậy.
Phần lớn những gì họ nắm được về căn cứ của phiến quân là hình ảnh do vệ tinh thu thập được, còn các thông tin trên thực địa chỉ là “tối thiểu”. Obama cho rằng việc phê chuẩn chiến dịch cần được các cố vấn của chính quyền Trump xem xét kỹ lưỡng hơn sau ngày 20/1.
Theo các chuyên gia phân tích, chiến dịch đột kích ở Bayda được phê chuẩn khá nhanh chóng dưới thời Trump, khi Lầu Năm Góc đang rất muốn lấp đầy những lỗ hổng về nhận thức đối với các tổ chức khủng bố ở Yemen, nơi AQAP đang có nhiều âm mưu tấn công phương Tây.
Hai quan chức Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng những kế hoạch để đệ trình lên Nhà Trắng, nhằm chuyển quá trình phê chuẩn cho các chiến dịch quân sự ở Yemen xuống cấp thấp hơn và đẩy mạnh các hoạt động chống lại AQAP.
“Chúng tôi đã rất vất vả với việc thuyết phục Nhà Trắng chấp nhận các chiến dịch trên bộ ở Yemen. Chúng tôi hy vọng quy trình phê chuẩn cho các chiến dịch trở nên dễ dàng hơn dưới thời chính quyền mới”, một quan chức quốc phòng giấu tên cho hay.
Mô hình tương tự từng được Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng để gia tăng chiến dịch không kích ở Libya, buộc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại đây phải co cụm vào các sào huyệt giữa sa mạc, tạo điều kiện cho các máy bay tàng hình Mỹ săn lùng và tiêu diệt.
Tuy nhiên, Luke Hartig, quan chức chống khủng bố cấp cao dưới thời Obama, cảnh báo rằng việc thay đổi quá trình ra quyết định đối với những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia cần sự tham vấn với nhiều cơ quan chính phủ để có thể giải đáp thỏa đáng những câu hỏi về tính pháp lý, ngoại giao của nó.
“Đây không phải là làm chậm trễ công việc, mà là sự đảm bảo rằng những vấn đề phức tạp đều đã được xử lý ổn thỏa trước khi phê chuẩn”, Hartig, người hiện là chuyên gia tại cơ quan tư vấn New America, nói.
Trí Dũng/Vnexpress