Ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật giới hạn nợ do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy soạn thảo, luật này sẽ áp đặt các hạn chế đối với chi tiêu của chính phủ cho đến cuộc bầu cử năm 2024 và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ gây bất ổn của Mỹ. Giờ đây, dự thảo luật sẽ chỉ cần được “ải cuối” Thượng viện thông qua.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trần nợ vào tối 31/5.
Theo Bloomberg, dự luật đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận thuận áp đảo 314-117 vào tối 31/5 (theo giờ Mỹ). Khoảng 2/3 thành viên Đảng Cộng hòa và 119/165 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện ủng hộ dự luật, đánh dấu khoảnh khắc hiếm hoi thành viên cả 2 đảng đồng thuận về 1 dự luật, thay vì tình trạng đối chọi gay gắt như mọi khi.
Tổng thống Biden đã gọi kết quả tại Hạ viện là “tin tốt cho người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”.
Sau khi được thông qua tại Hạ viện, dự luật sẽ nhanh chóng được đưa tới Thượng viện và được tin là sẽ sớm được thông qua trước “X-date” là ngày 5/6. Điều này sẽ giúp nước Mỹ tránh được “thảm cảnh” vỡ nợ, có thể khiến uy tín của nước này sụt giảm nghiêm trọng trên trường quốc tế.
Dự luật nợ sẽ loại bỏ mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng vỡ nợ khác trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của ông Biden, đình chỉ trần nợ cho đến ngày 1/1/2025. Đổi lại, các đảng viên Đảng Dân chủ đồng ý hạn chế chi tiêu liên bang vào năm 2025, có khả năng buộc phải cắt giảm một số dịch vụ của chính phủ do tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện ở mức 5%.
Các hạn chế chi tiêu trong thỏa thuận có thể có tác động lớn đến các cá nhân, đặc biệt là những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học, những người sẽ phải tiếp tục thanh toán khoản vay sinh viên và một số người Mỹ có thu nhập thấp bị hạn chế phúc lợi hoặc cắt giảm dịch vụ.
Nhưng các nhà kinh tế của Morgan Stanley ước tính toàn bộ gói cứu trợ sẽ có “tác động không đáng kể” đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đánh dấu một bước ngoặt hướng tới việc kiềm chế chi tiêu của chính phủ sau nhiều năm thực hiện các gói cứu trợ kỷ lục liên quan đến đại dịch Covid-19 và hai sáng kiến đặc trưng của ông Biden nhằm giải phóng các khoản đầu tư lớn của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.
Giờ đây, khi nỗi lo về trần nợ dần giảm bớt, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý sang những bất ổn khác có nhiều khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng hơn, chẳng hạn như khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang và các dấu hiệu của nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu.
Thuỷ Bình / Vietnamfinance
Theo Bloomberg