Nhật báo uy tín New York Times (Mỹ) vừa có bài viết phản ánh ý kiến trái chiều về việc cựu thượng nghị sĩ Bob Kerry được bổ nhiệm làm Chủ tịch Đại học Fulbright tại Việt Nam.
New York Times mô tả sự kiện cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey đảm nhận vị trí cấp cao của Đại học Fulbright Việt Nam đang gây ra cuộc tranh luận mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam.
Một số người ủng hộ ông Kerrey trên cương vị mới trong khi số khác cho rằng cựu thượng nghị sĩ Mỹ không phù hợp cho vai trò này vì những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Quan điểm ủng hộ
Ông Lương Hoài Nam, doanh nhân trong lĩnh vực hàng không, chia sẻ: “Rất dễ để ghét Bob Kerrey và yêu cầu ông từ chức khỏi cương vị Chủ tịch Đại học Fulbright. Tôi có thể làm điều đó. Tuy nhiên, sau nửa ngày suy nghĩ, tôi chọn điều khó là tha thứ. Tôi tha thứ cho Bob Kerrey và mong muốn nhiều người Việt Nam tha thứ cho ông ấy”.
Với quan điểm tương tự, Thao Dan, một giáo viên dạy văn tại Hải Phòng, cho rằng: “Hãy cho ông ấy một cơ hội sửa chữa sai lầm bằng cách làm gì đó hữu ích cho người dân Việt Nam trên cương vị mới”.
Ông Kerrey tham gia quá trình thành lập Đại học Fulbright Việt Nam từ năm 1991 và vận động sự ủng hộ tài chính của Quốc hội Mỹ dành cho dự án này. Theo ông Kerrey, việc đảm trách cương vị chủ tịch Fulbright sẽ giúp ông kêu gọi thêm những khoản quyên góp cho trường. Dự kiến Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu tuyển sinh từ mùa thu năm 2017.
Trước những phản ứng của dư luận, cựu thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố: “Nếu tôi nhận thấy vai trò của mình đe dọa chương trình hợp tác, tôi sẽ từ chức. Tôi đến đây với sự ngưỡng mộ to lớn người dân Việt Nam và sẽ tiếp tục làm những gì có thể để giúp đỡ họ”.
Những tiếng nói phản đối
Bên cạnh những quan điểm ủng hộ, nhiều người phản đối vai trò mới của Bob Kerrey ở Việt Nam, nơi ông từng tham chiến trong vai trò biệt kích Hải quân Mỹ.
Trong thư điện tử gửi New York Times, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Liên minh châu Âu, cho rằng: “Trong khi Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ, quyết định bổ nhiệm Bob Kerrey vào vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị trường Fulbright nói nhẹ là thiếu nhạy cảm, và tệ hơn là coi thường chúng tôi”.
15 năm trước, Kerrey thừa nhận ông và nhóm biệt kích hải quân đã gây ra vụ thảm sát năm 1969 ở Đồng bằng sông Cửu Long, sát hại nhiều phụ nữ và trẻ em vô tội. Những người sống sót trong vụ tấn công cho biết hơn 20 thường dân thiệt mạng, bao gồm 13 trẻ em và phụ nữ mang thai. Ông Kerrey được trao huân chương cho vụ thảm sát vì báo cáo tiêu diệt 21 “Việt Cộng”.
Ông Kerrey im lặng về vụ thảm sát trong suốt 3 thập kỷ và chỉ thừa nhận khi bị báo New York Times và CBS News phanh phui năm 2001. Phát biểu lúc đó, ông Kerrey thừa nhận: “Đó không phải chiến tích mà là một bi kịch và chính tôi đã ra lệnh thực hiện nó. Tôi luôn bị ám ảnh suốt 32 năm qua”.
Từ thời điểm chiến tranh kết thúc năm 1975, chính phủ và nhiều người dân Việt Nam đã lựa chọn sự bao dung và tha thứ. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra khiến nhiều người mãi mãi không chấp nhận Kerrey, người từng ra lệnh sát hại hơn 20 người vô tội.
Những tranh cãi xung quanh vai trò của Kerrey có thể khơi lại nỗi đau từ vết thương cũ trong cuộc chiến Việt Nam, nơi khoảng 3 triệu người Việt và 58.000 lính Mỹ thiệt mạng vì các cuộc xung đột.
Phạm Thùy Hương, 40 tuổi sống tại Hà Nội, viết trên Facebook: “Tôi không thể nhìn mặt ông ấy. Những chi tiết khủng khiếp của tội ác diệt chủng vấn còn đó”.
Cùng quan điểm phản đối ông Kerrey, Thái Bảo Anh, một luật sư ở TP HCM, cho rằng lãnh đạo của một trường đại học không nhất thiết là người có quá khứ gây tranh cãi như cựu thượng nghị sĩ Kerrey.
“Nếu có thể, xin hãy cho tôi biết tên của trường đại học uy tín nào đó trên thế giới được điều hành bởi một kẻ máu lạnh, người từng sát hại phụ nữ và trẻ em. Ông ta đã thừa nhận vụ thảm sát nhưng không những chẳng bị buộc tội mà còn chạy đua để trở thành tổng thống Mỹ”, Thái sử dụng những ngôn từ gay gắt khi bày tỏ quan điểm về Kerrey trên mạng xã hội.
Luật sư này cũng đặt câu hỏi liệu ai muốn cho con học tại ngôi trường nằm dưới sự điều hành của kẻ sát nhân. Nguyễn Đức Hiền, một nhà báo tại TP HCM, nhấn mạnh Kerrey giữ im lặng về tội ác trong suốt 30 năm. Ông ta chỉ thừa nhận tội ác khi bị báo chí phanh phui.
“Sau khi sát nhân và dối trá, ông ta không nên đại diện cho tri thức hay các giá trị của Mỹ ở Việt Nam. Tôi hoan nghênh Fulbright nhưng Mỹ không thiếu người để lựa chọn cho vị trí đại diện này”, ông Hiển chia sẻ.
Còn ông ông Nguyễn Văn Thọ, nhà văn kiêm cựu chiến binh trong cuộc chiến chống Mỹ, cho rằng tha thứ không có nghĩa là lãng quên.
“Nếu tôi có cơ hội gặp Bob Kerrey, tôi sẽ chào đón ông ta. Tôi muốn tha thứ và quên đi tất cả nỗi đau của chiến tranh. Mọi người có thể tha thứ cho một người lính như Bob Kerrey nhưng không được phép quên việc sát hại thường dân vô tội. Đó là tội phạm mà thế giới muôn đời phải lên án”, ông Thọ khẳng định.
Hồng Duy (Theo New York Times)
Theo Zing