Cho rằng hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ.
Ngày 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Mỹ.
Đây là lần thứ 5 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp riêng về nội dung triển khai các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về thích ứng với chính sách thuế quan mới của Mỹ và thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá từ khi thương mại toàn cầu có diễn biến mới, Mỹ đưa ra chính sách thuế quan đối ứng, Việt Nam đã có đối sách, thích ứng kịp thời, linh hoạt, phù hợp và có kết quả nhất định; thể hiện sự bình tĩnh, chủ động, bản lĩnh trước diễn biến tình hình, được phía Mỹ đánh giá là tích cực.
Trong đó, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Trump; cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm Đặc phái viên của Tổng Bí thư và cử Bộ trưởng Bộ Công Thương là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đàm phán, trao đổi với phía Mỹ.
Việt Nam đã chủ động ban hành nghị định của Chính phủ cắt giảm các dòng thuế có thể cắt giảm được đối với Mỹ; giải quyết vướng mắc tại một số dự án và các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trong khuôn khổ pháp luật và theo thỏa thuận giữa Việt Nam với Mỹ; tăng cường mua các mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu, Mỹ có thế mạnh như tàu bay… để cân bằng thương mại hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Mỹ; tinh thần là phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên định; tăng cường đối thoại, tránh căng thẳng; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng; hài hòa lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước, có lợi cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng hai bên; đặc biệt phải giữ lợi ích cốt lõi của Việt Nam, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Thủ tướng cho rằng, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ, quan hệ thương mại hai bên từ trước đến nay cuối cùng là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy động lực xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Đoàn đàm phán chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với phía Mỹ, trên nguyên tắc bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Mỹ cân bằng, bền vững; không làm phức tạp vấn đề; không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì việc này mà ảnh hưởng đến việc khác; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng cho rằng tình hình thương mại thế giới hiện nay, bên cạnh các thách thức, cũng có cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đi vào các sản phẩm công nghệ cao, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số theo xu thế của thế giới.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp, giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, các ngành phải xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện để vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái…
Cùng với đó, tiếp tục rà soát cơ chế hoàn thuế; cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí, thời gian tuân thủ theo Nghị quyết 66 của Chính phủ; thành lập ngay Cổng đầu tư một cửa quốc gia, Trung tâm xúc tiến và kêu gọi đầu tư quốc gia và cấp tỉnh… Qua đó, kiểm soát và kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao; các nhà đầu tư lâu dài, bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, tham gia chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài và toàn cầu.
Tuệ Lâm / Vietnamfinance.vn