VN-Index cho phiên đầu tuần hồi phục nhẹ, tuy nhiên với thanh khoản thấp và biên độ giao dịch co hẹp, tâm lý các bên đang thể hiện trạng thái dè dặt, thăm dò tương quan cung – cầu của cổ phiếu. Việc thanh khoản sụt giảm có thể khiến cho các ngưỡng hỗ trợ suy yếu và rủi ro rơi xuống các vùng đỡ sâu hơn vẫn đang để ngỏ.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, thị trường hồi phục sắc xanh sau 2 phiên liên tiếp điều chỉnh cuối tuần trước. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng bao trùm khiến giao dịch ảm đạm. Dòng tiền mất hút khiến sắc xanh không duy trì được lâu, VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm rồi chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ khi thị trường phân hóa và thiếu sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu lớn.
Diễn biến lình xình kéo sang cả phiên chiều. Sau nhịp giằng co quanh tham chiếu từ đầu phiên, lực cầu gia tăng vào cuối giờ giúp thị trường hồi phục nhẹ khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm. Kết phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.255 điểm, tăng nhẹ 2 điểm so với tham chiếu.
Nhóm VN30 giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều. HPG có đóng góp lớn nhất với gần 0,5 điểm cho chỉ số chung, kết phiên tăng 1,1% với thanh khoản đạt gần 12 triệu đơn vị. Ngoài ra, PLX và ACB cùng tăng hơn 1% là những cái tên đáng chú ý khác.
Ở chiều ngược lại VHM tiếp tục là gánh nặng chính khi lấy đi gần 1,2 điểm của chỉ số chung, kết phiên mã này vẫn giảm khá mạnh 2,6% sôi với hơn 19,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 15/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành truyền thông dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành tài nguyên cơ bản, dầu khí, hóa chất,… Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản có phiên giao dịch không tích cực.
Thanh khoản giao dịch trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với trung bình 10 phiên. Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng liên tiếp với giá trị rút ròng trong ngày đạt gần 580 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu MSN, SHS, HPG. Đây đã là phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 2,05 điểm (+0,16%), lên 1.254,77 điểm với 211 mã tăng và 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 483 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt 10.863 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 21% giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.645 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,02%), xuống 224,59 điểm với 80 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,9 triệu đơn vị, giá trị 783 tỷ đồng, tăng 33% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận ghi nhận 23,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.714 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,36%), lên 92,15 điểm với 143 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 504 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,32 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.174 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ trên dưới 5 điểm, với VN30F2411 tăng 4,8 điểm, tương đương +0,4% lên 1.332 điểm, khớp gần 130.400 đơn vị, khối lượng mở 53.110 đơn vị.
Đánh giá về phiên giao dịch hôm nay, CTCK Agribank (Agriseco Research) cho rằng, việc chạm vùng hỗ trợ dài hạn tại khu vực MA200 ngày hay vùng 1.250 điểm có thể giúp chỉ số xuất hiện nhịp hồi phục trong các phiên đầu tuần. Tuy nhiên, lực cầu suy yếu cùng việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ có thể khiến VN-Index lùi về các vùng giá sâu hơn quanh 1.240 (+/- 5) điểm để kích thích lực cầu mới tham gia.
Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao để tăng tính chủ động, tránh thực hiện các giao dịch lướt sóng ngắn hạn khi xu hướng thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về chiến lược đầu tư ngắn hạn tuần này, CTCK VNDIRECT cho rằng, thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp. Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).
“Thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, VNDIRECT nhận định.
Theo QUỳnh DƯơng / Thị trường Tài chính tiền tệ