Bộ GTVT vừa trình dự thảo sửa đổi Thông tư mới về miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng; kéo dài chu kỳ kiểm định xe ô tô… Dự kiến sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu và 3 triệu xe ô tô được kéo dài chu kỳ đăng kiểm.
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 về công tác đăng kiểm. Dự thảo kiến nghị sửa nhiều quy định về kéo dài chu kỳ đăng kiểm, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đi đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 là khoảng trên 3 triệu xe.
Trên 3 triệu xe ô tô được kéo dài chu kỳ đăng kiểm
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 mới nhất cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.
Cụ thể, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây là 18 tháng).
Ô tô sản xuất trên 7 năm đến 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng. So với trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.
Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, quan điểm của phía Cục Đăng kiểm Việt Nam là vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định (xe có thời gian sản xuất đến 5 năm chu kỳ kiểm định đầu là 24 tháng và chu kỳ định kỳ là 12 tháng; xe trên 5 năm thì chu kỳ kiểm định định kỳ rút xuống còn 6 tháng).
Dự thảo mới cũng quy định với ôtô chở người các loại trên 9 chỗ không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất. Chu kỳ kiểm định đầu và kiểm định định kỳ giống với xe ôtô chở người các loại đến 9 chỗ kinh doanh vận tải.
Riêng với ôtô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ôtô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ôtô chở người đến 9 chỗ), chu kỳ kiểm định 3 tháng.
Đối với ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ôtô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ôtô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây).
Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tính toán, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 là 3.073.629 xe.
Xe mới được miễn kiểm định lần đầu
Ngoài ra, dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT cũng sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định).
The đó, người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (theo dự thảo mới nhất). Ở Thông tư hiện tại, chu kỳ này là 30 tháng.
Như vậy, với số ô tô mới năm 2022 khoảng 455.000 xe, dựa theo dự báo gia tăng ô tô hàng năm tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra con số năm 2023 sẽ có khoảng hơn 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng giải thích lý do sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 bởi được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, căn cứ vào tần suất hoạt động của xe, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện để có những điều chỉnh chu kỳ hợp lý.
“Việc điều chỉnh giãn chu kỳ đăng kiểm xe cơ giới sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dựa trên mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn của phương tiện và người dân đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhấn mạnh./.
Phi Long/VOV.VN