Trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được ứng dụng rộng rãi, báo cáo “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong hành trình vươn ra toàn cầu” của Payoneer mới đây đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn chậm chân trong một số lĩnh vực quan trọng.
Payoneer (NASDAQ: PAYO), công ty công nghệ tài chính chuyên hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới, vừa công bố nhiều thông tin đáng chú ý từ báo cáo “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong hành trình vươn ra toàn cầu” tại thị trường Việt Nam. Kết quả báo cáo chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang đặt mục tiêu mở rộng ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp này cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó có việc tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang thể hiện sức bền đáng kinh ngạc khi đối mặt với những thách thức từ làn sóng toàn cầu hóa,” ông Vũ Ái Việt, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Payoneer, nhận định. “Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang nhanh chóng ứng dụng công nghệ, không ngừng đa dạng hóa mạng lưới khách hàng và nhà cung cấp, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Bằng cách khai thác thế mạnh và nguồn lực sẵn có, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang dần định vị bản thân để hoà nhịp với sự tăng trưởng toàn cầu và hướng tới thành công bền vững. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi tin tưởng rằng Payoneer có thể đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam để phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực thương mại xuyên biên giới đầy biến động, tạo ra giá trị trên thị trường toàn cầu và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.”
Báo cáo “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong hành trình vươn ra toàn cầu” do Payoneer và Oxford Economics thực hiện đã khảo sát gần 3.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 15 quốc gia vào đầu năm 2024, trong đó có hơn 250 doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm đánh giá những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Dưới đây là các điểm nổi bật tại thị trường Việt Nam từ khảo sát năm nay:
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam kiên định với mục tiêu mở rộng kinh doanh trên toàn cầu và bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể: Với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Úc là ba thị trường hàng đầu mà doanh nghiệp Việt gửi và nhận thanh toán nhiều nhất, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các khía cạnh quan trọng: tiếp cận khách hàng mới (64%), đổi mới sáng tạo (62%), tiếp cận nguồn cung cấp chất lượng cao (59%), tiếp cận nhà cung cấp (58%) và hiệu suất tài chính (57%). Đồng thời, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng đang đa dạng hoá tệp khách hàng và nhà cung cấp, góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định và tính linh hoạt khi đối mặt với các mối đe doạ từ bên ngoài, với 63% công ty tham gia khảo sát nhận định rằng chiến lược này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro gián đoạn.
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tận dụng số hóa để vượt qua loạt rào cản trên hành trình vươn ra toàn cầu: Những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp bao gồm: chi phí kinh doanh (44%), khó khăn về tiếp cận vốn, hiệu suất tài chính không ổn định (46%), tỷ lệ nợ trên thu nhập cao (40%) và mạng lưới cá nhân hoặc mạng lưới nghề nghiệp hạn chế (37%). Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ và sở hữu đội ngũ nhân tài phù hợp, các doanh nghiệp này có thể kiểm soát và vượt qua những trở ngại một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết số hóa đã giúp giảm thiểu các rào cản khi tiếp cận thị trường quốc tế, trong khi 77% nhấn mạnh rằng tốc độ thay đổi công nghệ là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tích cực ứng dụng AI, với 26% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang sử dụng công nghệ này để cải thiện dịch vụ khách hàng, theo kịp mức trung bình toàn cầu. Mặc dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp chậm chân trong những lĩnh vực như sáng tạo nội dung (19% tại Việt Nam so với 24% toàn cầu), cải thiện công tác quản lý hàng tồn kho (15% tại Việt Nam so với 23% toàn cầu), và cải thiện hoạt động bán hàng (21% tại Việt Nam so với 23% toàn cầu).
- Với tầm nhìn vươn ra thế giới, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn không quên sứ mệnh phát triển nền kinh tế địa phương: Bên cạnh việc mở rộng ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ nền kinh tế địa phương thông qua việc cung cấp cơ hội việc làm và tạo ra doanh thu cho cộng đồng địa phương. Gần hai phần ba (65%) doanh nghiệp cho biết họ đang ưu tiên tuyển dụng nhân tài tại Việt Nam, đồng thời có cái nhìn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của chính doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam. 79% công ty tham gia khảo sát tự tin vào khả năng thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp trong 12 tháng tới và 82% kỳ vọng sức khỏe nền kinh tế địa phương sẽ được cải thiện. Khi nền kinh tế địa phương phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vươn lên, và sự phát triển này lại tiếp tục làm đòn bẩy cho nền kinh tế thêm mạnh mẽ. Hơn hai phần ba (69%) chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết họ phụ thuộc vào doanh nghiệp của mình như nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.
Theo Bình Nguyên / Thị trường giao dịch