Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã bổ sung một số quy định mới và “mô tả” các hành vi một cách rõ ràng hơn để người thực thi công vụ và người sử dụng đất hiểu và thực hiện.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 4/10/2024. Nghị định không chỉ đơn thuần là bản cập nhật các quy định chưa phù hợp, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh và tăng mức xử phạt, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) Bùi Văn Hải, Nghị định 123/2024/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai 2024, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra. Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tính kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn để xử lý các vướng mắc khi triển khai.
So với Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai Nghị định 123 có một số nội dung đổi mới như bỏ quy định xử phạt đối với một số hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định, sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký; chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) dưới hình thức phân lô bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; chuyển nhượng QSDĐ gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư; không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền tại dự án kinh doanh bất động sản. Do các hành vi trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trồng trọt, Luật Kinh doanh bất động sản và sẽ được quy định xử phạt tại các Nghị định chuyên ngành.
Nghị định 123 cũng bổ sung xử phạt một số hành vi theo quy định của Luật Đất đai 2024 như: Hành vi tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất; cá nhân nhận chuyển nhượng QSDĐ lúa vượt hạn mức; Hành vi nhận chuyển nhượng QSDĐ để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh; nhận chuyển nhượng đất được Nhà nước giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (giao đất lần 2)…
Bên cạnh đó, trước đây chúng ta quy định hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất phi nông nghiệp, trong đó có cả đất ở thì lần này Nghị định tách ra hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở, đất phi nông nghiệp và mức phạt cũng quy định xử phạt cao hơn so với trước đây.
‘Mô tả’ rõ các hành vi vi phạm
Đặc biệt, Nghị định này cũng “mô tả” các hành vi một cách rõ ràng hơn để người thực thi công vụ và người sử dụng đất hiểu và thực hiện. Ví dụ như: hành vi lấn, chiếm đất, hủy hoại đất trước đây quy định tại mục khái niệm thì lần này có hẳn điều cụ thể quy định xử phạt hành vi đó.
Nghị định quy định hành vi hủy hoại đất là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, tuy nhiên cũng có những trường hợp không thể khôi phục lại như: san quả đồi để trồng cây, đào ao… thì cho phép tồn tại nhưng tăng mức xử phạt nhằm giải quyết những tồn tại không giải quyết được…
Một trong những điểm mới đáng chú ý nữa của Nghị định là mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và đang thực hiện, trong khi Nghị định 91 chỉ đề cập chung đến hành vi vi phạm hành chính. Điều này có nghĩa là ngay cả khi hành vi vi phạm đã xảy ra trong quá khứ, người dân vẫn có thể bị xử phạt nếu hành vi đó được phát hiện.
Ngoài ra, Nghị định quy định sử dụng đất trước 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý thì không xử lý theo Nghị định này; trường hợp nhận chuyển QSDĐ mà trước đó có vi phạm thì không bị xử phạt nhưng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm của Nghị định 123 cơ bản không có gì khác so với quy định trước đây, cụ thể vẫn là UBND các cấp. Tuy nhiên, riêng thanh tra thì ngoài thanh tra Bộ TN&MT, thanh tra Sở TN&MT bổ sung thẩm quyền thanh tra của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT), bổ sung thẩm quyền xử phạt của thanh tra quốc phòng, thanh tra công an đối với đất quốc phòng, an ninh.
Về phát hiện vi phạm và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có nhiều thay đổi, Nghị định quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra cấp tỉnh thành lập.
Đặc biệt, bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với công chức làm địa chính cấp xã như trước đây; công chức, viên chức thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp đang thi hành công vụ; người thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đang thi hành công vụ.
Việc Nghị định mở rộng thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhằm tăng cường sự giám sát, phát hiện vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai.
Theo Thu Cúc / Báo Chính Phủ