Những thông tin một dự án ra mắt quỹ biệt thự tới 40 tỷ/căn hết hàng sau 2 ngày, sàn giao dịch thu 600 tỷ/ngày… cùng với thực tế nhà đầu tư trở lại giao dịch khá đông đã làm cho thị trường nhà đất Tây Hà Nội tăng nhiệt. Tuy nhiên, cùng những dấu hiệu của cơn sốt mới, đã có những cảnh báo về ‘sốt ảo’ được đưa ra.
Biệt thự 40 tỷ đắt khách
Sau cơn sóng tăng giá đợt 1, quỹ căn của dự án Solasta Mainsion đã bán gần hết hàng, chủ đầu tư Nam Cường tiếp tục ra hàng đợt 2 với sản phẩm An Quý Villas. Đợt mở bán lần này được cho là có quỹ căn đẹp nhất nhì dự án với đường lớn (22m) và hồ điều hoà 6ha.
Anh Minh Hoan(28 tuổi), môi giới một sàn BĐS lớn ở miền Bắc hiện nay cho hay, thực tế cho thấy giá nhà phố thổ cư Hà Đông hiện nay đã tăng mạnh lên trung bình 150 triệu đồng/m2, nên giá dự án cũng không thể rẻ được. Sắp tới Hà Đông qua Mỹ Đình chỉ mất 10 phút, khi đường Lê Quang Đạo thông xe, trong khi biệt thự khu Mỹ Đình không dưới 50 tỷ. Nay giá dưới Hà Đông chỉ loanh quanh 30 đến dưới 40 tỷ, bài toán đầu tư quá tốt cho khách hàng.
“CĐT mới ra thêm 30 căn, chỉ trong 1 ngày đã nhận cọc 15 căn, nhà đầu tư còn tranh nhau mua, xuống cọc liên tiếp mỗi căn 500 triệu đồng”, Hoan nói thêm.
Theo anh Tuấn Đức (35 tuổi), môi giới với 6 năm kinh nghiệm bán BĐS, ở Hà Đông thì hiện chỉ có mỗi Park City mà giá ở đó thì quá cao rồi, quỹ biệt thự mới được hỗ trợ chiết khấu 7 – 12%, An Quý Villas nên rất hút khách. Mỗi ngày khách hàng 40-50 người đến xem, đến thẳng văn phòng CĐT để xem nhà mẫu. Nhiều khách hàng đi xem nhà còn mời theo thầy cúng đến xem hướng và chốt luôn tại chỗ.
Cùng với khu vực Dương Nội, Thanh Hà cũng nổi lên với cơn sóng tăng giá gấp 1,5 lần chỉ trong vòng 2 tháng. Dự án của chủ đầu tư Mường Thanh đã bán hết hàng vào những năm 2015 – 2016, hiện chỉ còn hàng thứ cấp chuyển nhượng nhưng nhà đầu tư quan tâm và xuống tiền rất nhiều.
Chị Nguyễn Hiền (35 tuổi), môi giới BĐS tại Thanh Hà cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá đất liền kề ở khu vực này đã tăng 1.5 lần. Những căn góc, mặt đường lớn trước Tết chỉ có giá khoảng 80 – 90 triệu đồng/m2, nay có căn đã giao dịch 120 – 140 triệu đồng/m2, tăng hơn 60 giá, gấp 1,7 lần. Những căn liền kề ở dãy trong, hiện cũng đang giao dịch trên 70 triệu đồng/m2, mà trước đây khoảng gần 50 triệu. Giá bán này ở Thanh Hà chỉ có đất, không có nhà, hiện không có nguồn cung mới cho khu vực này.
Cũng dự án cũ và giao dịch thứ chấp, thị trường đang chứng kiến cơn sóng tăng giá của nhà liền kề dự án Geleximco Lê Trọng Tấn.
“Các giao dịch chuyển nhượng vẫn có diễn ra đều đặn, giá tăng thêm 30%, nhà liền kề tăng mỗi căn tăng lên khoảng 3 tỷ so với trước Tết”, Thu Trang, một môi giới BĐS nói thêm.
Cảnh báo sóng ảo?
Trước những nghi ngờ về việc có cơn sóng ảo giá, ảo giao dịch, một chuyên gia BĐS lâu năm tại Hà Nội cho hay, lượng tiền gửi trong ngân hàng của người dân và doanh nghiệp rất nhiều. Hiện các kênh có thể đón được dòng tiền này là sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, chứng khoán và 1 phần hấp thụ vào thị trường BĐS, điều này khiến cho giá nhà đất của các dự án cũ, đủ pháp lý, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh tăng cao.
Tuy nhiên sóng này khá là ngắn, chỉ khoảng 6 – 8 tháng, bất động sản tăng 30 – 50%. Nguyên nhân là do các dự án mới hiện nay giá mở bán rất là cao, lại khan hiếm nguồn cung, nên các nhà đầu tư thích đưa tiền vào các dự án cũ, điển hình như chung cư HH ở Linh Đàm, hay Cienco. Sóng lần này khác sóng ở chu kỳ 2019 – 2021, thời điểm đó kinh tế phát triển tốt, nó có quá trình tích luỹ ổn định và dài hạn.
“Lần này sóng nhỏ và sóng theo khu vực thôi, chứ chưa lan rộng, các dự án sẽ được các dân đầu cơ, các sàn bất động sản mua đi, bán lại khoảng 20% nguồn hàng của dự án, lập tức tạo thanh khoản, giá nó sẽ tăng. Cũng có những nhà đầu tư thực sự, với nhu cầu ở thực và giữ tiền với mức tăng trưởng tốt hơn so với ngân hàng. Người dân gửi tiền ngân hàng với lãi suất thấp trong thời gian rất dài, tâm lý cũng rất dao động, nên sẽ chủ động tìm đến kênh BĐS này”, vị chuyên gia này nói thêm.
Theo anh Bá Đông (32 tuổi), một môi giới BĐS các dự án phía Tây Hà Nội, chuyên bán chung cư, khách hàng đến xem và quyết định xuống tiền nhanh bởi dự án đẹp, tiện ích đầy đủ, cạnh công viên trung tâm, chủ đầu tư uy tín, giá bán ra hiện nay cũng chỉ nhỉnh hơn hàng thứ cấp một vài giá, mỗi ngày anh tiếp hơn chục khách hàng, có những thời điểm 1 buổi sáng vài khách hàng đến văn phòng của CĐT để làm thủ tục đặt cọc.
“Chung cư vẫn là nhu cầu ở thực, lẫn đầu tư cho thuê, đặc biệt là của chủ đầu tư uy tín, ra hàng đến đâu hết đến đó, nên hàng ngày anh hỗ trợ làm thủ tục đặt cọc, mua bán cho khách hàng rất nhiều. Phải xếp hàng, đặt lịch để chờ ký hợp đồng”, anh Đông kể.
Theo một cán độ Văn phòng Đăng ký đất đai Quận Hà Đông, sau Tết âm lượng người qua làm thủ tục tăng dần, trong khoảng 1 tuần qua lượng người tăng đột biến, rất đông, 5h sáng đến xếp hàng lấy số vẫn hết, người mua ở thực có, nhà đầu tư, đầu cơ cũng nhiều.
“Giá nhà khu vực này hiện khá cao rồi, nhà đất trong phố hiện đã ở mức trên 150 triệu đồng/m2, nên phải hết sức cẩn thận trước các quyết định mua nhà đất tại Hà Đông thời điểm này”, vị cán bộ nói thêm.
“Hiện tại sóng giai đoạn này khá nhỏ, chưa lan ra các vùng khác, nhiều người chưa cảm nhận được nó đã hết sóng rồi. Các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng giai đoạn này, tránh mua phải “đỉnh” sóng”, vị chuyên gia BĐS tại Hà Nội đưa ra lời khuyên.
Xuân Thạch / Vietnamfinance