Các hộ diện giải tỏa Dự án Khu dân cư Nam Bàu Mạc, Đà Nẵng cho rằng đền bù thấp, không bố trí tái định cư là vô lý, còn chính quyền khẳng định áp giá đúng quy định.
Các hộ dân thuộc diện giải tỏa Dự án Khu dân cư Nam Bàu Mạc, phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng cho rằng nhà, đất đang sống ổn định nhưng bị áp giá đền bù quá thấp nên không chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, chính quyền khẳng định các hộ dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên không được đền bù về đất, chỉ được đền bù về nhà cửa, vật kiến trúc cây cối và đã áp dụng đúng quy định pháp luật.
Nhà đất 100m2 đền bù 108 triệu đồng?
Theo đơn tập thể gửi VTC News, bà Nguyễn Thị Kim Hương và các hộ dân trú tổ 26 Quang Thành, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng nêu, các hộ sinh sống, làm việc ở đây lâu năm, có nhà ở, có số hộ khẩu, đóng thuế đất hằng năm theo quy định của Nhà nước nhưng hiện gặp khó khăn vì vướng giải tỏa đền bù Dự án Khu dân cư Nam Bàu Mạc.
Cụ thể, đã nhiều năm qua các hộ dân đến UBND phường Hòa Khánh Bắc và UBND quận Liên Chiểu để xin cấp quyền sử dụng đất nhưng không được do nằm trong quy hoạch dự án.
Tuy nhiên, dự án đã “treo” hơn 10 năm, nhà cửa các hộ dân xuống cấp nhưng không được cấp giấy phép xây dựng với lý do nằm quy hoạch. Vì vậy, cứ đến mùa mưa bão, toàn khu vực bị ngập sâu, nhà cửa, đồ đạc bị hư hại.
“Dự án quy hoạch treo đã nhiều năm, chậm triển khai thực hiện, nhà cửa không sửa được, ô nhiễm môi trường, ngập lụt làm thiệt hại tài sản. Nếu dự án không triển khai thì chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi được cấp sổ đỏ, xây dựng nhà, còn tiếp tục triển khai thì phải áp lại giá đền bù thỏa đáng, bố trí đất tái định cư để người dân có điều kiện làm nhà, ổn định cuộc sống”, các hộ dân nêu.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, từ tháng 1/2013, khi thành phố đo đạc, áp giá đền bù đất gồm 100,5m2 và nhà cửa, vật kiến trúc của gia đình bà là hơn 51 triệu đồng.
“Theo lý giải của chính quyền và Ban Gải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 Đà Nẵng thì chúng tôi xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp nên không đền bù về đất, chỉ đền bù về nhà cửa, vật kiến trúc và cây cối hoa màu. Vì vậy, chúng tôi cũng không được bố trí tái định cư. Như vậy là bất công, không hợp tình hợp lý”, bà Hương cho biết.
Các hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù này, không bàn giao mặt bằng nên đến năm 2017, Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất số 3 (Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng) xác định lại giá trị đền bù cho các hộ dân.
Theo bảng giá này, trường hợp của gia đình bà Hương được nâng giá trị đền bù từ hơn 51 triệu đồng lên 108,939 triệu đồng.
“Không bố trí đất tái định cư, mức đền bù chỉ hơn 100 triệu thì thử hỏi chúng tôi sống ở đâu nếu bàn giao mặt bằng. Như vậy có khác nào đẩy các hộ dân tại đây ra đường?”, bà Hương bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Lập Trường cho rằng, đất gia đình ông và các hộ tại đây là đất ở ổn định từ trước, không có tranh chấp, thuộc trường hợp đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng khi các hộ dân làm đơn xin cấp giấy chứng nhận thì không được giải quyết với lý do đất nằm trong diện quy hoạch.
“Chính quyền khẳng định rằng đó là đất nông nghiệp và không đền bù về đất, chỉ đền bù về nhà cửa, vật kiến trúc và hoa màu, không bố trí tái định cư thì chúng tôi đi đâu để sống!”, ông Trường than thở.
Các hộ còn lại gồm ông Nguyễn Văn Phước, Ngô Văn Thông, Võ Văn Thu, bà Lê Thị Bảy, Nguyễn Thị Ái Diễm, Nguyễn Thị Hoài Nhi cho rằng, trong văn bản trả lời mới nhất của UBND quận Liên Chiểu (ngày 20/7/2023) khẳng định các hộ dân không được đền bù về đất ở nên không đủ điều kiện để xem xét bố trí tái định cư.
“Chúng tôi đề nghị xem xét bố trí tái định cư tại chỗ trước khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống”, các hộ dân kiến nghị.
Chính quyền nói gì?
Liên quan thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân, trả lời VTC News, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho biết, đây là những trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên áp dụng các quy định pháp luật về đất đai thì không thuộc diện bố trí đất tái định cư, chỉ được hỗ trợ đền bù giá trị nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu.
“Trước hết phải khẳng định những trường hợp này là đất nông nghiệp nên không có quy định nào cho phép được bố trí đất tái định cư. Theo quy định, thành phố hỗ trợ 80% vật kiến trúc, nhà cửa và hoa màu cho các hộ giải tỏa. Tuy nhiên, UBND quận cũng có đề xuất thành phố nâng mức hỗ trợ này lên 100% nhưng còn phải chờ xem xét”, vị lãnh đạo nói.
Theo lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, quận cũng xem xét, đề xuất cấp thẩm quyền theo hướng tạo điều kiện cho những trường hợp này được mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Nếu được xem xét mua nhà ở xã hội thì đây là phương án tốt nhất. Vì mua nhà ở xã hội giá thấp hơn nhà ở thương mại, được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất thấp và thời hạn vay cũng khá dài.
“Quy định về đất đai là rõ ràng, không thể bố trí đất tái định cư trong trường hợp này. Tại nhiều cuộc họp, các hộ dân đều yêu cầu phải được bố trí đất tái định cư mới bàn giao mặt bằng. Các phương án giải quyết được quận đưa ra lấy ý kiến nhưng người dân không đồng tình nên đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho biết thêm.
UBND quận sẽ tiếp tục cho rà soát lại tất cả các trường hợp và dù người dân không đề xuất thì chính quyền quận cũng sẽ xem xét, làm hết khả năng trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ tối đa cho người dân.
CHÂU THƯ / VTC News