Trong những ngày cấp cứu thương binh bị bom Mỹ, nữ y sĩ Hồ Thị Kim Đóa cảm mến người chiến sĩ thông tin rồi thành vợ, thành chồng.
Kể từ khi đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn (năm 1965), Quảng Bình trở thành trọng điểm bắn phá do nằm giáp khu phi quân sự vĩ tuyến 17 về phía Bắc. Hàng trăm hang động nơi đây trở thành nhà trú ẩn của người dân và bộ đội.
Tình yêu thời lửa đạn
Trong lòng hang động, điều kiện sống có phần thiếu thốn, nhưng tình yêu giữa những cô gái, chàng trai vẫn nảy nở. Bà Hồ Thị Kim Đóa ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, đã tìm được tình yêu của đời mình từ nơi này.
Bà Đóa kể, tốt nghiệp khóa y sĩ, tháng 5/1965 bà về phục vụ tại địa phương. “Giặc Mỹ bắn phá ác liệt, bà con phải sơ tán vào hang để ở. Trạm y tế làm bằng gỗ nhưng bị sập nên dựng lại trong hang đá”, bà Đóa nhớ lại.
Bà Đóa và ông Lộc hiện sống trong căn nhà cấp 4 ở xã Ngân Thủy. Ảnh: Hoàng Táo |
Giặc Mỹ đánh sập hang này thì người dân chuyển đi hang khác. Cứ thế, trạm xá của bà Đóa bám lấy dân mà di chuyển theo. Hàng tháng, bà Đóa được cấp bảy kg gạo, nhưng “phải đi hàng chục km về trung tâm huyện mới nhận được, nên nhiều khi không kịp đi, toàn phải nhờ dân nuôi”.
Ngoài chăm sóc y tế cho người dân, bà Đóa còn cứu chữa cho bộ đội, chủ yếu là các đơn vị pháo binh sau các trận chiến. “Dân thì bị sốt rét, ghẻ lở do nằm rừng ở hang. Còn bộ đội bị thương, hoặc sốt rét”, người phụ nữ 74 tuổi kể lại.
Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Đức Lộc (hơn bà Đóa 9 tuổi) là chiến sĩ ở Ban tham mưu Trung đoàn 134, phục vụ tại Tổng trạm thông tin A72. Trạm thông tin A72 cũng đóng trong hang đá, cách hang y tá vài km. Quê ở Phú Yên, ông Lộc tập kết ra TP Hải Phòng, đến năm 1970 thì vào Ngân Thủy chiến đấu.
Trong những lần cứu chữa bộ đội, bà Đóa gặp và quen ông Lộc, dần dần cảm mến. Đến năm 1973, hai người đăng ký với chính quyền, vài người trong đơn vị ông Lộc tới chúc phúc ngày cả hai về chung nhà. “Thế là thành vợ chồng chứ làm gì có cưới xin”, bà Đóa kể.
Cuối năm đó, ông bà sinh con gái đầu lòng. Chỉ ít tháng sau, ông Lộc theo đơn vị ra Bắc. Năm 1976, ông Lộc xin ra quân rồi trở về Ngân Thủy sống với vợ. Họ có thêm bốn người con. Đến nay, hai người con gái lấy chồng rồi sống tại Ngân Thủy, ba người con khác sống xa quê.
Vợ chồng bà Đóa vẫn sống trong căn nhà cấp bốn, hướng ra hang Học sinh, sau lưng là hang Cửa hàng, vốn từng được sử dụng trong chiến tranh.
Sinh hai con trong hang Xưởng rượu
Từ năm 1965, hang Vượn ở thôn Trằm Mé (Sơn Trạch, Bố Trạch) trở thành công xưởng sản xuất cồn rượu, nên còn gọi là hang Xưởng rượu. Ông Hoàng Đình Hoán (79 tuổi) và bà Hà Thị Liệu (73 tuổi, trú xã Vạn Trạch, Bố Trạch) nên duyên vợ chồng từ những ngày sản xuất, chiến đấu ở trong hang này.
Bà Liệu và ông Hoán quen nhau khi cùng làm công nhân dưới hang Xưởng rượu. Ảnh: Hoàng Táo |
Trong gần 200 công nhân và cán bộ ở xưởng rượu thì có đến 70 là nữ. Duy nhất ông Hoán, bà Liệu kết duyên với nhau. Ông Hoán lên công tác tại Xưởng rượu vào tháng 5/1966, sau bà Liệu một năm. Xuất thân là thợ điện nước ở thành phố Đồng Hới, ông được giao phụ trách cơ khí, thiết bị của xưởng. Còn bà Liệu là công nhân nấu rượu.
Công nhân được bố trí ở cạnh xưởng hoặc trong dân, khi giặc đánh phá thì xuống hầm hoặc vào hang ẩn nấp. Những năm chiến tranh, đơn vị của ông Hoán bắt được một phi công Mỹ. Nghe tin máy bay rơi, phi công nhảy dù, ông Hoán cùng hai người khác vác trung liên vượt rừng. “Khi giáp mặt phi công thì súng không nổ, chúng tôi lấy khí thế cùng xông lên khống chế”, ông Hoán kể.
Những ngày sau, viên phi công được giam ở một góc hang động, giao bà Liệu và nhiều người khác canh giữ. Ông lão 79 tuổi kể có lần ngỏ ý vào gặp phi công Mỹ để xin một sợi dây giày làm chiến lợi phẩm, nhưng bà Liệu nhất quyết không cho. Sau này, viên phi công được dẫn giải về huyện, còn hai ông bà quen biết rồi có cảm tình với nhau.
Nền bê tông bên trong hang Xưởng rượu. Ảnh: Hoàng Táo |
Đến mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, hai người làm đám cưới. “Gọi là đám cưới, thực ra chỉ là cái lễ tổ chức ngay trong hang”, bà Liệu nhớ lại. Sau đó công đoàn xưởng rượu dựng cho đôi vợ chồng trẻ căn nhà tranh ngay sát hang đá. Năm 1969 và 1971, bà Liệu hai lần sinh con, đều trở dạ trong hang đá. “Vất vả không kể xiết, nhưng tinh thần không bao giờ nao núng”, bà Liệu nói.
Đến năm 1974, giặc Mỹ bớt đánh phá nhưng xưởng rượu vẫn tiếp tục sản xuất tại đây. Năm này, bà Liệu sinh người con thứ ba ở sát bờ sông Chày, gần xưởng.
Sau ngày hòa bình, ông bà tiếp tục làm công nhân ở xí nghiệp rượu đến ngày nghỉ hưu. Cả ông Hoán, bà Liệu đều được Bộ Công nghiệp (cũ) tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam.