Dù lần nào các bác sĩ cũng khẳng định bé Nhím là con mình, anh Nam (TP HCM) vẫn nghi ngờ và đay nghiến vợ.
Có một xưởng sản xuất đang ăn nên làm ra, hai con gái học giỏi, nhà cửa đàng hoàng, nhiều người nghĩ vợ chồng anh Nam (50 tuổi, quận 12, TP HCM) hạnh phúc, nhưng hơn 10 năm qua, vợ chồng anh lúc nào cũng có sóng ngầm. Nửa muốn bứt ra, chị Tình (45 tuổi, quê Vĩnh Phúc) lại nửa muốn níu hôn nhân để giữ tài sản cho con.
Sau đám cưới vào năm 1999, họ vào Sài Gòn lập nghiệp. Vài năm sau, họ mua nhà và mở một xưởng cơ khí. Anh Nam hay ghen. Từ ngày vợ đóng tiệm may để phụ chồng việc kinh doanh, nghi ngờ của anh càng nhiều hơn khi chị Tình phải tiếp xúc với nhiều người ở xưởng. Chị Tình nhiều lần giải thích tất cả đều chỉ vì công việc, hoặc chỉ là quan hệ giữa bà chủ với người làm công, anh Nam vẫn không thôi nghi ngờ.
Anh Nam đang một mình điều hành xưởng cơ khí và tự lo cơm nước hàng ngày – Ảnh: P.T. |
“Cô ấy nhìn người ta cứ chằm chằm. Ông anh họ tôi vào chơi cô ấy ngồi bên cạnh, cười nói rất vui vẻ. Mấy thằng bạn tôi đến chơi, đáng lẽ để chồng tiếp, cô ấy là vợ thì vào nhà chăm con, cơm nước, đằng này cứ đon đả”, anh Nam lập luận. Không thỏa cơn ghen, anh còn đánh vợ nhiều lần đến hư một mắt trái và đã một lần bị chính quyền xử phạt hành chính.
Năm 2009, bé Nhím, con gái thứ hai của anh chị chào đời. Không tin bé là con mình, anh Nam đưa đi xét nghiệm ADN. Cả bốn lần, ở bốn nơi khác nhau đều khẳng định anh và con gái có cùng huyết thống, nhưng anh vẫn không tin. “Biết đâu các bác sĩ bị nhầm”, anh Nam chua chát.
Những việc ấy như xát muối vào lòng chị Tình. “Nếu người ta không tin thì chỉ đi xét nghiệm một hai lần, đằng này, anh ấy chỉ mong kết quả khác đi mà thôi. Tôi không rõ khi con biết điều đó sẽ thế nào. Tôi chỉ biết giấu thật kỹ”, chị Tình tâm sự.
Kể từ năm 2011, họ chỉ là vợ chồng trên giấy. Thực tế, anh Nam mang tất cả đồ dùng cá nhân đến xưởng ở hẳn từ đó đến nay. “Nói thật, tôi rất mệt mỏi khi vợ chồng lúc nào cũng cãi nhau. Tôi đã đánh cô ấy, vì thế tôi không muốn có lỗi thêm”, anh Nam tâm sự.
Chị Tình chấp nhận sống trong cảnh có chồng cũng như không. Với số tiến tiết kiệm, chị mở tiệm may và một quán nước tại nhà để lo chi phí cho ba mẹ con. Hiện con gái lớn chuẩn bị bước sang năm hai đại học. Còn bé nhỏ chuẩn bị bước vào lớp ba. Cuộc sống của ba mẹ con mấy năm qua luôn vui vẻ và bình lặng.
Tại phiên xử hôm 4/7 vừa qua, Tòa gia đình và người chưa thành niên TP HCM đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh Nam. Vị thẩm phán khuyên chị hãy chấp nhận, bởi khi hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung thì có níu kéo cũng chỉ làm sợi dây hạnh phúc càng giãn ra. Ông khuyên chị hãy đòi tài sản cho con bằng vụ kiện khác.
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM, từng tư vấn cho nhiều trường hợp cha thử ADN để chứng minh con có phải của mình hay không như anh Nam. Tuy nhiên, làm đến lần thứ tư như anh Nam là lần đầu tiên. Nhiều ông bố, dù kết quả thể hiện cha con cùng huyết thống nhưng vẫn không tin. Cho đến khi đứa con lớn, tuyên bố không nhận cha, họ mới tỉnh ngộ thì quá muộn. “Mấu chốt ở đây không phải vì con, mà vì anh ta ghen vợ quá”, vị chuyên gia nói.
Theo bà Hoa, những người ghen như anh Nam là một bệnh lý, cần phải điều trị bằng tâm lý. “Trong cuộc sống vợ chồng, ghen sẽ giúp người kia biết mình được yêu và được bạn đời trân quý. Thế nhưng, ghen như anh Nam là rất ngột ngạt, làm đời sống gia đình trở nên trầm trọng hơn. Những người vợ hãy nhẹ nhàng giúp chồng bằng sự khéo léo và cùng người thân khuyên chồng nên đi tìm bác sĩ tâm lý để tìm hướng điều trị”, thạc sĩ Hoa nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phan Thân/VNE