Sau giải phóng Phnom Penh, trinh sát Nguyễn Toàn Thắng mất đôi chân trên đường về nước, buồn chán, ông thường uống rượu một mình.
Trên Quốc lộ 1A qua thôn Quyết Thắng, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi), có một ngôi nhà nơi công nhân thường gửi xe máy để đón xe buýt đến các khu công nghiệp làm việc. Ít người biết, ông chủ cụt hai chân, dùng hai chiếc ghế nhựa đi lịch xịch họ gặp mỗi ngày từng là một trinh sát ở chiến trường Campuchia.
Thương binh Nguyễn Toàn Thắng trong ngôi nhà ở TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh. |
Năm 1979, sau giải phóng Phnom Penh, trung đội của binh sĩ Nguyễn Toàn Thắng được điều về nước. Trên đường về Việt Nam, tàn quân Pol Pot vẫn còn ẩn náu trong rừng, cài bom và bắn tỉa gây sát thương cho bộ đội Việt Nam.
Trong một lần cùng đồng đội trinh sát địa hình, quả mìn phát nổ cướp đi đôi chân của chàng trai 23 tuổi. “Đó là loại mìn vỏ nhựa nên chúng tôi rà không thấy. Mảnh của nó rất độc, nên mảnh đến đâu thì phải cắt chân đến đó”, ông Thắng giải thích. Hôm sau, chàng trai trẻ tỉnh dậy, bàng hoàng vì chưa chấp nhận sự thật đôi chân đã mất.
Anh được đồng đội khiêng qua biên giới, đến bệnh viện Pleiku điều trị. Lành vết thương, Thắng được đưa về Trại an dưỡng thương binh ở huyện An Nhơn (Bình Định). Ở đó, anh đã gặp cô y tá Thái Thị Hạt. Tình yêu của cô giúp những vết thương của chàng binh sĩ dần nguôi ngoai.
Ông Thắng nhớ lại những ngày đầu ở trại thương binh, khi đó ông thường nghĩ về dự định dang dở: “Chỉ mấy ngày trước khi bị thương, thủ trưởng còn nói đưa tôi đi học văn hóa, kỹ thuật quân sự”. Nhưng còn vết thương lòng cũng không kém đau. Người vợ ở quê nhà, cưới trước khi ra trận, khi nghe tin ông bị thương đã bỏ đi. Ông chỉ biết tự trách mình: “Lấy chồng cũng như không, chẳng nhờ được gì nên bỏ cũng phải”.
Những muộn phiền khiến chàng trai vốn yêu đời trở nên bất cần. “Buổi chiều, tôi lăn xe ra quán gần trại mua rượu uống, hồi đó tôi ngang lắm vì chán đời”, ông tự cười mình khi nhớ lại. Khi đó, cô Hạt thường đến bên ông chuyện trò, an ủi, khuyên ông bỏ rượu, rồi thương chàng thương binh lúc nào không hay.
Ngày bà Hạt về nhà báo tin lấy chồng, cả nhà đều ngăn cản. Nhưng vì yêu ông, bà bất chấp. Thái độ cương quyết của cô gái khiến những do dự, lo lắng của anh thương binh bị xua tan. “Ai cũng có vợ, sinh con, sao mình không dám?”, ông Thắng tự động viên mình và thông cảm cho gia đình người yêu: “Mình mất cả hai chân, lại qua một đời vợ, con gái họ cũng không đến nỗi nào, ai lại muốn gả”.
Ngày cưới diễn ra đơn sơ, không có nhẫn, cũng không của hồi môn, vậy mà thành vợ thành chồng. Đó là năm 1981. Một năm sau, họ sinh con trai đầu lòng.
Ông Thắng và vợ lần đầu chụp ảnh chung sau 30 năm, trong lễ cưới của con trai. Ảnh:Phạm Linh. |
Những vất vả bắt đầu, vợ chồng dành dụm nuôi con bằng đồng lương y tá và thương binh ít ỏi. Thương vợ, ông Thắng tự di chuyển trên xe lăn để làm việc nhà, có khi lăn xe nhiều km đến cửa hàng mua củi, bột cưa về cho vợ nấu cơm.
Ba năm sau, con trai thứ hai ra đời. Gánh nặng kinh tế oằn trên vai, vợ chồng bàn nhau tính đường “anh một nơi, em một nơi”. Ông mang con trai lớn về quê nhà ở Quảng Ngãi, xin cấp thêm đất để làm ruộng, trồng trọt. Bà ở lại làm y tá ở Bình Định, nuôi con nhỏ mới sinh.
Người thương binh nghĩ đủ cách để có đồng ra đồng vào. Ông lấy hai chiếc ghế làm đôi chân đi ra đồng, dùng cuốc tháo nước, làm đất, làm cỏ. Ngày ấy, ngành nông nghiệp trong tỉnh phụ thuộc vào nguồn nước của hệ thống kênh mương thủy lợi Thạch Nham. “Nước về từng đợt nên mình phải tranh thủ tháo nước nếu không người khác giành hết. Nhiều hôm 10h đêm vẫn ở ngoài đồng”, mắt ông xa xăm khi ôn lại lúc cơ hàn.
Xong việc đồng áng, ông lại lên quốc lộ bán xăng. “Nhiều tài xế được cấp xăng nhưng chạy dư thì bán lại, tôi mua lại bán cho tài xế khác”, ông sôi nổi kể về các khoản tiền kiếm được.
Một năm xa vợ, ông Thắng làm gà trống nuôi con, vừa tự chăm sóc mình, vừa giặt giũ, nấu cơm cho con. Đến năm 1987, bà chuyển công tác về Quảng Ngãi, làm y tá ở bệnh viện gần nhà. Gia đình nhỏ đoàn tụ trong căn nhà lụp xụp bên quốc lộ. Ông vẫn cần cù trồng trọt, chăn nuôi. Bà hết giờ làm thì về giúp chồng làm cỏ, bỏ phân cho lúa, mì, nuôi heo.
“Cuộc sống vất vả nhưng vợ chồng chẳng mấy khi giận hờn, vì bà ấy theo tôi thì đã chấp nhận rồi”, ông Thắng cười mãn nguyện. “Trả nghĩa” cho bà, ông chẳng mấy khi càm ràm lúc bà có ca trực ban đêm về trễ. “Cha con tôi tự giác nấu ăn, chứ chờ bà về chẳng biết khi nào”, ông cười xòa.
Sự chịu thương, chịu khó của đôi vợ chồng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hai mươi năm trước, họ xây được một ngôi nhà cấp bốn. Rồi cứ thế khấm khá lên, năm 2014, bà Hạt dành dụm, góp với đồng lương thương binh của chồng xây một ngôi nhà hai tầng khang trang trên nền đất cũ.
Hai con trai giờ đây đã lập gia đình và có công việc ổn định, có người sống chung với cha mẹ. Trong ngôi nhà ba thế hệ, tiếng cười, nói của bầy cháu mang lại cho ông bà niềm vui tuổi già.
Bà Hạt đã về hưu, mở một quán hủ tiếu trước nhà bên cạnh nơi giữ xe. Hàng ngày, ông Thắng ngồi trên hai chiếc ghế trước hiên nhà, sẵn sàng chờ vợ nhờ vả, như năm xưa chờ quân lệnh. Có lẽ, những chiếc ghế đã thay đôi chân của ông, nhưng chính tình yêu của bà mới mới giúp ông đứng dậy.
Cũng như trinh sát Nguyễn Toàn Thắng, chỉ huy cũ của ông, đại tá Ngô Đức Tấn – Trung đoàn trưởng 94 cũng bén duyên cùng một cô y tá. Gặp nhau trong kháng chiến chống Mỹ, bà Hồ Thị Minh Thu khi ấy mới 25 tuổi phải lòng người chỉ huy đã 40, bởi sự mưu trí mà hoạt náo, hóm hỉnh. Hai người hẹn ước đợi ngày hòa bình sẽ làm lễ cưới.
Ngày hòa bình ấy cũng đến, tháng 4/1975. Ngày cưới, hai người làm lễ ở chi bộ. “Tiệc cưới” chẳng có gì ngoài hai kg trà loại một và một bao bánh kẹo, trước sự chứng kiến của đồng đội. Nhưng bên nhau chưa được bao lâu, khi bà Thu mang bầu cũng là lúc biên giới Tây Nam vào hồi khốc liệt. Chiến tranh với người vợ trẻ là 13 năm mòn mỏi đợi chờ.
Đại tá Ngô Đức Tấn và vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Năm 1976, ông Tấn nhận lệnh của Quân khu 5, chỉ huy trung đoàn 94 lên chiến trường Đăk Cơ, Chư Prông (Gia Lai) bảo vệ biên giới. Ở chiến trường ấy, đồng đội cắc cớ khi thấy ông Tấn tranh thủ giờ nghỉ trưa vào rừng chặt cây, đem vào hầm đốt củi, cho đến khi họ biết ông lấy số than ấy dồn vào chín bao tải gửi về cho vợ và đứa con đầu lòng sẽ chào đời lúc đầu mùa Đông.
Ngày bà sinh con, ông không có mặt. “Khi con gái được một tháng. Tôi bị ốm, điện báo tin qua đơn vị thì ông ấy mới về thăm. Đó cũng là một trong những lần hiếm hoi ông về nhà”, bà Thu bùi ngùi.
Người vợ trẻ lúc này đã chuyển công tác, làm y tá ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ban ngày, bà thường gửi con ở nơi giữ trẻ hoặc người thân để công tác, chắt chiu từng đồng lương ít ỏi. “Thời bao cấp, người lớn có suất 10 kg gạo, ba cái củ, còn trẻ em được 3 kg gạo”, bà Thu kể.
Nửa cuối năm 1978, đại tá Ngô Đức Tấn nhận lệnh tiến công từ đường 19 sang Campuchia. Ở bên này, bà Thu không chỉ nặng gánh mưu sinh mà còn lo thắc thỏm, rối bời. “Thi thoảng lại có đồng đội nói với tôi là thằng Tấn nó đánh giặc lì lắm, chết lúc nào không hay. Mỗi lần như vậy tôi lại đau thắt ruột”.
Năm 1979, sau giải phóng Phnom Pênh, ông Tấn “bất ngờ” về nhà, bà Thu mừng rơi nước mắt. “Đó là năm Quân khu 5 điều tôi về nhận huân chương Hồ Chí Minh vì thành tích chiến đấu”, ông Tấn giải thích. Trong ngày ngắn ngủi ông về thăm vợ sau khi nhận huân chương, bà mang thai đứa con thứ hai.
Năm sau, ông tranh thủ thời gian về Quân khu họp, chăm sóc vợ và đón con chào đời. Sau những ngày đoàn tụ ngắn ngủi, ông lại lên đường qua bên kia biên giới, để lại người vợ trẻ với hai con thơ. Bà Thu không trách chồng, chỉ đôi khi không ngăn được những giọt nước mắt chực trào vì đơn độc: “Tôi chỉ lo ông ấy ở bên kia chết”.
Bà nhớ lại, thời ấy khi xem phim chiếu bóng, vợ con bộ đội mặc nhiên được vào. “Tôi dắt hai con đi xem. Nhưng khi tôi nói chồng tôi ở chiến trường Campuchia thì họ không tin, bảo tôi phải mua vé. Mua vé rồi thì nhìn một anh bộ đội dắt vợ con vào, tôi bật khóc rồi đi về, không còn tâm trạng nào xem phim nữa”.
Sau 13 năm ròng rã, ông về khi tuổi đã quá 50, gác đời binh nghiệp khi mang trên mình 16 vết thương, trong đó có một vết thương từ chiến trường K. Cô y tá trẻ năm nào giờ đã 40 tuổi, người gầy hóp chỉ còn 40 kg vì nỗi lo âu dài đằng đẵng. “Từ ngày ổng về, tui mới mập lên”, bà Thu nói.
Ông về, dùng lương cựu chiến binh hỗ trợ bà nuôi con. Hai người tận dụng mảnh đất còn dư nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Trên mảnh vườn trước đây chỉ là căn nhà lợp tôn, họ dựng được một ngôi nhà bề thế, nuôi hai con thành đạt.
Ngồi bên nhau, hai người lục ra bức hình đen trắng chụp chung mấy chục năm trước. Cô y tá trẻ bẽn lẽn bên anh chồng binh nghiệp, tóc hai người vẫn còn đen. Ngày ấy, bà khép nép để ông chở che. Còn hôm nay, bà cựu y tá tận tâm chăm sóc chồng mỗi khi trái gió trở trời. “Ngoài những vết đạn trên người thi thoảng làm ông đau nhức, ông còn phải dùng máy trợ tim, vừa thay cái máy thứ hai rồi”, bà kể.
Ông Tấn giờ đây không còn hò hét chỉ huy ai nữa. Ngồi bên vợ, ông gằn giọng la mấy đứa cháu nghịch ngợm khi ông bà đang tiếp khách. Sau một đời binh nghiệp, cuối cùng người trung đoàn trưởng cũng chịu thua những đứa cháu của mình.
Phạm Linh/VNE