Theo các nhà phân tích, thỏa thuận khí đốt mang tính bước ngoặt của Thổ Nhĩ Kỳ với Hungary đang mang lại cho Budapest một huyết mạch năng lượng rất cần thiết, nhưng điều đó có thể đang mở ra một cánh cửa hậu để Nga tái thiết lập quyền kiểm soát của mình đối với năng lượng châu Âu.
Tìm nguồn năng lượng mới
Hungary đang tìm kiếm các nguồn khí đốt mới khi nước này sắp kết thúc thỏa thuận mua 4,5 tỷ mét khối khí đốt của Nga mỗi năm thông qua đường ống của Ukraine.
Đầu tuần qua, nước này đã tiến thêm một bước để thực hiện điều đó khi nhận những chuyến giao khí đốt đầu tiên thông qua một thỏa thuận mới với Thổ Nhĩ Kỳ, theo Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó.
Theo các điều khoản của hợp đồng được ký giữa công ty nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ BOTAŞ và MVM CEEnergy của Hungary vào tháng 8 năm ngoái, quốc gia thành viên EU này sẽ nhận được tới 275 triệu mét khối khí đốt tự nhiên trong những tuần tới.
Phát biểu tại hội nghị năng lượng ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga vào tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary ca ngợi việc khởi động kế hoạch này là một “ngày lịch sử” nhằm tăng cường quan hệ với Ankara.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hiệp ước này cũng thể hiện cơ hội trở thành “trung tâm khí đốt” cho toàn châu Âu – một tham vọng mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan luôn ấp ủ khi đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hiện cung cấp cho Bulgaria tới 1,85 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, thì thỏa thuận với Hungary là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu khí đốt trực tiếp tới các nước láng giềng.
Vẫn mang lại nguồn lợi cho Nga?
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển tới châu Âu thực chất là vẫn đến từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu và mặc dù là thành viên của liên minh quân sự NATO, nước này vẫn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga như nhiều nước phương Tây khác đồng thời tuyên bố vẫn tăng cường buôn bán năng lượng với Nga.
Theo bà Aura Sabadus, nhà phân tích cấp cao của công ty tình báo thị trường ICIS, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể có được giá khí đốt rẻ như vậy nếu nó đến từ một nơi khác ngoài Nga.
Hungary cũng là một trong những thị trường khí đốt rẻ nhất châu Âu vì mua khí đốt từ Nga với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, Hungary cần nguồn khí đốt mới. Ukraine đã khẳng định và xác nhận với POLITICO rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga để cho phép khí đốt chảy qua lãnh thổ của mình khi thỏa thuận hết hạn vào tháng 1.
Thay thế tuyến đường đó bằng khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một lựa chọn của Hungary và là một lựa chọn khiến nguồn gốc thực sự của nhiên liệu hầu như không thể tìm ra.
Một quan chức cấp cao của EU chia sẻ với POLITICO rằng Ủy ban châu Âu đang “theo sát kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ để mở một trung tâm khí đốt”. Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng việc mua khí đốt của Nga thông qua một quốc gia khác được cho phép theo các quy định trừng phạt hiện hành.
Hungary cho tới nay vẫn luôn phản đối những hạn chế cứng rắn hơn đối với năng lượng của Nga, bao gồm cả lĩnh vực hạt nhân dân sự, và thực tế đã tăng cường liên kết năng lượng với Moscow.
Công ty nhà nước Rosatom của Moscow đang giúp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân lớn mới gần Paks ở miền nam Hungary. Trong chuyến công du tới Nga vào tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã phát biểu tại một hội nghị về năng lượng nguyên tử, ông ca ngợi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dựa vào Rosatom để xây dựng nhà máy hạt nhân Akkuyu mới của mình.
Thanh Tú / Vietnamfinance
Theo Politico