Thông tin Formosa gây ra hiện tượng cá chết ở miền trung của Việt Nam trong tháng 4 và phải bồi thường 500 triệu USD trở thành tâm điểm chú ý của báo chí, dư luận Đài Loan.
Hãng thông tấn CNA của Đài Loan đưa tin về vụ việc kèm theo thông cáo xin lỗi của tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) trong đó nói “tôn trọng kết quả điều tra của chính phủ Việt Nam”.
“Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc và chân thành tới chính phủ và nhân dân Việt nam vì đã gây ra sự cố môi trường này, ảnh hưởng tới đời sống của các ngư dân,” thông cáo nói.
Bản tin của CNA cũng trích lời cơ quan đối ngoại của Đài Loan kêu gọi các nhà đầu tư phải tôn trọng luật lệ của nước sở tại cũng như chịu trách nhiệm xã hội để không ảnh hưởng tới hình ảnh của Đài Loan và quan hệ đối ngoại của vùng lãnh thổ này.
Liên Hợp báo có loạt 3-4 bài về vụ việc phân tích nhiều góc độ khác nhau đối với hành vi của Formosa. Cây viết Wang Maozhen viết về “bài học đắt giá” của Formosa khi phải nộp 500 triệu USD liên quan tới vụ cá chết.
Theo cây viết này, hôm qua là ngày “đáng xấu hổ” với tập đoàn Formosa cũng như ông chủ tịch Vương Văn Uyên, người từng định sẽ bắt đầu mẻ luyện thép chính thức đầu tiên ở Formosa vào ngày 2/7.
Theo tác giả, với chính sách Hướng Nam của Đài Loan (hướng tới tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á), các doanh nghiệp nước này cần có sự hiểu biết về luật pháp, quy định bảo vệ môi trường ở các địa phương tới đầu tư.
“Tôi coi cái giá của dự án thép là cái bài học đắt giá cho chính sách Hướng Nam này,” tác giả viết.
Cùng trên Liên Hợp báo, ông Huang Chih-fang, chủ nhiệm Văn phòng chính sách Hướng Nam khẳng định sự cố sẽ không ảnh hưởng tới sáng kiến tăng cường hợp tác với Đông Nam Á của Đài Bắc.
Formosa từng dự kiến bắt đầu mẻ luyện thép đầu tiên vào ngày 2/7 nhưng buộc phải hoãn lại sau những sự cố vừa qua.
Apple Daily cũng viết “Dự án của Formosa Plastics tại Việt Nam thừa nhận chất thải có độc và sẵn sàng nộp phạt 16,1 tỷ Đài tệ (500 triệu USD)”.
Hiệp hội luật gia môi trường: “Chúng tôi không ngạc nhiên”
Bà Echo Lin, tổng thư ký hiệp hội các luật gia vì môi trường (EJA), trong trao đổi với Zing.vn tại Đài Bắc, đánh giá kết luận về sai phạm của Formosa là không ngạc nhiên khi tập đoàn này có nhiều sai phạm trong quá khứ.
– Đã có kết luận chính thức rằng hệ thống xả thải của Formosa gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền trung của Việt Nam. Bà bình luận như thế nào về kết luận cuối cùng này?
– Đây không phải là điều ngạc nhiên vì tất cả các bằng chứng hiện hữu và bối cảnh lúc đó đều cho thấy Formosa là nghi can chính dẫn tới vụ cá chết quy mô lớn này.
– Tổ chức của bà đã phản đối Formosa rất sớm liên quan tới vụ cá chết. Cơ sở nào để xác định được mối liên hệ của Formosa tới vụ việc này?
– Chúng tôi chưa có ngay được báo cáo phân tích chi tiết mối quan hệ trực tiếp của Formosa với vụ cá chết, nhưng dựa trên nghiên cứu về chất thải ngành thép của các nhà nghiên cứu Đài Loan, chúng tôi đưa ra kết luận (về mối liên quan của Formosa). Các nghiên cứu này chỉ ra chất thải từ nhà máy thép có thể gây ô nhiễm môi trường và các vấn đề về sức khoẻ. Đó là lý do chúng tôi yêu cầu Formosa phải công bố các hoá chất sử dụng trong sản xuất (thép) và các hoá chất có trong chất thải.
– Formosa từng gây ô nhiễm ở nhiều nước khác. Vậy có cách nào để ngăn chặn hành vi này của các tập đoàn đa quốc gia? Ở các nước nghèo, đôi khi nhu cầu phát triển khiến họ khó khăn hơn trong việc kiểm soát hoặc giảm tình trạng ô nhiễm bởi các tập đoàn lớn kiểu như Formosa.
– Đúng là vậy. Formosa vốn khét tiếng là gây ô nhiễm ở nhiều nước, bao gồm cả ở Đài Loan, Mỹ, Campuchia và giờ là Việt Nam. Việc chặn các tập đoàn lớn như Formosa là không hề dễ và chúng tôi đang cố gây sức ép để chính quyền Đài Loan siết chặt lại quy định về đầu tư nước ngoài đối với Formosa. Tuy nhiên, việc này sẽ hiệu quả hơn nếu như Việt Nam có thể có mức phạt và hình phạt nặng đối với Formosa. Thậm chí là nên xem xét hình sự vì Formosa đã tuyên bố tuân thủ theo luật lệ ở địa phương.
Chính quyền Đài Loan lên tiếng về vụ Formosa
Đài Loan đã chỉ đạo cơ quan đại diện ở Việt Nam chủ động phối hợp giải quyết sự cố cá chết hàng loạt do công ty Formosa gây ra ở miền Trung Việt Nam.
“Đài Loan trước sau luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ luật bảo vệ môi trường của nước sở tại, dũng cảm thừa nhận trách nhiệm, tránh làm ảnh hưởng tới hình ảnh Đài Loan, thậm chí ảnh hưởng quan hệ ngoại giao”, thông tấn xã Đài Loan CNA tối qua dẫn cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết sau khi Việt Nam xác định Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung Việt Nam từ tháng 4.
Cơ quan đại diện chính quyền Đài Loan tại Việt Nam đã nhận được chỉ đạo phối hơp chặt chẽ với Hà Nội để nhanh chóng “giải quyết vấn đề”.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết vụ Formosa xả thải gây chết cá ở miền Trung Việt Nam là “sự kiện riêng lẻ”, đề nghị Việt Nam có biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Đài Loan cũng như an toàn về tài sản và con người.
Hồi giữa tháng các nghị sĩ Đài Loan đã kêu gọi chính quyền vào cuộc điều tra và nhấn mạnh việc cá chết hàng loạt có thể gây nguy hại cho chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Chiều 29/6, bảy đại diện của Formosa hai lần gập người xin lỗi nhân dân Việt Nam, thừa nhận công ty gây ra thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Thay mặt hơn 6.300 cán bộ, nhân viên, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đọc bản xin lỗi dài gần 7 phút.
Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên – Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Formosa cam kết bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Theo Zing, Vnexpress