Việc IS tự tuyên bố có mối liên quan với những kẻ xả súng cho thấy nhóm này có thể đang suy yếu, phải tìm mọi cách để lôi kéo truyền thông, khuếch trương ảnh hưởng.
Sau vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ tại câu lạc bộ đồng tính Pulse, thành phố Orlando, bang Florida, hôm 12/6, Nhà nước Hồi giáo (IS) nhanh chóng nhận mình có mối liên hệ với kẻ thảm sát. Trước đó, IS cũng nhận trách nhiệm thực hiện 6 vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp, khiến 127 người thiệt mạng.
Song theo giới quan sát, những tuyên bố trên mang đầy tính cơ hội. Chúng giống với biểu hiện của sự suy yếu hơn là sức mạnh. Hầu hết các bằng chứng thu thập được đều cho thấy ở cả hai trường hợp, những kẻ tấn công không có mối liên hệ hoặc liên quan rất ít tới nhóm cực đoan này, mặc dù họ từng thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Al-Bayan, đài phát thanh của IS, miêu tả Omar Mateen, kẻ xả súng ở Orlando, là “một trong những chiến binh Caliphate”. Caliphate là thể chế Hồi giáo do một lãnh tụ tôn giáo tối cao gọi là “người kế tục” nhà tiên tri Mohammed lãnh đạo.
Hãng thông tấn Amaq, thường tuyên truyền cho IS, hôm 13/6 cũng đưa tin nói rằng cuộc tấn công tại hộp đêm Pulse do một tay súng thuộc tổ chức này gây ra.
Nhưng theo giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, Mateen không chỉ ủng hộ IS mà còn đưa ra bình luận về rất nhiều phong trào Hồi giáo và cá nhân khác nhau, khiến việc tìm ra động cơ của y thêm phần khó khăn.
“Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy âm mưu này được chỉ đạo từ bên ngoài nước Mỹ cũng như không có bằng chứng về việc kẻ tấn công thuộc một mạng lưới tội phạm nào”.
IS đang suy yếu
Theo CNN, việc IS chóng vánh tự nhận mình có liên quan tới các cuộc tấn công ở Orlando hay Paris chỉ thể hiện một điều rằng nhóm đang suy yếu và phải tìm mọi cách để khuếch trương thanh thế, mở rộng tầm ảnh hưởng. Nhóm gần đây liên tục thất thủ tại những vùng lãnh thổ chiến lược quan trọng, điển hình như thành phố Fallujah, các ngôi làng xung quanh thành phố Mosul, Iraq, khu vực quanh trung tâm đầu não của tổ chức ở Raqqa, Syria, hay thành phố Sirte, Libya.
Những thất bại liên tiếp suốt 6 tháng gần đây buộc phát ngôn viên chính của IS, Mohammed al Adnani, phải lên tiếng định nghĩa lại khái niệm về chiến thắng mà nhóm theo đuổi.
Trong một đoạn ghi âm công bố cuối tháng trước, Adnani khẳng định IS sẽ không thất bại, “trở về điểm xuất phát” vì những bước thụt lùi tại Mosul, Sirte, Raqqa hay bất cứ thành phố nào khác bởi nhóm chỉ thật sự thất bại khi “đánh mất ý chí và khát vọng chiến đấu”.
Adnani còn thúc giục những người Hồi giáo tiến hành các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” nhằm vào phương Tây.
Larossi Abballa, hung thủ đâm chết vợ chồng một sĩ quan cảnh sát cấp cao Pháp hôm 13/6, cho biết y hành động theo lời kêu gọi của Adnani. Omar Mateen trước khi xả súng giết chết 49 người tại hộp đêm Mỹ thì gọi cho số điện thoại khẩn cấp 911 và thề trung thành với thủ lĩnh tối cao IS al-Baghdadi.
Những vụ tấn công kiểu như vậy giúp IS mở rộng ảnh hưởng, tạo nên cảm giác rằng nhóm “hiện diện ở khắp nơi” mặc dù trên chính lãnh thổ chúng chiếm đóng ở Iraq, Syria hay Libya, IS đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, bình luận viên Tim Lister từ CNN nhận định. Ngoài ra, IS cũng nhắm tới việc “tẩy não”, làm mất lòng tin của những người Hồi giáo ở châu Âu và Bắc Mỹ, từ đó kích động họ tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo.
Hình thức khủng bố mới
Theo Lister, thế giới đang chứng kiến sự tiến hóa của một hình thức khủng bố mà al-Qaeda và IS đã theo đuổi từ lâu: cực đoan hóa các cá nhân thông qua mạng Internet, xúi giục họ đơn độc thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu.
Trong vụ việc ở Orlando, giám đốc FBI Comey cho biết nghi phạm Mateen dường như “bị cực đoan hóa một phần thông qua Internet”. Nhà chức trách đã tìm thấy từ lịch sử trình duyệt của y các bài giảng thuộc về Anwar al-Awlaki, một giáo sĩ đầu quân cho al-Qaeda, sinh ra ở Mỹ.
Năm 2010, al-Awlaki tung ra một video nói rằng “giết dân Mỹ là bổn phận của mọi người Hồi giáo”.
Năm ngoái, Muhammad Youssuf Abdulazeez, 24 tuổi, đến từ thành phố Chattanooga, bang Tennessee, xả súng vào hai căn cứ quân sự Mỹ, khiến 4 lính thủy đánh bộ và một thủy thủ thiệt mạng. Y đã xem đoạn video của al-Awlaki một tuần trước khi hành động.
Theo một bản cáo trạng liên bang, Syed Rizwan Farook, một trong những kẻ xả súng ở trung tâm dịch vụ xã hội San Bernardino, hồi năm ngoái cũng bị cực đoan hóa bởi các bài thuyết giảng từ al-Awlaki.
Orlando, San Bernardino hay Tennessee, tất cả những vụ tấn công này đều ngẫu nhiên, bộc phát, nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Để ngăn chặn chúng là điều cực kỳ khó khăn bởi chúng không thể đoán trước, ông Lister đánh giá. Hay theo như lời Comey, các nghi phạm không khác gì “những chiếc kim lẫn trong đống cỏ khô vậy”.
Vũ Hoàng
Theo Vnexpress