Để tránh trình trạng phát sinh nhiều chi phí và không bị bắt chẹt khi đem xe máy đi bảo dưỡng đón Tết, bạn nên dành chút thời gian vệ sinh, kiểm tra các bộ phận trên xe…
Theo thói quen, vào những ngày trước Tết nhiều người thường mang xe đi bảo dưỡng để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành ổn định, êm ái. Tuy nhiên, việc bỏ qua những bước kiểm tra khá đơn giản ngay từ ban đầu, cũng như “phó mặc” chiếc xe cho các cửa hàng sửa chữa… khiến không ít người phải mất tiền oan cho các khoản phát sinh không đáng khi mang xe đi bảo dưỡng.
Theo chia sẻ từ một số kỹ thuật viên chuyên chăm sóc, bảo dưỡng xe máy, xe tay ga tại TP.HCM, khi mang xe máy đi bảo dưỡng, sửa chữa chủ xe nên lưu ý các bước sau đây:
Kiểm tra giấy tờ liên quan thời hạn bảo dưỡng
Trước khi có ý định mang xe ra cửa hàng, đại lý bảo dưỡng bạn nên dành thời gian xem qua lịch bảo dưỡng xe, đối chiếu với số kilomet đã đi hiển thị trên bảng đồng hồ, cũng như các giấy tờ liên quan đến thời hạn bảo hành.
Điều này sẽ giúp chủ xe phần nào xác định được lịch bảo dưỡng của xe, các chi tiết cần được thay thế theo đúng định kỳ. Bởi mỗi dòng xe máy đều được nhà sản xuất khuyến cáo về việc thay thế các bộ phận như: nước làm mát, dầu nhớt máy, dầu hộp số, dây cu roa… tương ứng với thời gian đã sử dụng xe cũng như quảng đường đã đi. Thông thường, các xe máy mới mua sẽ được đại lý cam kết thời gian bảo hành 1 – 2 năm. Trong khoảng thời gian này chủ xe sẽ được hưởng một số quyền lợi quy định về bảo hành, bảo dưỡng miễn phí một số chi tiết.
Vệ sinh, kiểm tra xe
Trước khi mang xe ra đại lý bảo dưỡng bạn nên tự mình kiểm tra để nắm tình trạng hoạt động của xe cũng như từng chi tiết trên xe. Nếu là phụ nữ, không rành về xe… sau khi mang xe đi vệ sinh, nên nhờ những người có kinh nghiệm dành chút thời gian kiểm tra sơ lược về xe.
Việc vệ sinh xe, sẽ giúp bạn phát hiện được các chi tiết trên xe có bị trầy hay nứt, vỡ và cần phải thay thế hay không? Đồng thời sẽ loại bỏ bụi bẩn, bùn đất bám vào thành động cơ, ống pô… giúp xe đạt được hiệu quả tản nhiệt tốt nhất. Về việc kiểm tra xe, chủ xe nên lưu ý đến các chi tiết không quá phức tạp sau đây:
Đèn xe: Trước hết bạn nên quan sát hệ thống đèn pha, đèn hậu, đèn xi nhan, đèn chiếu sáng bảng đồng hồ trung tâm… Kiểm tra các bóng đèn có còn hoạt động bình thường hay không? Cụm đèn có bị nứt vỡ hay không?
Lốp, mâm xe: Đây là chi tiết rất quan trọng trên mỗi chiếc xe. Bởi việc tiếp xúc trực tiếp với mặt đường trong các điều kiện khác nhau khiến chi tiết này thường hay gặp sự cố. Vì vậy, đầu tiên bạn nên lưu ý đến độ mòn của lốp. Nếu gai lốp đã quá mòn, hay phát hiện thành lốp bị phù… nên thay thế để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với chi tiết này bạn cũng nên lưu ý để không bị các thợ sửa xe “qua mặt” khuyên thay thế khi chưa cần thiết. Nếu như các gờ của bánh xe vẫn còn ở mức cùng với tia ở cạnh bên của bánh xe thì việc thay thế là chưa cần thiết. Lưu ý, luôn đảm bảo áp suất lốp, điều này sẽ giúp xe bạn vận ổn định, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Bên cạnh đó, kiểm tra xem bộ mâm (vành), nếu phát hiện chi tiết này bị bị rỉ sét bạn nên thay thế. Trong trường hợp, mâm xe bị cong, vênh… khi chạy xe sẽ có hiện tượng giật và thiếu sự êm ái. Chi phí thay mâm thường khá cao, đặc biệt đối với các loại xe tay ga. Tuy nhiên, nếu độ cong, vênh không quá lớn, bạn nên chọn giải pháp ép lại mâm. Phương án này sẽ giảm độ cong, vênh, trong khi chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc bạn thay mâm mới.
Dầu nhớt: Đây là bộ phận mà bạn cũng có thể dễ dàng kiểm tra, thông qua việc theo dõi lịch bảo dưỡng định kỳ, số kilomet mà xe đã vận hành kể từ lần thay thế gần nhất. Thông thường, đối với một số mẫu xe máy, xe tay ga, nhà sản xuất khuyến cáo nên thay nhớt máy sau khoảng 2.000 km. Ngoài ra, nếu không nắm được con số này, bạn nên tháo cây thăm nhớt và quan sát màu dầu. Nếu màu của dầu là màu đen thì đã đến lúc phải thay dầu, trong khi đó nếu dầu trên cây thăm có màu da cam là dầu nhờn còn tốt, chưa nên thay.
Tham khảo trước giá phụ tùng cần thay
Bất kể chọn các đại lý lớn hay những cửa hàng sửa xe nhỏ lẻ để bảo dưỡng xe. Trước khi quyết định thay thế các phụ tùng trên xe, bạn nên tham khảo giá từ đại lý. Điều này sẽ giúp bạn tính toán được chi phí dành cho việc bảo dưỡng xe. Tại một số đại lý chính hãng, giá bán phụ tùng thường được niêm yết. Tuy nhiên tại các cửa hàng, chi nhánh nhỏ khi được báo giá, bạn nên đối chiếu với giá phụ tùng từ đại lý chính hãng để tránh trường hợp thay thế các phù tùng kém chất lượng với mức giá cao hơn.
Đừng phó mặc xe cho thợ sửa chữa
Khi mang xe đến đại lý hay các cửa hàng sửa chữa để bảo dưỡng, nhiều người thường phó mặc chiếc xe cho kỹ thuật viên hay thợ sửa chữa. Vì vậy, thường không nắm rõ tình trạng xe cũng như các chi tiết, bộ phận mà đôi khi không nhất thiết cần phải thay thế. Điều này, khiến cho chi phí bảo dưỡng xe gia tăng.
Trong qua trình bảo dưỡng xe tại đại lý, khi thợ sửa xe đề nghị thay thế một số bộ phận, bạn nên dành chút thời gian để kiểm tra xem bộ phận đó đã đến thời điểm được nhà sản xuất khuyến cáo nên thay thế hay có nhất thiết phải thay khi xe đang hoạt động bình thường. Một số bộ phận thường bị thợ sửa chữa gợi ý thay như:
Xích xe hay dây cua roa: Đối với xe côn tay, xe máy số, bạn nên kiểm tra xem chi tiết này có bị rỉ, sét, bị mòn hay không. Nếu xích xe bị chùng, bạn nên nhờ thợ sửa tăng xích, căn chỉnh lại để tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp các bánh răng truyền động quá mòn, độ chùng quá lớn sau khi đã tăng xích thì mới tính đến phương án thay thế.
Đối với xe tay ga, chi tiết truyền động này sử dụng dây cu roa được đặt bên trong bộ nồi, vì vậy rất khó để quan sát, kiểm tra. Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng khuyến cáo thời điểm thay thế dây cu roa tương ứng với số kilomet mà xe đã đi được. Căn cứ vào điều này bạn sẽ biết được có nên thay thế hay không. Trong trường hợp không nắm lịch bảo dưỡng, bạn nên kiểm tra dây cu roa khi có đề nghị thay thế từ thợ sửa. Nếu dây cua roa quá chùng và bề mặt tiếp xúc cả hai mặt dây đai có dấu hiệu nứt, thì cần thay thế để đảm bảo hiệu quả truyền động.
Bu gi: Tuổi thọ của bu gi – bộ phận đánh lửa trên mỗi chiếc xe có thể khác nhau. Tuy nhiên, thông thường bu gi xe máy cần được thay thế hoặc bảo dưỡng định kỳ 8.000 km/lần.
Bình ắc quy: Trên thực tế rất dễ nhận biết thời điểm nên thay thế bình ắc quy trên xe máy, xe tay ga. Bạn có thể kiểm tra tiếng còi, đèn chiếu sáng, độ sáng các đèn báo trên bảng đồng hồ để theo dõi tình trạng của bình ắc quy. Nếu âm thanh phát ra từ còi khá yếu, hay ánh sáng đèn liên tục chập chờn khi bấm còi… thì nên kiểm tra thay thế ắc quy. Ngoài ra, đối với loại ắc quy nước, nếu đã sử dụng được 2 – 3 năm thì bạn cần thay thế, còn đối với xe sử dụng ắc quy khô thời gian thay thế sau khi đã sử dụng 3 – 4 năm.
Lưu giữ hóa đơn, giấy bảo hành
Sau khi xe được bảo dưỡng, các chi tiết, phụ tùng thay thế sẽ được đại lý xuất hóa đơn, phiếu bảo hành. Các loại giấy tờ này bạn nên lưu giữ cẩn thận để có cơ sở đối chiếu khi cần thiết. Trong trường hợp chẳng may xe gặp sự cố ở các bộ phận vừa thay thế, nếu không có các hóa đơn thanh toán hay giấy bảo hành phụ tùng, rất có thể bạn sẽ phải tốn thêm chi phí để khắc phục.
Theo Thanh Niên